Tân Chủ tịch HĐQT Điện Tây Bắc đăng ký mua 1,5 triệu cổ phiếu để tăng tỷ lệ sở hữu

Sau 2 tháng được bầu là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Điện Tây Bắc, ông Trần Văn Ngư vừa đăng ký mua vào 1.530.000 cổ phiếu nhằm tăng tỷ lệ sở hữu doanh nghiệp.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Điện Tây Bắc

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Điện Tây Bắc

Ông Trần Văn Ngư được bầu là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Điện Tây Bắc (MCK: NED) nhiệm kỳ 2020-2025, từ ngày 26/7. Mới đây, ngày 13/9, Điện Tây Bắc công bố thông tin cho biết, ông Trần Văn Ngư đăng ký dự kiến thực hiện giao dịch mua vào hơn 1,5 triệu cổ phiếu bằng phương thức khớp lệnh lẫn thỏa thuận từ ngày 20/9 đến 25/9.

Sau khi giao dịch thành công, ông Ngư sẽ tăng tỷ lệ tại Điện Tây Bắc từ 11,54% (4,67 triệu cổ phiếu) lên 15,32% (6,2 triệu cổ phiếu). Tính theo giá cổ phiếu ngày 17/9 của NED là 12.000 đồng/cổ phiếu, ông Ngư cần chi 18,36 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch.

Trước cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, ông Ngư sở hữu 48.300 cổ phiếu, chiếm 0,3%. Tại cuộc họp, HĐQT Điện Tây Bắc chấp thuận cho ông Ngư và người có liên quan được mua/nhận chuyển nhượng hơn 2 triệu cổ phiếu của ông Trần Văn Phúc, hơn 2 triệu cổ phiếu của ông Lưu Văn Hổ, 800.000 cổ phiếu của bà Đặng Thị Đoan Trang, 868.000 cổ phiếu của bà Nguyễn Thị Kim Tuyến và hơn 2 triệu cổ phiếu của bà Trần Ngọc Định mà không cần thực hiện thủ tục chào mua công khai.

Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển An Khánh Hưng do ông Ngư giữ chức Tổng giám đốc và người có liên quan cũng được nhận chuyển nhượng 2 triệu cổ phiếu của ông Trần Văn Trung, 400.000 cổ phiếu của ông Nguyễn Hồng Minh mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai.

Trong năm 2023, Điện Tây Bắc không hoàn thành kế hoạch sản lượng và doanh thu. Nguyên nhân do hạn hán kéo dài, lượng nước về hồ chứa thấp, mảng kinh doanh bất động sản chưa có doanh thu vì đang trong quá trình đầu tư. Việc chi trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ chi trả 5%/vốn điều lệ cũng chưa thực hiện được.

Trong năm 2024, công ty quyết định không đầu tư mới các dự án thủy điện và mở rộng sản xuất. Thay vào đó, Điện Tây Bắc lên kế hoạch tập trung quản lý các khoản đã đầu tư và tái cơ cấu, nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn, cân đối tài chính trả nợ ngân hàng, giảm áp lực lãi vay, điều chỉnh vốn tại các khoản đầu tư bất động sản khu công nghiệp.

Kế hoạch năm 2024, doanh nghiệp đặt mục tiêu tổng doanh thu 78 tỷ đồng, tăng 7% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 9,6 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước.

Công ty mẹ có mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế là 65,7 tỷ đồng và 10,3 tỷ đồng, lần lượt tăng 4% và 72% so với năm 2023.

Trong 6 tháng đầu năm, Điện Tây Bắc ghi nhận doanh thu thuần 32,9 tỷ đồng, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế khoảng 5,9 tỷ đồng, gấp 70,2 lần cùng kỳ, hoàn thành 61,5% kế hoạch cả năm. Kết quả này được Điện Tây Bắc lý giải do doanh thu giảm 1% nhưng chi phí sản xuất cũng giảm mạnh 21,7% dẫn đến lãi thu về tăng.

Tổng tài sản của doanh nghiệp tính đến cuối quý II/2024 đạt hơn 716 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 730 tỷ đồng hồi đầu năm. Nợ phải trả khoảng 252 tỷ đồng, trong đó phần lớn là nợ dài hạn. Vốn chủ sở hữu ở mức hơn 464 tỷ đồng.

Diệu Phương

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/tan-chu-tich-hdqt-dien-tay-bac-dang-ky-mua-15-trieu-co-phieu-de-tang-ty-le-so-huu-717644.html