Tân An và những huyền thoại về 'Hổ tướng'

TP.Tân An, tỉnh Long An là đô thị cửa ngõ của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đầu mối giao thông quan trọng nối các tỉnh miền Tây với miền Đông Nam Bộ và cũng là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh. Giữa lòng thành phố hôm nay vẫn lưu giữ những nét xưa, 'chứng nhân' từ thời mở đất.

Cổng lăng vào Khu di tích Lăng mộ và Đền thờ Quận công Nguyễn Huỳnh Đức

Cổng lăng vào Khu di tích Lăng mộ và Đền thờ Quận công Nguyễn Huỳnh Đức

Từ thành phố trẻ hôm nay

Năm 2019, Tân An đạt chuẩn đô thị loại II và được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020. Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đề ra mục tiêu xây dựng TP.Tân An đạt chuẩn đô thị văn minh vào năm 2024.

Với nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố, bộ mặt đô thị, không gian cảnh quan kiến trúc của Tân An ngày càng khang trang, sạch đẹp. Hệ thống kết cấu hạ tầng được xây dựng đồng bộ như hệ thống giao thông, trường học, các thiết chế về văn hóa,... phục vụ tốt nhu cầu phát triển sản xuất cũng như sinh hoạt, văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao.

Công tác an sinh xã hội được bảo đảm. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện và từng bước nâng cao. Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh và bền vững.

TP.Tân An đang trên đà phát triển với nhiều kỳ vọng. Song song với nhịp phát triển sôi động, thành phố vẫn giữ gìn, trân trọng những giá trị truyền thống vì đó là nguồn lực nội sinh và động lực cho sự phát triển.

TP.Tân An ngày nay có 5 xã, 9 phường với gần 150.000 dân. Trong đó, phường Khánh Hậu bây giờ là Giồng Cái Én xưa kia, là một trong những khu vực được hình thành sớm nhất trong vùng. Đó cũng là nơi sinh ra, nuôi dưỡng và yên nghỉ của Hổ tướng Nguyễn Huỳnh Đức, một bậc đại công thần triều Nguyễn, người có công khai cơ, mở đất vùng Khánh Hậu xưa.

Tìm về tiền nhân mở đất

Về Khánh Hậu, hỏi lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức có lẽ ai cũng biết, bởi 2 cổng lăng uy nghi được xây dựng ở 2 đầu đường Nguyễn Huỳnh Đức, ngay đoạn giao với Quốc lộ 1 mà người dân vẫn quen gọi là cổng lăng 1 và cổng lăng 2.

Từ 2 cổng lăng, theo đường Nguyễn Huỳnh Đức đi vào khoảng gần 1km là lăng mộ và đền thờ Quận công Nguyễn Huỳnh Đức.

Kiến Xương Quận công, Tiền quân đô thống Nguyễn Huỳnh Đức sinh ngày 14 tháng Giêng năm Mậu Thìn (1748) tại làng Tường Khánh, thuộc trấn Định Tường (nay là phường Khánh Hậu, TP.Tân An). Ông tên thật Huỳnh Tường Đức, sinh trưởng trong gia đình võ tướng nên từ nhỏ đã có sức khỏe hơn người, được dân gian gọi là Hổ tướng.

Ông có nhiều công lao trong việc diệt trừ thú dữ, hỗ trợ lưu dân trong khai hoang, mở đất. Theo nhà văn Trần Bảo Định, trong dân gian vùng Khánh Hậu xưa vẫn lưu truyền câu chuyện Thám Xoài (theo nhà văn Trần Bảo Định, đó là cách gọi khác của người dân làng Tường Khánh dành cho Huỳnh Tường Đức) giết hổ cứu dân.

Chuyện kể rằng, Giồng Cái Én năm xưa có một con hổ cái chuyên bắt người ăn thịt khiến dân tình vô cùng khốn khổ. Thám Xoài bằng sức mạnh và võ nghệ đã một mình tìm giết hổ dữ, trừ hại cho dân.

Ông còn đem đầu hổ cái về làng, người dân mang hộp sọ để ở miếu Dao Quang (nay là chùa Diêu Quang) để buộc nó nghe kinh kệ mà hoàn lương. Từ đó, dân vùng làng Tường Khánh mãi nhớ ơn vị Thám Xoài - Huỳnh Tường Đức.

Không chỉ giúp dân trong hành trình mở đất, Huỳnh Tường Đức còn là vị khai quốc công thần, có công lao phò vua Gia Long từ những ngày còn lưu lạc đến khi giang sơn thu về một mối.

Tấm lòng trung của ông được đời sau truyền nhớ qua những câu chuyện kể cho đến hôm nay.

Chùa Diêu Quang, nơi tương truyền từng lưu giữ hộp sọ hổ cái do Thám Xoài - Huỳnh Tường Đức tiêu diệt để trừ hại cho dân Giồng Cái Én

Chùa Diêu Quang, nơi tương truyền từng lưu giữ hộp sọ hổ cái do Thám Xoài - Huỳnh Tường Đức tiêu diệt để trừ hại cho dân Giồng Cái Én

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thiện, từ khoảng năm 1775, Huỳnh Tường Đức đã có mặt trong đội quân Đông Sơn, suy tôn Nguyễn Ánh lên ngôi vương. Về sau, ông nhiều lần cứu giá Nguyễn Ánh lúc nguy nan.

