Tân CEO Nhựa Hà Nội Ngô Văn Thụ: Mở rộng dư địa tăng trưởng, đẩy mạnh mảng xuất khẩu cho Nhựa Hà Nội
Ông Ngô Văn Thụ vừa đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc CTCP Nhựa Hà Nội thay cho người tiền nhiệm nghỉ hưu.
Ông Ngô Văn Thụ, tân Tổng giám đốc CTCP Nhựa Hà Nội (HPC, mã chứng khoán NHH).
Trước đó, ông đã kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao như Phó Tổng giám đốc CTCP Nhựa An Phát Xanh, Tổng giám đốc CTCP An Tiến Industries, Phó Tổng giám đốc CTCP Nhựa Hà Nội.
Với nhiều kinh nghiệm quản lý, tái cấu trúc doanh nghiệp, ở cương vị mới ông kỳ vọng đưa Nhựa Hà Nội tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Trước khi đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc Nhựa Hà Nội, ông Ngô Văn Thụ đã kinh qua các vị trí Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa An Phát Xanh (AAA) giai đoạn 2017-2021, Tổng giám đốc Công ty cổ phần An Tiến Industries (mã chứng khoán HII) và đến tháng 6/2023 được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc phụ trách sản xuất Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội, đây là bước đệm để ông tiếp quản vị trí Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội khi Tổng giám đốc cũ về hưu.
Báo Đầu tư đã có cuộc trò chuyện với Tân Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội (HPC, mã chứng khoán NHH) về làn gió mới tại Nhựa Hà Nội và kế hoạch phát triển công ty trong thời gian tới.
Định hướng tăng trưởng mới
Khi đảm nhận vị trí CEO, công ty đang có thuận lợi và khó khăn gì? Ông chuẩn bị tâm thế như thế nào và kế hoạch đưa Nhựa Hà Nội phát triển ra sao?
Sau khi ông tiếp nhận vị trí Tổng giám đốc tại Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội, ban lãnh đạo ngồi lại thống nhất tập trung vào một số định hướng để phát triển công ty. Thứ nhất, mảng xuất khẩu tiếp tục mở rộng, đặc biệt xuất khẩu ván sàn sang thị trường Mỹ, cùng với đó là xuất khẩu nhựa gia dụng sang thị trường Bắc Mỹ.
Thứ hai, định hướng chuỗi khép kín trong sản phẩm của Nhựa Hà Nội, đặc biệt là nhựa kỹ thuật. Nhựa Hà Nội sản xuất được khuôn chính xác, khuôn lớn cho ô tô, thời gian tới mở thêm mảng dịch vụ sơn giúp gia tăng giá trị sản phẩm và lợi thế cạnh tranh cho Nhựa Hà Nội.
Thứ ba, tiếp tục tái cấu trúc mạnh mẽ hệ thống nhựa kỹ thuật cùng với đầu tư hệ thống máy móc mới hiện đại nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, tạo lợi thế cạnh tranh cho công ty.
Thứ tư, hoạt động mở rộng sản xuất kinh doanh đặc biệt mở rộng tệp khách hàng, tiến tới mở rộng ra nhiều khách hàng FDI khác cùng với xuất khẩu.
Đó là định hướng cho nhựa Hà Nội, hiện mảng xuất khẩu đang đóng góp khoảng 50% cơ cấu doanh thu cho NHH. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới sau khi phát triển mảng nhựa gia dụng, xuất khẩu sẽ đóng góp đạt tới 50-60%.
Nhựa Hà Nội là công ty lâu đời với nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nhựa kỹ thuật, linh phụ kiện ô tô, xe máy, quản lý chất lượng được khách hàng đánh giá rất tốt. Chúng tôi sẽ kế thừa lợi thế đó để đưa Nhựa Hà Nội phát triển trên tầm cao mới.
Năm 2023 nhìn chung là một năm đầy thách thức, Nhựa Hà Nội đã phải đối mặt với tình hình thị trường như thế nào, thưa ông?
