Tâm tư từ hàng cây muỗm cổ thụ ở Đền Voi Phục

Việc bảo tồn cây di sản không chỉ đơn thuần là bảo vệ những cây cổ thụ mà còn góp phần vào các mục tiêu lớn hơn như bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Ngày 18/3 vừa qua, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) tổ chức Lễ kỷ niệm 15 năm phát động sáng kiến Bảo tồn cây di sản Việt Nam (18/3/2010 - 18/3/2025). Từ 9 cây muỗm cổ thụ đầu tiên được công nhận tại đền Voi Phục (Hà Nội) năm 2010, đến nay cả nước có hơn 8.000 cây thuộc 145 loài thực vật được công nhận là “Cây di sản”.

Từ hàng “Cây di sản Việt Nam” đầu tiên…

Mở đầu cho sự kiện “Cây di sản Việt Nam”, vào dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ngày 5/10/2010, 9 cây muỗm cổ thụ gần 1.000 tuổi ở đền Voi Phục (Thụy Khuê, Hà Nội) đã được VACNE công nhận, vinh danh.

“Mỗi “Cây di sản” đều rất đặc biệt, đều để lại những ấn tượng khó quên. Tôi xin kể ra một số cây. Đầu tiên là cây samu dầu khoảng hơn 1.000 tuổi, cao trên 70m, đường kính thân 5,5m ở thượng nguồn Khe Bu thuộc Vườn Quốc gia Pù Mát, xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Đây là cây cao lớn nhất đã được công nhận “Cây di sản”. Cây có tuổi đời lớn nhất là 2 cây táu vàng, táu bạc ở xã Trưng Vương thành phố Việt Trì. Theo phả hệ, tuổi cây là trên 2.200 năm. Cây gạo hơn 700 năm do con gái đức Vua Trần Thánh Tông tên là Quỳnh Trân Công Chúa trồng tại đền Mõ, là nơi tập kết của các thanh niên trong xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng lên đường bảo vệ Tổ quốc. Cây me di sản cao 24m, đường kính thân 1,2m, tán lá che phủ hơn 600m2 ở Bảo tàng Quang Trung của tỉnh Bình Định do thân phụ của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ là ông Hồ Phi Phúc trồng cách đây hơn 200 năm. Những cây bàng di sản hàng trăm năm tuổi ở Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu nơi đế quốc, thực dân biến nó thành “địa ngục trần gian” giam giữ tù nhân. Những cây bàng ấy đã cung cấp chất xanh, góp phần cứu sống nhiều chiến sĩ cách mạng của ta bị tù đầy tại đây. Đặc biệt, 5 “Cây di sản” thuộc 3 loài phong ba, mù u và bàng vuông ở các đảo trên quần đảo Trường Sa luôn là niềm tự hào của VACNE” - TS. Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch VACNE - người có sáng kiến đề xướng việc tổ chức, điều tra phát hiện và thẩm định để vinh danh “Cây di sản Việt Nam” trả lời phỏng vấn tháng 4/2021.

Đền Voi Phục - Thụy Khuê được dựng từ thời Lý thờ Linh Lang đại vương. Tương truyền hoàng tử Linh Lang là con Vua Lý Thái Tông. Năm 1077, trong cuộc kháng chiến chống Tống, ngài chỉ huy một đạo thủy quân đánh vào cụm phòng thủ của tướng Quách Quỳ nhà Tống trên sông Như Nguyệt, tiêu diệt nhiều quân địch buộc chúng phải rút lui. Nhưng đáng tiếc là trong trận chiến quyết liệt, vị hoàng tử anh dũng cũng hy sinh. Tiếc thương người anh hùng, Vua Lý Thánh Tông đã sắc phong cho Linh Lang là Linh Lang Đại vương thượng đẳng thần. Đồng thời truyền cho các làng xóm nơi Linh Lang đã ở, đã đóng quân hoặc đi qua đều phải lập đền thờ ngài, cả thảy có 269 làng. Thụy Chương là nơi sinh ra Đức thánh Linh Lang, nên ngay khi ông mất, Nhân dân đã xây dựng đền thờ để tưởng nhớ.