Sách Di tích quốc gia trên địa bàn tỉnh Long An có đoạn viết: “Trên đường bôn tẩu, ngựa của Nguyễn vương bất ngờ bị sa xuống hố sâu trong lúc truy binh của Tây Sơn đang đến gần. Nhờ có sức khỏe và lòng can đảm, Huỳnh Tường Đức đã kéo được tuấn mã lên bờ, cứu Nguyễn Vương thoát nạn. Tây Sơn tiếp tục đuổi theo, Huỳnh Tường Đức phải tìm một chiếc thuyền con đưa Nguyễn vương chạy theo đường thủy. Ở trên thuyền, vì quá mệt mỏi, Nguyễn vương đã gối đầu lên đùi Huỳnh Tường Đức mà thiếp đi cho đến sáng. Huỳnh Tường Đức cũng ngồi suốt đêm như thế để xua muỗi cho Nguyễn vương. Khi tỉnh giấc, xúc động trước lòng trung của Huỳnh Tường Đức, Nguyễn vương bèn ban quốc tính (họ vua) cho ông. Vì thế, từ năm 1782, Huỳnh Tường Đức chính thức được đổi tên thành Nguyễn Huỳnh Đức”.

Về sau, trong một lần thua trận, ông bị quân Tây Sơn bắt. Mặc dù được Nguyễn Huệ hậu đãi và ông cũng rất khâm phục Nguyễn Huệ nhưng vẫn kiên quyết giữ lòng trung cùng với Nguyễn vương.

Sau khi giúp Nguyễn Huệ diệt xong họ Trịnh, nhân dịp nội bộ Tây Sơn bất hòa, ông tìm đường về với Nguyễn vương. Trên hành trình đó, ông cùng binh lính trải qua nhiều gian khổ, thiếu thốn lương thực, nước uống,...

Khi đi qua nước Xiêm, Nguyễn Huỳnh Đức được vua Xiêm lưu lại để trọng dụng nhưng ông khẳng khái bày tỏ lòng trung. Vua Xiêm ban cấp lương thực, thuyền bè để ông về Gia Định.

Năm 1790, Nguyễn Huỳnh Đức gặp lại Nguyễn vương và tiếp tục hết lòng phò tá Nguyễn Ánh cho đến ngày thành đại nghiệp.

Năm 1802, Nguyễn vương chính thức lên ngôi hoàng đế. Nguyễn Huỳnh Đức được phong làm Khâm sai Chưởng Hữu quân, Trấn thủ Quy Nhơn, tước Đức quận công. Sau đó, ông tiếp tục đảm trách nhiều nhiệm vụ quan trọng: Chỉ huy công trình đắp đường quan lộ từ Quảng Nam đến Bình Hòa; Tổng trấn Bắc thành, Tổng trấn Gia Định;...

Đến năm 1879, ông mất tại quê nhà vào ngày mùng 9 tháng 9 năm Gia Long thứ 18. Từ đó, hàng năm, người dân Khánh Hậu giữ truyền thống giỗ ông vào mùng 7, 8, 9 tháng 9 Âm lịch.

Khuôn viên lăng Nguyễn Huỳnh Đức có diện tích khoảng 3.000m2, có tường rào, cổng tam quan mở về hướng Đông, trên cổng đắp nổi dòng chữ Hán Tiền quân phủ.

Lăng Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức được xây dựng năm 1817 bằng đá ong và vữa tam hợp theo hướng Bắc - Nam. Cách mộ 20m về phía Nam là đền thờ Quận công Nguyễn Huỳnh Đức.

Bên trong đền thờ còn nhiều cổ vật quý giá trị về lịch sử - văn hóa - nghệ thuật: 8 bản chiếu, chỉ, chế, sắc của các triều Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức; 3 bộ lỗ bộ, tàn lọng và 4 cặp liễn đối có nội dung ca ngợi sự nghiệp của Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức do vua Gia Long ngự ban; đoản kỷ của vua Xiêm tặng năm 1798, khánh lệnh đồng của vua Gia Long ban năm Kỷ Mão (1819), bức hoành Vạn Lý Danh của vua Tự Đức ban năm Giáp Dần (1854),...

Ngoài ra, đền thờ còn lưu bộ ván một, di vật lúc sinh thời của Đức quận công Nguyễn Huỳnh Đức và tương truyền rất linh thiêng, nếu ai có lòng tà gian dám ngồi lên bộ ván thì thế nào cũng bị Quận công Nguyễn Huỳnh Đức quở phạt.

Trong bài viết Những cổ vật quý tại đền thờ Kiến Xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức, tác giả Hồ Phan Mộng Tuyền có nhắc đến câu chuyện, khoảng năm 1880, tên việt gian Trần Bá Lộc nổi tiếng hung ác với đồng bào đến đền thờ Quận công Nguyễn Huỳnh Đức và leo lên bộ ván ngồi một cách nghênh ngang. Ngay sau đó, hắn té ngã xuống đất và hoảng loạn kể lại rằng đã thấy bộ hạ của Quan Thượng Tiền quân đến bắt hắn ta đem chém.

Trong dòng chảy của thời gian, công lao, đức độ của Quận công Nguyễn Huỳnh Đức vẫn sáng ngời. Lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức là một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa của vùng đất Khánh Hậu, trở thành điểm nhấn nổi bật để tìm về những giá trị tốt đẹp của lịch sử và văn hóa quê hương./.

Tài liệu tham khảo:

- Sách Di tích quốc gia trên địa bàn tỉnh Long An

- Sách Đất Việt Trời Nam liệt truyện (Trần Bảo Định)

- Sách Di tích lịch sử - văn hóa Lăng mộ và Đền thờ Quận công Nguyễn Huỳnh Đức (Nghệ sĩ nhiếp ảnh Tôn Thất Hùng)

- Bài viết Những cổ vật quý tại đền thờ Kiến Xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức (Hồ Phan Mộng Tuyền).

Quế Lâm

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tan-an-va-nhung-huyen-thoai-ve-ho-tuong-a182176.html