Tấn công vào 'vùng cấm'
Tuyệt đối không chấp nhận sự can thiệp của các cá nhân, đơn vị vào quá trình xử lý vi phạm về TTATGT, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn; thông tin rộng rãi vi phạm của cán bộ, công chức trên phương tiện truyền thông đại chúng. Đó là chỉ đạo mới nhất của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia.
Tranh thủ cuối tuần con cháu về đông đủ, gia đình ông Nguyễn Gia (thôn Vĩnh Kỳ, Tân Hội, Đan Phượng, Hà Nội) tổ chức đám giỗ. Trước khi dùng bữa, ông Gia đi một lượt kiểm tra mâm cỗ và dừng lại ở góc hiên nhà, nơi có hơn chục đứa cháu trai, cháu rể góp mặt.
"Đứa nào phải cầm lái tuyệt đối không được uống rượu", ông nói không quá to nhưng đủ để các con, các cháu nghe được.
Giữa lúc bọn họ còn đang ngơ ngác, ông Gia thủng thẳng: "Tao đọc báo, thấy bây giờ ra đường có tí men là công an phạt nghiêm lắm, đừng mong xin xỏ hay nhờ vả".
Ông Gia đi khuất vào nhà trong, ở ngoài, mấy anh em trai bắt đầu râm ran chủ đề uống rượu bia lái xe. Thực ra, gần đây họ cũng nghe, đọc được rất nhiều về các trường hợp có sử dụng rượu bia khi đi xe và bị CSGT xử phạt.
Thế rồi, đám con, cháu nhà ông Gia chẳng ai bảo ai, những người xác định buổi chiều sẽ tiếp tục điều khiển phương tiện tự khắc đặt chén xuống, cũng chả ai ép.
Luật pháp bất vị thân; Thượng tôn pháp luật… lẽ ra cần được thực hiện từ rất lâu, liên tục, giống như chiến dịch "tấn công" vào vi phạm nồng độ cồn mà các tổ công tác của Bộ Công an và Công an các địa phương đã, đang triển khai.
Trước đó, rất ít khi đọc thấy thông tin Chủ tịch huyện ở Thừa Thiên – Huế bị xử phạt vì vi phạm nồng độ cồn.
Ở Quảng Trị, có trường hợp nữ cán bộ Tòa án; ở TP. HCM có vị Phó Chi cục trưởng Thi hành án dân sự.
Ngay ở Hà Nội, có vị là Chủ tịch, vị khác là Trưởng công an phường cũng phải ký biên bản vi phạm nồng độ cồn.
Đó là mới chỉ xử phạt vi phạm hành chính, các vị này rồi sẽ còn khổ sở khi bị cơ quan, đơn vị xử lý về mặt đảng, chính quyền.
Theo Cục CSGT (Bộ Công an), từ ngày 31/8 đến 23/9, các Tổ công tác của Bộ Công an và Công an các địa phương đã xử phạt hàng nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó đáng nói có hơn 160 người là công chức, viên chức, công an, nhà báo, lãnh đạo huyện, phường, xã…
Nói gì thì nói, đây cũng là những người có chức vụ, làm trong cơ quan nhà nước, với nhiều mối quan hệ. Bình thường, họ sẽ dễ dàng nhờ vả, can thiệp để được linh động bỏ qua, khi vi phạm giao thông chứ chưa nói là vi phạm nồng độ cồn.
Lực lượng chấp pháp, trong nhiều tình huống cũng vì nể nang nên cũng dễ dàng tha cho đi.
Một thời gian dài, đã hình thành những "vùng cấm", "ngoại lệ" như thế.
Giờ đã khác hơn.
Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới, sau đó là những chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công an, lãnh đạo các địa phương, "vùng cấm" và "ngoại lệ" đã bị tấn công một cách quyết liệt, liên tục.
Người người bảo nhau: "Đến Chủ tịch huyện, Trưởng công an phường, cán bộ tòa án còn bị xử phạt thì không có lý gì người dân bình thường lại được bỏ qua".
Đồng nghiệp, cấp dưới, người thân, bạn bè của người vi phạm sẽ nhìn vào đó, chuyển biến ý thức, hành động.
Đó là sự lan tỏa, từ chính sự cương quyết tấn công vào "vùng cấm".
Những cuộc "tấn công" đó được cơ quan truyền thông và người dân giám sát, ủng hộ. Thực tế, đã có một sự chuyển biến tích cực trong ý thức người dân. Có người còn đề nghị công khai danh tính người vi phạm để răn đe, giáo dục.
Đã có không ít vụ việc đau lòng do tài xế say rượu bia gây ra như vụ tài xế xe Mercedes say rượu đến mức không nhớ gì, tông tử vong hai phụ nữ vào tháng 5/2019.
Trước đó, vào tháng 4/2019, cũng một tài xế "ma men" khiến nữ lao công ở Hà Nội tử vong thương tâm, bỏ lại hai con trai bơ vơ, khi đó mới 12 và 15 tuổi.
Còn rất nhiều vụ việc thương tâm khác, do người đã sử dụng rượu bia cầm tay lái.
Mới đây, ngày 21/9, trong thông báo kết luận tại cuộc họp Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã yêu cầu Bộ Công an thường xuyên duy trì xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề, nhất là kiểm soát nồng độ cồn.
"Công an các địa phương, nhất là cảnh sát giao thông tuyệt đối không chấp nhận sự can thiệp của cá nhân, đơn vị vào quá trình xử lý vi phạm, đặc biệt là nồng độ cồn. Người dân, nhất là cán bộ, công chức, viên chức vi phạm giao thông sẽ được công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng", Phó Thủ tướng yêu cầu.
Khi đã tấn công vào những "vùng cấm", khi những "ngoại lệ" không còn, cùng với chế tài nghiêm khắc được thực thi, sẽ không còn phải lo "đã uống rượu bia, không lái xe" chỉ là khẩu hiệu.
Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/tan-cong-vao-vung-cam-183230930232818563.htm