Cùng với khó khăn chung của ngành nhựa, Nhựa Hà Nội thời gian qua cũng gặp nhiều thách thức. Trước đây, Nhựa Hà Nội không có kế hoạch mở rộng khách, chỉ tập trung phục vụ các khách hàng lâu năm. Điều này khiến công ty bỏ lỡ cơ hội phát triển, nhiều khách hàng tìm đến nhưng công ty từ chối vì đã đạt hết công suất, không mở rộng. Trong năm 2023, khi 1-2 khách hàng lớn sụt giảm kéo theo theo kết quả kinh doanh của NHH cũng bị ảnh hưởng và dẫn đến lợi nhuận chưa đạt kỳ vọng.
Nhìn lại bài toán kinh doanh, công ty có định hướng mở rộng khách hàng, mở rộng thị trường, mở rộng sản xuất nhưng bị chậm lại vì một số khách hàng đã có kế hoạch cho năm 2024, và đây cũng là một khó khăn.
Tuy nhiên, thị trường này khá rộng và còn nhiều cơ hội. Trong xu thế các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển dịch đến Việt Nam đặc biệt là doanh nghiệp điện tử, phụ trợ, Nhựa Hà Nội sẽ nắm bắt cơ hội này. Chúng tôi sẽ thay đổi để thích ứng đáp ứng nhu cầu và lợi thế cạnh tranh, tiết giảm chi phí quản lý, chi phí bán hàng, tối ưu lợi nhuận.
Ngoài khó khăn về thị trường, năm qua, Nhựa Hà Nội đẩy mạnh đầu tư thiết bị cũng làm tăng chi phí đồng thời quyết liệt xử lý hàng tồn kho, chuẩn bị cho một giai đoạn mới.
Bước ra khỏi vùng an toàn, mở rộng khách hàng, đẩy mạnh xuất khẩu
Ông kỳ vọng nhiều vào mảng xuất khẩu sẽ đóng góp tăng trưởng cho Nhựa Hà Nội trong thời gian tới, vậy chiến lược mới ở mảng xuất khẩu thế nào, thưa ông?
Mảng ván sàn của An Cường, công ty con của Nhựa Hà Nội đang xuất khẩu rất tốt, 90% vào thị trường Mỹ và đang mở rộng sang Canada, Bắc Mỹ. Trước đây, chúng tôi chưa có xuất khẩu đồ gia dụng sản phẩm nhựa, tuy nhiên bây giờ đã có đối tác là chuỗi siêu thị lớn ở Canada đặt hàng. Đây là điểm sáng mới cho công ty. Tập đoàn An Phát Holdings đã có công ty đại diện ở Mỹ, Nhựa Hà Nội sẽ thông qua đó để tiếp cận mở rộng xuất khẩu thị trường tại cường quốc này. Hiện tại công ty đã có đơn hàng, khách hàng đã đặt khuôn và chúng tôi đang triển khai. Nhựa Hà Nội tự tin đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe tại các thị trường khó tính, kế thừa kinh nghiệm xuất khẩu từ Tập đoàn.
Chúng tôi kỳ vọng mảng xuất khẩu có thể đóng góp 50-60% vào cơ cấu doanh thu cho công ty. Nhìn vào bức tranh và các đối tác mà chúng tôi đang làm việc, tôi hoàn toàn tin tưởng tính khả thi của mục tiêu này vì đối tác siêu thị ở Canada rất lớn, trước đây họ đã từng làm việc với Trung Quốc và dịch chuyển về Việt Nam. Tôi tin rằng khi Nhựa Hà Nội đã làm tốt với một khách hàng thì sẽ có những khách hàng tiếp theo.
Khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2023 của Nhựa Hà Nội thế nào thưa ông và mục tiêu năm 2024, Nhựa Hà Nội sẽ tăng trưởng ra sao?
