Tâm tình từ những lá thư của bệnh nhân thoát 'lưỡi hái tử thần'

Từ 'cửa tử' trở về, nhiều bệnh nhân đã viết những bức thư xúc động, chân thành gửi đến các thầy thuốc ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum.

Tiếp thêm sức mạnh cho thầy thuốc

Sau nhiều ngày trôi trong miên man vì phải lọc máu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, bệnh nhân S. thấy cuộc đời mình như được tái sinh.

Phải nằm cấp cứu lâu ngày, tỉnh lại hay bứt rứt. Các thầy thuốc đã phải dỗ dành bệnh nhân S vào giấc ngủ, tỉnh dậy thì được an ủi như người thân. Có đêm cả phòng cấp cứu bước chân của thầy thuốc như chạy đua không ngừng nghỉ. Những điều ấy, với bệnh nhân S mãi là ký ức đẹp đẽ khó phai. Khi bình phục, việc đầu tiên anh nghĩ đến là gửi món quà đặc biệt là những dòng cảm ơn đến các y bác sĩ.

Nghĩ về những dòng thư gói trọn bao tình cảm của bệnh nhân, ngày 31/10, bác sĩ Võ Văn Thiện, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum tâm tình: Mỗi lá thư gửi đến được chúng tôi luôn trân trọng. Có người bệnh sau khi thoát khỏi nguy kịch, được chăm sóc chu đáo còn nhớ rõ tên từng điều dưỡng, y tá, bác sĩ…và xem đó như người ruột thịt của mình.

Có bệnh nhân khi mới vào phòng cấp cứu đều sợ sệt, nhất là khi lúc gắn máy thở o-xy. Cứ nhìn thấy mà rưng rưng. Ám ảnh nhất là những đôi mắt đờ đẫn chứa ẩn nỗi buồn lo mênh mông về bệnh tật. Lúc đó mỗi thầy thuốc đều phấn đấu làm việc gấp đôi.

"Ở đây tuy điều kiện mọi mặt chưa bằng các bệnh viện lớn nhưng chúng tôi vẫn luôn tự nhắc nhở, động viên nhau đã khoác trên mình chiếc áo bluse trắng thì hãy hàng ngày, hàng giờ dốc tâm sức vì bệnh nhân. Chuyên môn chưa giỏi thì miệt mài cố gắng học tập dần. Rồi khó khăn nào cũng sẽ qua đi"-Bác sĩ Võ Văn Thiện thổ lộ.

Nhiều bệnh nhân đã được cứu từ "cửa tử" trở về ngay tại Kon Tum

Nhiều bệnh nhân đã được cứu từ "cửa tử" trở về ngay tại Kon Tum

Nhiều lá thư để lại ấn tượng sâu sắc. Điển hình như lá thư của bệnh nhân Trần Mạnh Dũng (trúphường Ia Kring, TP.Pleiku, Gia Lai). Ngày Dũng được đưa vào phòng cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Kon Tum với chẩn đoán nhiễm trùng máu, không mạch, không huyết áp, thở bằng bóp bóng nội khí quản, suy đa tạng, nguy kịch người nhà của anh chỉ biết trông chờ vào điều kỳ diệu.

Từ ngày đầu tiên đến ngày thứ 14, đôi chân các thầy thuốc chạy đua từng phút với thời gian cứu chữa, cuối cùng cũng đưa bệnh nhân Dũng từ "cõi chết" trở về.

Ngày cử động được cơ thể, cảm nhận được bàn tay ấp áp của thầy thuốc đến vỗ về thì anh Dũng biết mình còn sống. Hạnh phúc không diễn tả sao cho hết được. Với anh, sự hồi sinh kỳ diệu này không đến từ cao xa, không phải thần thánh ban cho mà đó là sự tận tụy của y bác sĩ. Sự tiến bộ của y học.

Trong thư gửi các thầy thuốc, có đoạn bệnh nhân Dũng viết: "Tôi biết ơn sâu sắc các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý…Tôi cảm nhận rõ sự tận tâm, chu đáo, tâm huyết của người mặc áo bluse".

Trích một đoạn thư đầy trang trọng của bệnh nhân nặng được các thầy thuốc cứu chữa

Trích một đoạn thư đầy trang trọng của bệnh nhân nặng được các thầy thuốc cứu chữa

Không chỉ có những bệnh nhân mà có cả bác sĩ đang công tác ở TP.Hồ Chí Minh gửi thư cảm ơn đến Bệnh viện Đa khoa Kon Tum. Đó là bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Minh. Thời điểm căng thẳng của dịch COVID-19, đang điều trị cho bệnh nhân ở Bệnh viện điều trị COVID-19 đa tầng Tân Bình (TP.Hồ Chí Minh) thì bác sĩ Minh nhận được tin cha ruột của mình sức khỏe nguy kịch, cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Kon Tum với chẩn đoán sốc nhiễm trùng/suy đa tạng/viêm phổi nặng…lòng chị đầy lo âu.

Nhưng rồi, sau 16 ngày được thầy thuốc dốc sức cứu chữa rồi các y tá, điều dưỡng hỗ trợ lau chùi, vệ sinh, an ủi, cha bác sĩ Minh đã vượt được "cửa tử".