Trong đền, có 9 cây muỗm được lưu truyền trồng sau khi xây đền. Theo những người cao tuổi sống gần đền, mỗi khi xây dựng đình, đền hoặc chùa, bao giờ người xưa cũng trồng các cây như đa, bồ đề và muỗm. Tại đền Voi Phục - Thụy Khuê, sau khi xây dựng đền, các cụ chọn trồng cây muỗm, vì đó là loại cây dễ sống, cho bóng mát và phù hợp với chất đất tại đây. Hàng muỗm ở đền Voi Phục - Thụy Khuê là những cây được VACNE công nhận là “Cây di sản Việt Nam” đầu tiên của Hà Nội. Năm 2010, để góp phần tôn vinh, bảo vệ 9 cây muỗm đền Voi Phục - Thụy Khuê, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã tài trợ và giúp đỡ Ban Quản lý đền xuất bản tờ rơi giới thiệu 9 cây muỗm của đền.

Từ 9 cây muỗm cổ thụ đầu tiên được công nhận tại đền Voi Phục- Thụy Khuê năm 2010, đến nay sau 15 năm hành trình “Cây di sản Việt Nam”, cả nước có hơn 8.000 cây thuộc 145 loài thực vật được công nhận là “Cây di sản”. “Cây di sản Việt Nam” đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành Việt Nam. “Cây di sản Việt Nam” đã có mặt ở dãy núi cao nhất nước ta là Hoàng Liên Sơn, nằm cách cột mốc biên giới số 651 chưa đầy 10m ở Hà Quảng, Cao Bằng và ở nhiều hòn đảo như: Hòn Dấu, Hải Phòng; Cù lao Chàm, Quảng Nam; Lý Sơn, Quảng Ngãi; Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu; các đảo Sơn Ca, Song Tử Tây, Nam Yết và Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa… Điều này cho thấy sự hưởng ứng rộng rãi của các địa phương trên cả nước, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học và bảo tồn những giá trị sinh thái quý báu.

 Những cây bàng di sản hàng trăm năm tuổi ở Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu. (Nguồn: VACNE)

Những cây bàng di sản hàng trăm năm tuổi ở Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu. (Nguồn: VACNE)

... Đến việc đừng để cây phải chịu những “giá như”

Sau khi 9 cây muỗm đền Voi Phục - Thụy Khuê được vinh danh, một năm sau bắt đầu phát hiện có cây lá không phát triển tươi tốt như trước, đến năm 2014, 8 cây muỗm bị bệnh đều không cứu chữa được, nên hiện chỉ còn duy nhất 1 cây còn sống. Cùng với sự “ra đi” của 8 cây muỗm, sau đó nhiều “Cây di sản” cũng lâm vào tình trạng “kêu cứu” vì sau khi được phong danh hiệu, ví dụ như cây gạo gần 400 năm tuổi ở xã Vạn Hòa huyện Nông Cống, Thanh Hóa được công nhận là “Cây di sản” khiến người dân địa phương rất tự hào vì đây được coi là biểu tượng văn hóa làng. Tuy nhiên, khi được VACNE cấp Bằng công nhận “Cây di sản” vào cuối năm 2012, cây gạo bắt đầu có hiện tượng vàng lá, bong vỏ rồi chết dần. Người dân và chính quyền địa phương đã tìm nhiều cách cứu cây nhưng không thành. Theo người dân địa phương thì nguyên nhân cây chết có thể là khi đào đất làm tường rào bao quanh gốc, người ta đã chặt quá sâu vào phần rễ. Ngoài ra, khi chuẩn bị đón Bằng công nhận “Cây di sản”, cây đã được bón nhiều phân nên có thể bị “bội thực”, thối rễ mà chết. Vào năm 2017, chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến cái chết của 5 trong số 9 cây muỗm đền Voi Phục, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh - Phó Chủ tịch VACNE nhận định ngoài việc bị sâu bệnh xâm hại cũng như những biến đổi về khí hậu, hay tuổi thọ của cây, việc xây dựng, tu bổ đền Voi Phục trước đó cũng làm ảnh hưởng ít nhiều “sức khỏe” của các “cụ muỗm”…

Thực tế này đã đặt ra vấn đề là cần xây dựng quy định cụ thể để bảo tồn “Cây di sản Việt Nam”. Kể từ khi sự kiện “Cây di sản Việt Nam” bắt đầu vào năm 2010 đến nay việc bảo vệ, chăm sóc cây di sản vẫn do các chủ cây, chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư nơi có cây đảm nhận. Tùy điều kiện thực tế, mỗi địa phương, đơn vị có cách bảo tồn, bảo vệ “Cây di sản” riêng, mang tính tự phát, “mạnh ai nấy làm”. Trong khi đó, các “Cây di sản” đều già cỗi, việc chăm sóc cần có kỹ thuật và kinh phí lớn nhưng nguồn lực của một số địa phương còn hạn chế…

