Tâm tình 'Nhà báo không chuyên'

Nói đến nhà báo, nhiều người nghĩ họ là những cử nhân báo chí, cử nhân khoa học xã hội và nhân văn được đào tạo bài bản từ các học viện, đại học báo chí. Với Thiếu tá QNCN Đỗ Tấn Nghĩa - Phóng viên chuyên mục Quốc phòng toàn dân, nhân viên Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Phú Yên đã gần 30 năm gắn bó với nghề làm báo, dù chưa được đào tạo chuyên ngành báo chí, nhưng đã sở hữu rất nhiều giải thưởng báo chí từ trung ương đến địa phương, anh được chúng tôi gọi với cái tên trìu mến là 'Nhà báo không chuyên'.

Tốt nghiệp lớp 12, anh không thi vào đại học mà chọn học nghề sửa chữa điện tử, đang học thì trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Năm 1992, anh nhập ngũ và trở thành chiến sĩ Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Phú Yên. Kể từ ngày đó, anh chập chững bước vào nghề. Bắt đầu từ trang giấy trắng, trong tâm trí anh không định hình nổi tin phải viết thế nào, khuôn hình ra sao và tổ chức một bài báo, phóng sự thì phải làm sao. Thế là công cuộc bổ túc kiến thức được anh cấp bách lên kế hoạch thực hiện. Một năm ròng, ngày nào anh cũng đọc báo, nghe đài, xem ti vi, để rút ra cách thức viết tin báo, làm tin truyền hình. Và những lần, theo chân các anh chị trong cơ quan đi phỏng vấn, đến các hội nghị để làm quen, tìm hiểu cách nắm bắt, chắt lọc thông tin, phân tích, xử lý vấn đề, quay, chụp… Mỗi ngày anh học một ít, học từ cái nhỏ đến cái lớn. Sau khi đã “rành” hơn một chút, anh bắt đầu tập tành quay, viết, dựng từ những tin sơ đẳng nhất.

“Tôi vẫn còn nhớ, tin đầu tiên của tôi được đăng là về hội nghị tổng kết nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương của tỉnh. Để có được một tin chưa đầy 250 chữ, tôi phải vật vã, nắn nót từng câu chữ, từng khuôn hình thế mà vẫn phải sửa khá nhiều. Rút kinh nghiệm qua từng tin, bài, từ thực tế cuộc sống, môi trường tác nghiệp, đồng thời tích cực tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ báo chí ngắn hạn, có thêm kiến thức, tôi tự tin hơn vào bản thân và bắt đầu có được những tác phẩm báo chí mang dấu ấn của riêng mình”, anh Nghĩa chia sẻ.

 Thiếu tá QNCN Đỗ Tấn Nghĩa tác nghiệp ngoài thực địa.

Thiếu tá QNCN Đỗ Tấn Nghĩa tác nghiệp ngoài thực địa.

Chuyến hành trình 15 ngày lênh đênh trên biển cùng con tàu cá vỏ thép mang tên Xuân Thành 1 của ngư dân, cựu chiến binh Ngô Văn Lanh, Chủ tịch cựu chiến binh, Tổ trưởng tổ tàu thuyền làng cá phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu đánh bắt thủy sản tại ngư trường Trường Sa, đó là hành trình vươn khơi ấn tượng của Đỗ Tấn Nghĩa. Ra khơi, anh cẩn thận bọc theo 30 liều thuốc chống say sóng cho chuyến đi và về dự kiến trên dưới 20 ngày. Ngay đêm đầu tiên tàu gặp vùng áp thấp, biển dựng sóng, gào thét điên cuồng. Tại bến cảng con tàu nom hoành tráng là thế nhưng giữa đại dương bao la, nó nhỏ bé và yếu đuối vô cùng. Sau nhiều giờ vật lộn với sóng nhồi sóng dập, hôm sau tàu đã thoát khỏi vùng ảnh hưởng và cứ thế ngày đi đêm dừng buông lưới, sử dụng ánh sáng của 2 giàn đèn cao áp dẫn dụ đàn cá.

Đêm thứ 2 và 3, lượng cá thu về chỉ vài chục ký, tâm trạng ai nấy đều nặng nề. Đêm thứ 4, mẻ lưới đầu kéo lên nặng trĩu, mẻ thứ hai cũng thế, thu về đến gần chục tấn cá các loại. Dù phải làm việc cật lực nhưng niềm vui cứ nhân lên mãi. Thủy thủ mải miết kéo lưới, nhà báo mải miết quay các góc, các hướng, hết toàn cảnh, trung cảnh, lại cận từng ánh mắt, đôi tay, hành động của ngư dân. Đỗ Tấn Nghĩa còn khoác áo phao leo ra tận mũi tàu, xuống thuyền thúng để thu vào ống kính những khuôn hình ưng ý, những tiếng động rất thực từ hiện trường: Tiếng máy nổ, sóng biển, cá quẫy, tiếng gọi nhau í ới...

“Lúc ấy, ngư dân vui một thì tôi vui gấp hai, ba lần. Không chỉ vì có cảnh để quay mà còn vì đã cất được gánh nặng tâm lý bởi sự có mặt của “khách” biết đâu có thể liên quan đến hên xui của chuyến đi. Tác nghiệp xong, tôi đóng máy lăn xả vào thu hoạch, phân loại, cất trữ cá, như một thủy thủ thực thụ. Và đêm ấy, cả tàu cùng thưởng thức nồi lẩu thủy sản tươi sống vừa vớt lên, tỏa hương thơm lừng giữa biển trời bao la. Cứ muốn hét thật to để chia vui cùng biển. Cảm giác sung sướng ấy sẽ mãi mãi không thể nào quên”, anh Nghĩa nhớ lại.

Tại Liên hoan Truyền hình toàn quân lần thứ IX (tháng 9-2016), phóng sự “Vươn khơi” về tàu Xuân Thành 1 đã giành huy chương bạc và thu hút được sự quan tâm, khen ngợi của Ban tổ chức cũng như các đơn vị bạn. Với tác giả - “Nhà báo không chuyên” Đỗ Tấn Nghĩa, hành trình vươn khơi không những đem về giải thưởng danh giá mà còn là dấu mốc quan trọng để anh tiếp tục bền lòng theo đuổi và hoàn thành nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng cao được xướng tên trong các giải thưởng báo chí trung ương và địa phương.

 “Nhà báo không chuyên” Đỗ Tấn Nghĩa trò chuyện thân mật với nhân vật.

“Nhà báo không chuyên” Đỗ Tấn Nghĩa trò chuyện thân mật với nhân vật.

Hiện nay, trước yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao, đội ngũ cán bộ, nhân viên tuyên huấn làm nhiệm vụ tuyên truyền ở các cơ quan, đơn vị nói chung, “Nhà báo không chuyên” Đỗ Tấn Nghĩa nói riêng đã không quản ngại nắng mưa, lăn lộn trên thao trường, bãi tập, dũng cảm tiến gần ghi hình bộ đội đang nổ súng tiêu diệt mục tiêu khi tham gia diễn tập có bắn đạn thật; sát cánh cùng chiến sĩ trên trận tuyến phòng, chống cháy rừng, bão lũ, dịch bệnh, đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa… Đêm về, các anh lại say sưa viết, dựng để cho ra đời những tác phẩm báo chí đặc sắc, phim minh họa sát thực tiễn, mang hơi thở cuộc sống, thể hiện sống động các hoạt động của lực lượng vũ trang Quân khu, lan tỏa phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ trong tình hình mới.

Bài và ảnh: LÊ TÂY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/tam-tinh-nha-bao-khong-chuyen-731760