'Tâm vận' ở Gio An

Tôi hỏi ông Hồ Văn Kha, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Gio An, huyện Gio Linh: 'Trong chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động cung cấp thông tin, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, Hội CCB xã Gio An đã làm rất tốt, rất hiệu quả. Đề nghị ông cho biết phương pháp tuyên truyền, vận động có gì mới?'. Ông Kha cười đôn hậu: ' Không có gì mới đâu anh. Nếu có chăng, đó là phương pháp 'tâm vận', từ trong tâm mình mà tận tụy với việc chung, việc nghĩa, rồi lan tỏa ra cái tốt đẹp, sự đồng thuận'. Tôi hiểu, đó cũng là một nét trong minh triết dân vận của Bác Hồ kính yêu: 'Làm sao cho được lòng dân, thuận lòng dân thì sẽ thuyết phục được dân, tận tụy vì dân thì dân sẽ yêu mến, tin cậy, giúp đỡ, làm theo'…

 Đưa hài cốt liệt sĩ về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ. Ảnh: ĐT

Đưa hài cốt liệt sĩ về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ. Ảnh: ĐT

Đất đỏ, lòng son

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, xã Gio An, huyện Gio Linh là điểm tập kết quan trọng của các đơn vị Quân giải phóng Bắc Quảng Trị, trong đó có Trung đoàn 27 Xô viết Nghệ An (Trung đoàn Nghệ An Đỏ lừng danh và sau này là Trung đoàn Triệu Hải anh hùng). Hồi bấy giờ ở đầu thôn Gia Bình có một cây đa cổ thụ, cành lá sum suê, thân vạm vỡ hai người ôm không xuể. Từ vị trí thuận lợi này, các đơn vị Quân giải phóng đã tận dụng chiều cao của cây đa để trinh sát mọi động tĩnh của giặc trên các hướng mặt trận. Bộ đội pháo binh cũng đã làm đài quan sát trên chót vót ngọn cây để đo đạc, điều chỉnh tầm hướng cho pháo binh ta từ bờ Bắc sông Bến Hải trút lửa xuống Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang… Cách cây đa không xa về phía Bắc có chiếc giếng cổ, hình tròn, xếp bằng đá tảng chỉ duy nhất có ở đất này. Dân trong làng gọi là giếng Đìa.

Ngày 6/3/1968, trong một trận đánh ác liệt và không cân sức với lính Mỹ, chiến sĩ Cao Như Thiêm, mới hai mươi tuổi, thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 27, Mặt trận B5, quê ở thôn Tùng Lâm, Diễn Thọ, Diễn Châu, Nghệ An đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, bị thương và bị địch bắt. Chúng đưa anh về gốc đa, dùng những thủ đoạn tra tấn, dụ dỗ thâm độc để khai thác thông tin của đơn vị anh, nhưng đều thất bại. Bất lực, chúng đã xả trọn băng đạn tiểu liên cực nhanh vào người anh. Cao Như Thiêm đã tựa vào gốc đa, hô vang: “Đảng Lao động Việt Nam muôn năm, Bác Hồ muôn năm”, mới chịu gục xuống. Địch hèn hạ dùng xăng khô đốt xác anh thành tro ngay bên gốc đa cháy sém. Cũng tại gốc đa Gia Bình này, cả ban chỉ huy của Trung đoàn Sông Dinh bị đánh vào đội hình một quả đạn pháo, bảy người, không ai còn nguyên vẹn thi thể.

Trong suốt những năm tháng ác liệt đó, cây đa Gia Bình là trọng điểm đánh phá của kẻ thù. Hầu như ngày nào, cây đa cũng nằm trong tầm hủy diệt của đủ loại pháo bầy, hỏa tiễn, súng cối, bom tạ, bom tấn… Thân cành cây bị chém phạt. Gốc cây chi chít mảnh đạn. Có lúc cây không còn một chiếc lá lành lặn. Vậy mà kỳ lạ thay, những chùm rễ li ti như sợi tơ trời vẫn an nhiên nối cành cao với tầng sâu, rợp bóng xuống đất đai, giữ cho thôn Gia Bình luôn vững vàng. Đầu năm 1998, ông Nguyễn Huy Hiệu, khi đó là Thiếu tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cùng lãnh đạo huyện Gio Linh về thăm Gia Bình, tìm đến cây đa, nơi khắc ghi biết bao kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Tần ngần đứng nơi gốc cây đa xưa đã bị đạn bom và thời gian xóa dần dấu tích, Thiếu tướng Nguyễn Huy Hiệu đã quyết định trồng thay thế vào đó một cây đa búp đỏ.

