Tân Á Đại Thành tranh mua lô cổ phần 1.200 tỉ đồng của HUD Kiên Giang
Sau khi sở hữu lô cổ phần trị giá gần 1.200 tỉ đồng của CTCP Đầu tư Phát triển HUD Kiên Giang, nhà đầu tư trúng thầu có thể sở hữu quyền sử dụng đất và phát triển 2 dự án là Khu du lịch sinh thái Bãi Chén – huyện Kiên Hải và Khu dân cư, đô thị mới Suối Lớn – huyện Phú Quốc.
Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) vừa công bố danh sách 12 nhà đầu tư đáp ứng đủ điều kiện về năng lực tham gia đấu giá theo lô cổ phần CTCP Đầu tư Xây dựng HUD Kiên Giang (HUD Kiên Giang).
Danh sách 12 nhà đầu tư đủ điều kiện tham gia đấu giá (Nguồn: hud.com.vn)
Theo đó, có 4 nhà đầu tư cá nhân là ông Nguyễn Quế Sơn, ông Nguyễn Đình Tùng, ông Đoàn Văn Vinh và bà Phạm Thị Xuân.
Còn 8 nhà đầu tư là tổ chức gồm CTCP Thương mại Xây dựng Trí Dũng, Công ty TNHH Bất động sản Tân Hà Thành, CTCP Tư vấn Đầu tưu Bluechip IB, CTCP Dịch vụ Đầu tư và Quản lý Bất động sản Việt, CTCP Thương mại Phát triển Hòa Phát, CTCP IVLAND, CTCP Đầu tư Tập đoàn Tân Á Đại Thành, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Thăng Long.
Trong đó, CTCP Đầu tư Tập đoàn Tân Á Đại Thành là thành viên thuộc Tập đoàn Tân Á Đại Thành do Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Mai Phương trực tiếp nắm giữ 50% vốn. Cuối tháng 1/2020, công ty này tăng vốn điều lệ từ 510 tỉ đồng lên 1.657 tỉ đồng.
Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Thăng Long tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư Dự án Mễ Trì, được thành lập vào tháng 1/2012. Đầu năm nay, công ty này nâng vốn điều lệ từ 800 tỉ đồng lên 1.200 tỉ đồng. Chủ tịch công ty là bà Bùi Thị Huyền Trang (SN 1990).
CTCP Thương mại Phát triển Hòa Phát được thành lập vào tháng 3/2020, với vốn điều lệ 10 tỉ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Tiến Dũng (nắm giữ 90% VĐL), bà Vũ Thị Thanh (5%) và bà Phạm Trâm Anh (5%). Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Tiến Dũng (SN 1986).
Theo kế hoạch, HUD sẽ bán đấu giá hơn 34,8 triệu cổ phần, tương đương 98,15% vốn HUD Kiên Giang với giá khởi điểm 34.000 đồng/cp vào ngày 21/12/2020 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Nếu thương vụ thành công, HUD dự kiến thu về gần 1.185 tỉ đồng.
HUD Kiên Giang có gì?
Theo tìm hiểu của VietTimes, HUD Kiên Giang tiền thân là doanh nghiệp nhà nước – Công ty Xây dựng Kiên Giang được UBND tỉnh Kiên Giang thành lập vào tháng 7/1993. Năm 1996, công ty này hợp nhất với Công ty Kinh doanh nhà Kiên Giang.
HUD Kiên Giang chính thức đi vào hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 7/2014 với vốn điều lệ 355 tỉ đồng. Hiện công ty sở hữu 5 công ty con và 6 công ty liên kết, hoạt động kinh doanh chính trong 4 lĩnh vực gồm: Đầu tư tài chính, Xây lắp, Bất động sản và Kinh doanh vật liệu xây dựng.
Việc thoái vốn tại HUD Kiên Giang được thực hiện theo định hướng của Bộ Xây dựng đến năm 2025. Trong đó, giai đoạn 2019 – 2020, HUD dự kiến thoái vốn tại 17 công ty con.
Theo phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, HUD Kiên Giang được tiếp tục sử dụng 4 cơ sở nhà đất với tổng diện tích 65.710 m2 gồm trụ sở làm việc, nhà máy bê tông và 2 dự án khu du lịch sinh thái là Khu du lịch sinh thái Bãi Chén – huyện Kiên Hải và Khu dân cư, đô thị mới Suối Lớn – huyện Phú Quốc.
Trong đó, dự án Khu du lịch sinh thái Bãi Chén có diện tích gần 42.000 m2, còn dự án Khu dân cư, đô thị mới Suối Lớn có diện tích 90,17 ha. Sau khi sở hữu cổ phần HUD Kiên Giang, nhà đầu tư trúng thầu có thể sở hữu quyền sử dụng đất và phát triển các dự án này.
Về kết quả kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2020, HUD Kiên Giang (công ty mẹ) ghi nhận doanh thu thuần đạt 29,5 tỉ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế ở mức 27 tỉ đồng, giảm 19%.
Tại ngày 30/6/2020, tổng tài sản của HUD Kiên Giang đạt 475,5 tỉ đồng, tăng 1% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, công ty có gần 120 tỉ đồng đầu tư vào công ty con, 104 tỉ đồng đầu tư vào công ty liên kết và các đơn vị khác, 90 tỉ đồng phải thu ngắn hạn của khách hàng, 41 tỉ đồng hàng tồn kho…
Về cơ cấu nguồn vốn, tính đến hết quý 2/2020, nợ phải trả của HUD Kiên Giang đạt 93 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 382 tỉ đồng./.