Một đoạn thư bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Minh cảm ơn các đồng nghiệp ở Bệnh viện Đa khoa Kon Tum đã cứu cha mình

Một đoạn thư bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Minh cảm ơn các đồng nghiệp ở Bệnh viện Đa khoa Kon Tum đã cứu cha mình

Đón nhận niềm vui, bác sĩ Minh đã viết những dòng thư chân thành gửi đến Bệnh viện Đa khoa Kon Tum rằng: "Là một bác sĩ hơn ai hết tôi hiểu những vất vả, hy sinh của các y bác sĩ trong quá trình điều trị tích cực, chăm sóc một bệnh nhân với chuẩn đoán bệnh nặng như bố tôi. Đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp thì lại càng khó khăn hơn khi gia đình tôi không thể trực tiếp chăm sóc bố. Sự quan tâm tận tình của các y bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý tại Khoa Hồi sức-Tích cực chống độc và niềm tin vào chuyên môn của các đồng nghiệp đã giúp tôi an tâm hơn thực hiện công tác chống dịch tại tuyến đầu".

Nhiều bệnh nhân được cứu sống ngoạn mục

Nhiều bệnh nhân từ tận các buôn làng vùng sâu, vùng xa mắc bệnh nặng khi được cứu chữa thành công ngay tại tỉnh mình cũng cảm kích với các thầy thuốc.

Có những bệnh nhân trong những giai đoạn khó khăn, vì hoàn cảnh lại không có người thân cận kề muốn phó mặc cho số phận, nghĩ đến việc "về với tổ tiên" cho xong. Thế rồi từng y tá cứ lăn xả vào thay từng chiếc quần, xoa từng bàn chân, vuốt từng bắp tay. Dịch truyền rồi thuốc sau đó nạp vào đều đều, khỏe dần lên thì trào dâng niềm cảm kích.

Chia sẻ thêm về công tác điều trị bệnh nhân, bác sĩ Võ Văn Thiện bộc bạch: "Muốn tạo thuận lợi nhất cho bệnh nhân nên chúng tôi đã cố gắng triển khai thực hiện nhiều kỹ thuật khó. Một số kỹ thuật chuyên sâu cũng được tiếp nhận thành công từ các bệnh viện tuyến trên. Đến nay, ngay tại Bệnh viện Đa khoa Kon Tum đã làm tốt các kỹ thuật như: Nội soi khớp vai; thay khớp gối; tán sỏi thận qua da; đặt s-tent tĩnh mạch trung tâm qua đường ngoại vi; lọc huyết tương…Đặc biệt, nhiều bệnh nhân bị bệnh nặng, bị sốc nhiễm khuẩn được bệnh viện lọc máu thành công. Trong đó có cả cán bộ ngành thuế từ Gia Lai chuyển sang.

Ảnh chụp lồng ngực một bệnh nhân là trẻ sơ sinh 3 ngày tuổi, nặng gần 2,5kg được chẩn đoán teo thực quản đã được cứu sống ngoạn mục

Ảnh chụp lồng ngực một bệnh nhân là trẻ sơ sinh 3 ngày tuổi, nặng gần 2,5kg được chẩn đoán teo thực quản đã được cứu sống ngoạn mục

Từ động lực của những lá thư cảm ơn cộng với các kỹ thuật cao, nhiều ca bệnh đặc biệt đã được cứu sống ngoạn mục.

Điển hình như giữa một chiều tháng 9/2022, sau bao ngày mong đợi, người nhà của một trẻ sơ sinh như chết lặng khi em vừa sinh ra được 3 ngày bụng chướng hơi, không đi cầu phân su được. Thân hình thì chỉ 2,5 kg, không bú được, mỗi lần bú thì bệnh nhi sặc sữa dữ dội. Những ánh mắt ánh lên niềm hy vọng dồn về phía các y bác sĩ.

Biết, đây là ca bệnh khó, các kết quả chiếu chụp và chẩn đoán cho thấy, đứa trẻ bị bệnh teo thực quản có đường rò thực quản-khí quản bẩm sinh (type C), nguy cơ tử vong rất cao. Khi phẫu thuật rất khó vì lồng ngực trẻ rất nhỏ. Khi phẫu thuật buộc đi qua khoảng gian sườn vào khu vực có chứa nhiều mạch máu lớn, vào rốn phổi nơi có khí quản, thực quản, tim của bệnh nhân sơ sinh.

Sau những phút hội ý căng thẳng, trước niềm hy vọng cũng như chờ đợi vào "phép màu" của gia đình bệnh nhân, các thầy thuốc Bệnh viện Đa khoa Kon Tum đã quyết tâm tập trung cao độ phẫu thuật.

Ca phẫu thuật thành công, đứa trẻ dần dần tỉnh táo, hồng hào, phản xạ tốt, tự bú sữa...trong niềm sung sướng của người thân cũng như các thầy thuốc.

Nhiều bệnh nhân được thực hiện phẫu thuật nội soi tán sỏi thận qua da tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum được bảo hiểm y tế đồng chi trả, đồng thời được hỗ trợ một phần chi phí ngoài bảo hiểm cũng xúc động chia sẻ: Vừa được cứu chữa vừa được cổ vũ tinh thần nên rất an tâm điều trị.

Hà Đạo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tam-tinh-tu-nhung-la-thu-cua-benh-nhan-thoat-luoi-hai-tu-than-169221031115305227.htm