Tân Châu tăng cường phòng, chống sốt xuất huyết
Thời gian gần đây, dịch sốt xuất huyết (SXH) đã bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh An Giang, trong đó 5 huyện, thị xã, thành phố có số ca mắc tăng trên 500% so cùng kỳ năm 2021, gồm: TX. Tân Châu, huyện Châu Phú, Phú Tân, An Phú, Tịnh Biên và Thoại Sơn. Trước thực tế này, ngay sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành y tế TX. Tân Châu đã triển khai, nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế sự bùng phát của dịch bệnh.
Nhận diện nguyên nhân
SXH là một bệnh khá nguy hiểm bởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vaccine; có thể gây tử vong, nhất là với trẻ em và bệnh này thường gây ra dịch lớn, khó khăn trong điều trị. Thông tin từ Sở Y tế, số ca mắc SXH trên địa bàn tỉnh bắt đầu tăng mạnh từ đầu tháng 2 và đến nay chưa có dấu hiệu suy giảm.
Toàn tỉnh An Giang có 10/11 huyện, thị xã, thành phố có số ca mắc SXH tăng vượt trên 100% so cùng kỳ, với 1.311 ổ dịch ở 143/156 xã, phường, thị trấn (chiếm 91,6% tổng số xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh). Riêng TX. Tân Châu, tính đến ngày 26/6, có 126 ổ dịch, tập trung nhiều nhất ở các địa phương: Long Phú, Long Thạnh, Châu Phong, Tân An, Long An, trong đó Long An, Tân An, Long Phú là những địa phương có số ca mắc cao nhất.
Ngành y tế tăng cường phun xịt hóa chất tại các ổ dịch trên địa bàn
Theo Trung tâm Y tế TX. Tân Châu, đến ngày 26/6, trên địa bàn có 576 ca mắc SXH (tăng 535 ca so cùng kỳ năm 2021), trong đó có 24 ca nặng. Trước thực tế này, thị xã đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó lấy người dân làm trung tâm, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để bà con nâng cao nhận thức, chung tay phòng, chống dịch bệnh SXH. Đồng thời, nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống SXH từ thị xã đến các xã, phường để chỉ đạo sâu sát hơn công tác phòng, chống dịch. Qua đó, giảm tối đa số ca mắc và tử vong trên địa bàn; đánh giá đúng, đầy đủ, toàn diện những yếu tố nguy cơ mang tính đặc thù trên địa bàn (từ khóm, ấp đến xã, phường) để có những giải pháp phù hợp.
“Trong công tác phòng, chống dịch SXH, ngoài tăng cường công tác truyền thông trên hệ thống truyền thanh, thị xã còn chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền trực tiếp các biện pháp phòng, chống SXH tại các hộ gia đình và cộng đồng thông qua nhiều hình thức khác nhau, như: Họp tổ dân phố, họp dân, tập huấn, hướng dẫn tại chỗ, tờ rơi để nhanh chóng kéo giảm tình hình dịch bệnh…” - Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Trần Thị Hòa Bình chia sẻ.
Biện pháp phòng ngừa
Trước sự bùng phát mạnh số ca mắc SXH, UBND các xã, phường trên địa bàn TX. Tân Châu đã nhanh chóng kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống SXH tại địa phương, thực hiện nhanh các biện pháp ngăn chặn, không chế, không cho dịch lây lan. Trao đổi về nguyên nhân dịch bùng phát mạnh trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân An Nguyễn Văn Rượu cho biết, một trong những nguyên nhân khiến số ca mắc SXH trên địa bàn tăng nhanh là do nhận thức của người dân còn hạn chế.
Các xã, phường đồng loạt ra quân diệt lăng quăng
Xã Tân An là địa bàn nông thôn, xung quanh nhà dân đa số đều có trồng trọt hoặc chăn nuôi, người dân có thói quen dự trữ nước mưa để sinh hoạt nhưng không đậy nắp và cọ rửa thường xuyên, đây là môi trường thuận lợi cho lăng quăng, muỗi phát triển và là điều kiện để phát sinh thành dịch. Xã Tân An có 7 ấp, tất cả các ấp đều có ca mắc SXH. Ấp Tân Hòa C, Tân Hòa B và Tân Hậu A1 là những ấp có số ca mắc cao. Tính đến chiều 30/6, ấp Tân Hòa C có 32 ca và 2 ấp còn lại mỗi ấp có 19 ca mắc SXH.
Trước thực tế này, Ban Chỉ đạo phòng, chống SXH xã Tân An đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân trên địa bàn, nâng cao nhận thức, hiểu đúng về sự nguy hiểm của bệnh SXH, cùng chính quyền địa phương đẩy mạnh thực hiện công tác vệ sinh môi trường nơi mình sinh sống. “Hai biện pháp chủ yếu mà chúng tôi thực hiện thường xuyên nhằm tránh số ca mắc SXH tăng cao là loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng; phòng tránh muỗi đốt.
Cụ thể, ngay khi có dịch, tôi đã tìm kiếm xung quanh nhà nếu có vật chứa nước thì lật úp lại để muỗi không vào đẻ trứng. Dọn vệ sinh môi trường xung quanh cho sạch sẽ. Khi trẻ con ngủ, tôi giăng mùng kể cả ban ngày…” - bà Trần Thị Lan (ấp Tân Hòa C, xã Tân An) chia sẻ.
Còn ở phường Long Thạnh, tính đến chiều 30/6, toàn phường có 51 ca mắc SXH, trong đó có 1 ca nặng (khóm Long Thạnh A). Đến nay, phường đã 3 lần ra quân làm vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền bằng hình thức phóng thanh trực tiếp.
“Phường đã chỉ đạo, phân công các ban, ngành, đoàn thể xuống tận các tổ, khóm cùng nhân dân thực hiện các biện pháp dập dịch, trong đó nâng cao nhận thức của từng người dân là quan trọng. Thực hiện phun hóa chất tại các ổ dịch với bán kính 200m…” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Long Thạnh Trần Văn Tiến cho biết.
“Để hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, một trong những giải pháp quan trọng để phòng, chống SXH là phát động chiến dịch toàn dân diệt lăng quăng (bọ gậy), diệt muỗi ngay chính nơi mình ở, làm việc, sinh sống. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, trường học thực hiện tổng vệ sinh môi trường, không để tồn tại vật đọng nước…” - Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Trần Thị Hòa Bình chia sẻ.