Tạm xa để thêm gần

PTĐT - Trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19, các y, bác sĩ, nhân viên y tế – 'những chiến sĩ áo trắng' phải tạm xa gia đình, người thân để tham gia vào 'cuộc chiến'.

Bác sĩ Đặng Thị Thu Phương chăm sóc sức khỏe cho người dân trong khu cách ly.

Bác sĩ Đặng Thị Thu Phương chăm sóc sức khỏe cho người dân trong khu cách ly.

PTĐT - Trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19, các y, bác sĩ, nhân viên y tế – “những chiến sĩ áo trắng” phải tạm xa gia đình, người thân để tham gia vào “cuộc chiến”. Áp lực lớn, khối lượng công việc cao, nguy cơ nhiễm bệnh và thời gian làm việc tại khu cách ly kéo dài khiến không chỉ các thầy thuốc mà cả gia đình, người thân của họ cũng phải chịu những thiệt thòi khi cuộc sống gặp không ít xáo trộn. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, họ và gia đình đã động viên nhau: “Tạm xa để thêm gần” sau ngày chiến thắng dịch bệnh.
Từ những ngày đầu tháng 2, các bác sĩ, điều dưỡng Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tham gia phòng, chống dịch Covid-19 tại khu vực cách ly. Với lịch trực 24/24 giờ và trung bình 5 ngày/tua đối với bác sĩ, điều dưỡng; lãnh đạo khoa trực 24/24 giờ trong 1-2 tuần/tua, trong thời gian này, họ phải tạm gác lại mọi công việc gia đình để tập trung toàn lực cho nhiệm vụ. Bác sỹ Đặng Thị Thu Phương - Khoa Bệnh nhiệt đới đã có gần chục năm trong nghề, trải qua nhiều lần dịch bệnh bùng phát trên địa bàn như: Dịch sởi, sốt xuất huyết… nhưng chưa bao giờ chị thấy áp lực công việc lớn như trong đợt phòng chống dịch bệnh Covid-19 này. Vào những ngày làm nhiệm vụ tại khu vực cách ly, chồng chị phải đảm nhiệm luôn cả việc nấu ăn, giặt giũ, chăm trẻ nhỏ, dạy con học bài… Chị Phương chia sẻ: “Thường xuyên vắng nhà, thiếu bàn tay người vợ, người mẹ nên mọi công việc trong gia đình bị xáo trộn. Nhiều lúc cũng thấy tủi, vì nhà chỉ cách vài cây số mà không dám về. Hàng ngày nhớ con mà mỗi lần gọi điện, nhìn nhau qua điện thoại, bọn trẻ lại khóc đòi mẹ về. Tuy vậy, cá nhân tôi còn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp, bởi trong khoa có những bác sĩ nữ từ khi đi chống dịch đến nay chưa gặp con, phải gửi con về quê cho ông bà chăm sóc…”.

Các bác sĩ Khoa bệnh nhiệt đới trao đổi nghiệp vụ tình hình sức khỏe của những người trong diện cách ly tập trung.

Các bác sĩ Khoa bệnh nhiệt đới trao đổi nghiệp vụ tình hình sức khỏe của những người trong diện cách ly tập trung.

Dù tế nhị, không muốn mang chuyện gia đình, việc cá nhân xen lẫn, gây ảnh hưởng đến nhiệm vụ đang phải thực hiện tại khu vực cách ly, nhưng qua tìm hiểu, chúng tôi được biết nhiều y, bác sĩ, điều dưỡng có con nhỏ, bố mẹ già đau ốm, họ đều phải nhờ người nhà chăm sóc vì không được gặp mặt. Có chị điều dưỡng chuyên chăm sóc, trông nom cho hàng trăm, hàng ngàn người bệnh mà không thể về chăm bố khi ông bị bệnh phải nhập viện điều trị; có nữ bác sĩ đã khám, chữa bệnh cho biết bao người nhưng khi con nhỏ chưa đầy 2 tuổi ốm, sốt, mẹ lại không thể ở nhà; hạnh phúc của một bác sĩ trẻ sau bao ngày chờ đợi là khi vợ anh hạ sinh em bé, thế nhưng con chưa đầy một tháng tuổi, anh phải nhận nhiệm vụ tại khu cách ly, người vợ phải một mình tự lo cho bản thân và chăm sóc con… Bên trong tường rào khu vực cách ly, trong những bộ đồ bảo hộ, kính mắt, khẩu trang kín mít và những việc làm chu đáo, nhiệt tình, trách nhiệm là cả những nỗi lo, nhớ nhung gia đình kìm nén trong tâm hồn. Những tủi thân lúc ngoài ca trực và cả giọt nước mắt phải gạt qua má để vơi đi nỗi buồn, động viên tinh thần, cùng nhau đoàn kết một lòng, quyết tâm cho công tác phòng chống dịch đạt kết quả tốt nhất. Bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng, những người phải thực hiện cách ly y tế cũng có nhiều hoàn cảnh khác nhau, cũng đau đáu ngày được về gặp người thân, gia đình và quan trọng hơn là khi những người đang cách ly ấy khỏe mạnh tức là xã hội bớt được những nguy cơ lây nhiễm bệnh, từ đó mà các y, bác sĩ sẽ sớm được về đoàn tụ với gia đình, người thân hơn.Dịch bệnh là “giặc”, phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ khó khăn và kéo dài. Đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế là điểm tựa, niềm tin cho mọi người trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, người thân, gia đình của họ chính là hậu phương vững chắc trên mặt trận ấy. Bác sĩ Phương cho biết thêm: “Vì áp lực và mệt mỏi nên bản thân chúng tôi cũng không thể tránh khỏi những lo lắng, đặc biệt là lo lắng sức khỏe. Có sức khỏe tốt thì mới có thể chăm sóc tốt cho mọi người, mới có thể đi đầu và góp phần quan trọng trong “trận chiến” này. Được sự thấu hiểu, động viên tinh thần từ “hậu phương” và từ tất cả mọi người, chúng tôi sẽ giữ tinh thần lạc quan, chung ý chí, tin tưởng công tác phòng chống dịch của cả nước nói chung và tỉnh ta sẽ chiến thắng dịch bệnh”.

Đồng Niên

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202004/tam-xa-de-them-gan-170397