Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ gấp rút tranh thủ đồng minh châu Á
Trong hai cuộc điện đàm với người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin kêu gọi tăng cường hợp tác quốc phòng trước ảnh hưởng của Trung Quốc.
Tờ South China Morning Post (SCMP) cho biết trong ngày 24-1 ông Lloyd Austin - tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - đã có cuộc điện đàm lần lượt với người đồng cấp Nhật Bản Nobuo Kishi và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook.
Tranh thủ đồng minh châu Á đối phó Trung Quốc
Ông Austin, người tuyên thệ nhậm chức hôm 22-1, kêu gọi các đồng minh châu Á quan trọng cùng Mỹ thúc đẩy mối quan hệ quốc phòng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trước sự cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc.
Ông không nêu đích danh Trung Quốc nhưng cho biết Mỹ phản đối “bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông” và tái khẳng định với Bộ trưởng Kishi rằng quân đội Mỹ sẽ đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào trên quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) theo Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật.
Đây là cuộc điện đàm cấp cao đầu tiên giữa chính quyền hai nước kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, theo SCMP.
Ông Austin kêu gọi ông Kishi “tăng cường sự đóng góp của Nhật Bản đối với vai trò của liên minh trong việc đảm bảo an ninh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”.
Bên cạnh đó, điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc, ông Austin nói rằng việc hợp tác chặt chẽ giữa hai đồng minh là rất quan trọng với Mỹ. Theo ông, hai bên cần “khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và nhất trí tăng cường hợp tác đối với các mối đe dọa chung”.
Hai cuộc gọi giữa các bộ trưởng diễn ra sau khi tân Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Giám đốc Cơ quan tình báo Hàn Quốc (NIS) Suh Hoon có cuộc điện đàm hôm 22-1.
Theo đó, ông Sullivan nhận định liên minh Mỹ-Hàn là "cốt lõi" của nền hòa bình và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Mỹ tập trung chiến lược vào Trung Quốc và châu Á
Việc trao đổi với các đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở châu Á diễn ra khi chính quyền ông Biden, để đối phó với tình hình địa chính trị với Trung Quốc, đang đổi mới mạng lưới liên minh của Mỹ, vốn đã bị tổn hại vì chính sách “Nước Mỹ trước hết” của cựu Tổng thống Donald Trump.
Được cho là thiếu kinh nghiệm trong các vấn đề ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Bộ trưởng Austin cam kết sẽ tập trung chiến lược vào Trung Quốc và châu Á.
Trong phiên điều trần vào tuần trước, ông Austin khẳng định rằng việc hàn gắn mối quan hệ với các liên minh và tập trung chiến lược vào Trung Quốc sẽ là yếu tố quan trọng trong chính sách của ông.
Được Thượng viện Mỹ xác nhận ngày 22-1, vị tướng đã về hưu này là người Mỹ gốc Phi đầu tiên giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng.
Giới quan sát Trung Quốc nhận định các cuộc gọi giữa ông Austin với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Hàn Quốc cho thấy chính quyền ông Biden sẽ tìm cách chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực thông qua mạng lưới liên minh của họ.
Tổng thống Biden hiện vẫn chưa đưa ra chính sách của ông tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, song ông đã chỉ định ông Ely Ratner làm cố vấn cho ông về các vấn đề Trung Quốc, SCMP đưa tin.
Ông Trần Tương Miểu (Chen Xiangmiao) - chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc gia Nam Hải (Trung Quốc) - cho rằng chính quyền Bắc Kinh có thể phải chịu áp lực ngày càng lớn.
“Áp lực có thể không chỉ trong lĩnh vực quân sự mà còn có thể mở rộng sang các mối quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng ở Đông Nam Á, vốn là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược ngoại giao của chúng tôi. Biển Đông cũng có thể trở thành một vấn đề mà Trung Quốc phải xử lý” - ông Trần nói.
Ông Trần nói mặc dù nhiều khả năng Mỹ sẽ cố gắng thúc đẩy các liên minh của mình để gây áp lực lên Bắc Kinh, nhưng vẫn còn phải xem chiến lược này sẽ thành công như thế nào.
Ông đưa ra ví dụ về việc Hàn Quốc có thể sẽ kiềm chế không gây sức ép lên Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông, đặc biệt khi Trung Quốc là đối tác thương mại và đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên.
“Trung Quốc sẽ phải tăng cường nỗ lực ổn định quan hệ với các nước láng giềng trong khi thúc đẩy các cuộc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, vì đây là vấn đề chính” - chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc gia Nam Hải chia sẻ thêm.
Cựu sĩ quan Trung Quốc nay là nhà bình luận quân sự Tống Trọng Bình (Song Zhongping) cho biết Washington có thể tìm kiếm sự hỗ trợ của nhiều quốc gia khác nữa để cô lập Trung Quốc.
“Họ có thể nhắm mục tiêu đến các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh và thậm chí cả Úc và Ấn Độ” - ông Tống nhận định.
Chính quyền Mỹ đã tăng cường tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông trong những năm gần đây để chống lại tham vọng của Bắc Kinh trong khu vực, kêu gọi các đồng minh cùng tham gia. Bắc Kinh đã lên án các hoạt động này, nói rằng Mỹ đang khiến tình hình phức tạp thêm.