Tháng 7/2007, trở lại với cây đa, giếng Đìa làng Gia Bình, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao tặng cho dân làng số tiền nhỏ của cá nhân ông để phục hồi lại chiếc giếng cổ bị bom đạn đánh sập ngay cạnh cây đa xưa. Chiếc giếng này là dấu tích lịch sử, nơi hàng trăm người lính thuộc các đơn vị chủ lực, bộ đội địa phương, du kích Mặt trận B5 đã ngã xuống trong những trận đánh khốc liệt. Sau đó, theo tâm nguyện của đồng bào, đồng chí, địa phương và của những CCB Trung đoàn 27, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã cùng đứng ra khâu nối để một doanh nhân, nguyên là CCB, con cháu của một gia đình có nhiều liệt sĩ ở Hà Nội hỗ trợ kinh phí xây dựng tại vị trí lịch sử này một nhà bia ghi công liệt sĩ, giúp Nhân dân Gia Bình phục dựng ngôi đình làng khang trang bên cạnh cây đa huyền thoại với tâm niệm, thờ liệt sĩ thành kính nhất là thờ trong lòng dân. Đình xây xong, dựng thêm tấm bia ngay gốc đa trước khuôn viên đình, để rồi được con dân trong làng hương khói quanh năm, thì anh em liệt sĩ cũng được quanh năm ấm áp. Thuở xưa, bà con đùm bọc, cưu mang các anh đánh giặc, thì khi thác rồi, các anh lại sống giữa lòng dân đôn hậu, thủy chúng, rộng lượng…

Vào những ngày cả nước hân hoan mừng chiến thắng, Bắc - Nam sum họp một nhà, tôi lại đến miền đất Gio An, nơi từng âm vang tiếng trống trận năm xưa, ra thăm gốc đa Gia Bình. Gốc đa quyện mùi hương. Mùi hương tỏa ra, nồng nàn như gợi thức sự hy sinh vô bờ bến của bao người cho bình yên đất quê hương. Tôi cũng đã đến những nơi in dấu nằm của các liệt sĩ, nơi bộ đội và người dân đang cần mẫn, cẩn trọng lật từng thớ đất để tìm hài cốt các anh hùng liệt sĩ. Màu đất đỏ ba dan vùng Tây Gio Linh sậm lại như màu máu giữa chiều hè rất muộn. Tầng đất sâu vạm vỡ và tươi nguyên nhưng cơ hồ như chỉ chạm khẽ vào là có thể lắng nghe được vô hồi vô hạn ký ức bi tráng thời cứu nước xưa cũ, sự hy sinh vô bờ bến của các anh hùng liệt sĩ, không thể nguôi quên.

Chưa vận động, lòng đã quyết

Chủ tịch Hội CCB xã Gio An Hồ Văn Kha cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện kế hoạch số 81/KH-CCB ngày 6/12/2013 của Trung ương Hội CCB Việt Nam về việc phối hợp thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và 2 năm thực hiện chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động cung cấp thông tin, tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ, Hội CCB xã Gio An đã vào cuộc tích cực và thu được nhiều kết quả đáng mừng. Ngay sau khi triển khai, ngày 20/11/2014, Hội CCB đã nhận 40 phiếu cung cấp thông tin nơi chôn cất hài cốt liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ ở 6 vị trí, trong đó có 5 vị trí ở thôn An Nha và 1 vị trí ở thôn Tân Văn. Từ thông tin của Hội CCB, hai năm 2015-2016, đơn vị quy tập đã tổ chức 5 đợt tìm kiếm ở các vị trí mà hội viên CCB cung cấp với kết quả rất khả quan. Đợt 1, ở vị trí 1 do 2 hội viên CCB Nguyễn Trường Cẩm và Nguyễn Thành Luân cung cấp, đã tìm được 20 hài cốt liệt sĩ. Đợt 2, ở vị trí do hội viên CCB Trần Thị Cháu cung cấp, đã tìm được 11 hài cốt liệt sĩ. Đợt 3, ở vị trí 3 do hội viên CCB Hồ Văn Phúc cung cấp, đã tìm được 30 hài cốt liệt sĩ. Đợt 4, ở vị trí 4 do hội viên CCB Nguyễn Thành Luân cung cấp, đã tìm được 10 hài cốt liệt sĩ…

 Ông Lê Văn Ngư thắp hương nơi góc vườn sắn, địa điểm đã từng cất bốc được nhiều hài cốt liệt sĩ. Ảnh: ĐT

Ông Lê Văn Ngư thắp hương nơi góc vườn sắn, địa điểm đã từng cất bốc được nhiều hài cốt liệt sĩ. Ảnh: ĐT