Vấn đề bảo vệ “Cây di sản” như thế nào đã một lần nữa được đề cập tới tại kỷ niệm 15 năm phát động sáng kiến Bảo tồn “Cây di sản Việt Nam” (18/3/2010 - 18/3/2025) do VACNE tổ chức ngày 18/3 tới đây. Theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh sự thành công của phong trào không thể tách rời tinh thần tự nguyện và trách nhiệm cao của cộng đồng, bởi chính Nhân dân là những người trực tiếp bảo vệ và chăm sóc “Cây di sản” tại địa phương mình. Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch VACNE khẳng định, phong trào bảo tồn “Cây di sản” không chỉ đơn thuần là bảo vệ những cây cổ thụ mà còn góp phần vào các mục tiêu lớn hơn như bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, việc bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, trong đó có cây cổ thụ là giải pháp quan trọng. “Cây di sản” không chỉ mang giá trị văn hóa mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, bảo vệ đất và tạo không gian sống xanh cho cộng đồng.

Trong bối cảnh đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh chóng, nguy cơ mất đi những cây cổ thụ ngày càng lớn. Vì vậy, ngoài việc công nhận “Cây di sản”, các địa phương cần có kế hoạch dài hạn để bảo vệ và chăm sóc những cây này.

Tại sự kiện, một trong những giải pháp quan trọng được đề xuất là nâng cao nhận thức người dân về giá trị của cây cổ thụ. Theo các chuyên gia, không chỉ là một danh hiệu, “Cây di sản” cần được hiểu đúng về vai trò sinh thái, lịch sử và văn hóa, từ đó, tạo sự gắn kết giữa con người và thiên nhiên, thúc đẩy hành động bảo vệ. Bên cạnh đó, sự cần thiết của việc tổ chức lớp tập huấn cho cộng đồng về cách bảo vệ cây lâu năm, giúp người dân có thêm kiến thức khoa học trong chăm sóc, chữa bệnh cho cây. Một số địa phương tiên phong triển khai các biện pháp bảo tồn như số hóa dữ liệu “Cây di sản”, nghiên cứu khoa học về kéo dài tuổi thọ cây cổ thụ, hay thành lập quỹ bảo vệ cây di sản để hỗ trợ công tác chăm sóc và bảo tồn. Nhiều chuyên gia đánh giá cao sự kết hợp bảo tồn cây cổ thụ với phát triển du lịch sinh thái. Đại diện một số tỉnh như: Cao Bằng, Bắc Giang, Phú Thọ cho biết, việc đưa các “Cây di sản” vào tuyến du lịch sinh thái không chỉ giúp quảng bá giá trị văn hóa, lịch sử mà còn tạo nguồn thu để duy trì công tác bảo tồn một cách bền vững.

Thiết nghĩ, từ thực tế và những đề xuất trên, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đặt cần xem xét, cân nhắc vấn đề có cần có quy định cụ thể về việc bảo tồn “Cây di sản” hay không để từ đó cộng đồng dân cư, chính quyền có hành lang pháp lý để xác định rõ trách nhiệm và xây dựng giải pháp huy động nguồn lực hiệu quả để phát huy giá trị “Cây di sản”...

Hiện trạng rừng Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 31/12/2023, Việt Nam có tổng diện tích che phủ rừng là 42%, tương ứng với 16 triệu ha, trong đó, rừng tự nhiên chiếm khoảng 70,8%, còn lại là rừng trồng.

Tại rất nhiều địa phương, diện tích rừng tự nhiên đang bị suy giảm mạnh. Nhiều khu rừng là rừng nghèo kiệt. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, việc giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) đã trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong số các giải pháp được đề xuất, trồng rừng và phục hồi rừng được xem là chiến lược quan trọng nhờ khả năng hấp thụ carbon hiệu quả. Phong trào bảo tồn “Cây di sản” góp phần vào các mục tiêu như bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tam-tu-tu-hang-cay-muom-co-thu-o-den-voi-phuc-post543815.html