Thực tế khi xem xét các văn bản luật quốc tế về chiến tranh đều có đề cập việc "tấn công tàu bệnh viện là tội ác chiến tranh", nhưng chúng đều có các trường hợp quy định rất rõ ràng.
Vấn đề ở đây phải bàn là vào thời điểm bị tấn công thì tàu bệnh viện có đúng là tàu thực hiện nhiệm vụ như một bệnh viện hay không? Về cơ bản, các quốc gia đã đưa ra một số nguyên tắc nhất định mà các tàu bệnh viện phải đảm bảo để giữ "quyền lợi" theo luật.
Thứ nhất là tàu phải được đăng ký, sơn màu rõ ràng. Tức là con tàu được thiết kế và chế tạo với đúng mục đích là nơi hỗ trợ y tế, bảo đảm yếu tố về màu sơn và được các quốc gia rộng rãi chấp nhận.
Thứ hai là tàu phải cung cấp y tế hỗ trợ cho thương binh tất cả các bên. Tức là bất kể thương binh bên mình hay bên đối phương thì con tàu cũng phải có trách nhiệm cứu chữa, theo đúng tinh thần quốc tế.
Thứ ba là tàu không được sử dụng với mục đích quân sự. Tập trung vào chuyên môn, tàu bệnh viện chỉ thực hiện đúng chức năng y tế của nó, không được trang bị các loại vũ khí tấn công cũng như vận chuyển vũ khí, binh lính chiến đấu.
Cuối cùng là tàu không được can thiệp vào hoạt động quân sự trong khu vực giao chiến. Tàu các phe có quyền kiểm tra để đảm bảo tàu bệnh viện đang làm công tác bệnh viện.
Nếu vi phạm các quy định trên thì tàu bệnh viện sẽ không được coi là "đối tượng trung lập ưu tiên" và phe đối phương có lý do chính đáng để tấn công, cũng như phá hủy con tàu.
Tất nhiên trong chiến tranh, các bên có thể nghĩ ra cả ngàn lý do để biện minh cho hành động của mình, nên phải tìm hiểu từng trường hợp cụ thể mới kết luận được việc tấn công tàu bệnh viện có phải là tội ác chiến tranh hay không.
Ví dụ, tàu MV Wilhelm Gustloff của Đức bị tàu ngầm Liên Xô S-13 đánh chìm ngày 30/1/1945. Với con số thương vong lên đến gần 10.000 người mà đa phần là thường dân, đây là ví dụ điển hình để phương Tây chỉ trích quân đội Liên Xô tấn công bừa bãi.
Tuy nhiên, trừ một việc là chuyện không phải vậy. Wilhelm Gustloff đúng là tàu bệnh viện nhưng “đã từng” thì chính xác hơn. Con tàu này chỉ được dùng làm tàu bệnh viện trong một giai đoạn từ 1939 đến đầu năm 1945.
Sau đó quân đội Đức đã tháo các thiết bị y tế, sơn lại tàu và trang bị pháo rồi chuyển công năng thành trại lính nổi. Về cơ bản, Wilhelm Gustloff không phải là tàu bệnh viện vào thời điểm nó bị đánh chìm.
Hay như tàu HMHS Paris của Anh bị không quân Đức bỏ bom chìm vào ngày 2/6/1940 trong chiến dịch Dynamo. Tàu Paris lúc đó được đăng ký làm tàu bệnh viện, được sơn màu trắng và có dấu thập tự đỏ đúng quy định.
Tuy nhiên, người Đức cho rằng lúc này tàu không tham gia với tư cách tàu bệnh viện mà chỉ là một tàu chở quân thông thường tham gia di tản lính Anh và Đồng minh khỏi Dunkirk. Do vậy tàu Paris không làm nhiệm vụ "bệnh viện" vào thời điểm nó bị đánh chìm.
Lê Quang