Đặc biệt, quá trình tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ trên địa bàn, đơn vị quy tập luôn đón nhận những tình cảm chân tình, sự phối hợp chặt chẽ, cộng đồng trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể và Nhân dân trong xã. Nhân dân đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho đơn vị quy tập trong ăn, ở, gặp mặt thăm hỏi, động viên cũng như hỗ trợ quá trình tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ tại hiện trường. Nếu có thông tin nghi vấn còn hài cốt liệt sĩ nằm lại trên đất canh tác, vườn tược, người dân Gio An sẵn sàng đồng ý để cho đơn vị chức năng đào tìm, cất bốc, vui lòng chấp nhận thiệt hại hoa màu, cây cối, vườn tược mà không mảy may yêu cầu đền bù.

Trong thời bình, nếu có một công việc khó khăn, gian khổ, đòi hỏi phải bỏ nhiều công sức và sự kiên trì, nhẫn nại, thì đó chính là công việc thiêng liêng tìm hài cốt liệt sĩ. Bắt đầu từ những thông tin chưa được kiểm chứng, rồi quá trình kiểm chứng tại hiện trường, sau đó là những ngày tháng nhẫn nại đào tìm, có thất vọng, rồi hy vọng, rồi vỡ òa cảm xúc sung sướng xen lẫn nghẹn ngào khi tìm thấy hài cốt liệt sĩ… Khó khăn là vậy, tổn hao nhiều công sức, thời gian là vậy, nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên khi vào cuộc, sự phối hợp giữa địa phương và các đơn vị chức năng khá suôn sẻ, nhịp nhàng, hiệu quả. Đặc biệt, tại xã Gio An, có khi chính quyền địa phương, các đơn vị chức năng chưa kịp vận động, lòng dân đã quyết hiến đất, hiến cây, hiến công sức vì ai cũng mong tìm được hài cốt liệt sĩ còn nằm lại, trả lại tên tuổi, quê hương bản quán cho các anh, đưa các anh về an nghỉ bên gia đình, người thân, trong nghĩa trang, để sớm hôm được hương khói như bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Tôi đã có dịp gặp lão nông Lê Văn Ngư (sinh năm 1933), ở thôn An Nha, xã Gio An, người đã từng đồng ý để đơn vị chức năng triển khai đào tìm hài cốt liệt sĩ trên diện tích 2.500 m2 đất trồng sắn của mình. Khi tôi đặt vấn đề muốn ra hiện trường cũ, nơi từng có nhiều liệt sĩ yên nghỉ, ông nhiệt tình dẫn đi và kể nguồn cơn câu chuyện cảm động. Một sáng cách nay đã lâu, ông dong bò ra cày tấp vồng, vào chân trên rẻo đất đang trồng sắn thì không như mọi khi, con bò sinh tật lồng lên lồng xuống khiến đường cày nghiêng ngã. Ông bực bội thả bò, về nhà cơm nước xong rồi lại ra tiếp tục công việc. Ngay đường cày đầu tiên, con bò rướn người về phía trước, kéo theo sức nặng của cả một chiếc tăng võng chôn chặt trong lòng đất. Nhận thấy quân trang quen thuộc của bộ đội ta cuộn lên trong thớ đất, ông cho dừng đường cày rồi tất tả tìm cơ quan chức năng báo tin để mở rộng phạm vi tìm kiếm liệt sĩ. Tiếp đó là những ngày các đơn vị chức năng đào từng đường hào sâu hoắm, ngang dọc để không bỏ sót hài cốt liệt sĩ. Thấy từng hài cốt liệt sĩ được đưa lên từ đất vườn nhà, ông thấy lòng lâng lâng một niềm xúc động. Bây giờ, nơi góc vườn sắn, ông đặt một chiếc lư hương nhỏ, ngày rằm, mồng một, ông lại ra vườn, thắp cho các anh hùng liệt sĩ nén hương thơm như tấm lòng tri ân trước công lao của những người đã ngã xuống cho cuộc sống bình yên hôm nay.

Tôi hỏi ông Ngư: “Hội CCB đã vận động ra sao khiến ai cũng vào cuộc tìm kiếm, hỗ trợ cất bốc hài cốt liệt sĩ một cách tích cực và thuận lòng để cho vườn tược của mình được đào tìm mà không đòi hỏi bất kỳ một sự đền bù nào?”, ông Ngư nhìn ra vườn cây xanh ngút ngàn trước mặt, ngân nga một câu đồng dao cảm động:

Đồi nương nào quản sâu dày

Tìm được liệt sĩ dạ này mới yên…

Bấy giờ thì tôi đã hiểu, “tâm vận” ở Gio An là vậy đó!

Đào Tâm Thanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=149135