Tình hình thị trường suy giảm mức tiêu thụ, Nhựa Hà Nội cũng chịu ảnh hưởng chung, đặc biệt mảng nhựa kỹ thuật. Tuy vậy, mảng xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu ván sàn, đã tăng trưởng rất tốt, dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong ba quý đầu, chúng tôi đã gặp khó khăn, nhưng bước sang quý IV, Công ty đã có sự tăng trưởng trở lại, nhất là mảng nhựa ô tô, xe máy. Hiện nay, chúng tôi đang là nhà cung cấp số 1 nhựa nguyên liệu đầu vào Honda và Toyota. Quý IV sẽ là tín hiệu tốt giúp cải thiện bức tranh kinh doanh cho Nhựa Hà Nội.
Năm 2023 NHH có thể đạt kế hoạch về doanh thu và hoàn thành 90% kế hoạch về lợi nhuận năm. Với sự định hướng rất rõ của Nhựa Hà Nội, tôi kỳ vọng sẽ có sự bứt phá trong hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới. Dự kiến năm 2024 sẽ tăng trưởng 25-30%.
Nhựa Hà Nội là công ty thành viên có tỷ suất lợi nhuận tốt nhất Tập đoàn An Phát Holdings trong nhiều năm qua.
Vị thế Nhựa Hà Nội trên thị trường thế nào, thưa ông? Với cương vị Tân Tổng giám đốc, ông kỳ vọng gì về hình ảnh tương lai của Nhựa Hà Nội?
Nhựa Hà Nội thành lập từ năm 1972, có nhiều thành tựu trong quá khứ. Hiện Nhựa Hà Nội vẫn duy trì vị thế top đầu trong ngành, đặc biệt trong lĩnh vực cung cấp nhựa kỹ thuật cho ô tô, xe máy. Kế thừa thành tựu đó, trong tương lai, tôi kỳ vọng Nhựa Hà Nội sẽ có dấu ấn tại thị trường quốc tế. Trong giai đoạn vừa qua, Công ty chưa mở rộng phát triển, đặc biệt mảng xuất khẩu, định hướng trong thời gian tới ngoài phục vụ mảng khách hàng FDI, chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu sẽ giúp Nhựa Hà Nội tăng trưởng bứt phá hơn.
Ngoài việc đón đầu xu thế dịch chuyển Trung Quốc về Việt Nam, Tập đoàn An Phát Holdings mong muốn Nhựa Hà Nội sẽ là đơn vị tiên phong phát triển những sản phẩm có thể xuất khẩu sang những thị trường Canada, Mỹ, và các thị trường khó tính khác.
Công ty sẽ bứt phá ra khỏi vùng an toàn, không chỉ cung cấp cho khách hàng truyền thống mà còn mở rộng tệp khách hàng mới, thị trường mới, tự chủ hơn trong kế hoạch kinh doanh.
Định hướng phát triển bền vững tại Nhựa Hà Nội và hành động cụ thể trong thời gian tới ra sao, thưa ông?
CTCP Nhựa Hà Nội là đơn vị thành viên trong Tập đoàn An Phát Holdings, có định hướng phát triển bền vững, phát triển xanh với các sản phẩm nhựa phân hủy sinh học. Cùng với định hướng đó, CTCP Nhựa Hà Nội đã phát triển chuỗi các sản phẩm xanh như dao, thìa, dĩa, ống hút bằng nhựa phân hủy sinh học với thương hiệu AnEco đang cung cấp cho một số Tập đoàn, chuỗi nhà hàng, cafe... Chúng tôi xác định phát triển công ty gắn với phát triển bền vững bằng hành động cụ thể.
Nhựa Hà Nội (HPC) được thành lập năm 1972. Cuối năm 2018, HPC trở thành công ty thành viên thuộc An Phát Holdings – Tập đoàn nhựa công nghệ cao và thân thiện với môi trường hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á.
HPC sở hữu hệ thống nhà xưởng sản xuất, dây chuyền, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại nhập khẩu từ Mỹ, các nước Tây Âu, Nhật Bản và một số nước công nghiệp mới (NIC) có trình độ cơ giới hóa và tự động hóa tương đối cao. HPC được đánh giá là Công ty sản xuất nhựa tiên tiến, hiện đại hàng đầu Việt Nam, là đầu tàu miền Bắc nước ta về công nghệ sản xuất các loại sản phẩm nhựa kỹ thuật công nghiệp đạt chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế.