Tận cùng tội ác, tột cùng nỗi đau
Dư luận còn chưa hết bàng hoàng về trường hợp bé gái 8 tuổi ở Thành phố Hồ Chí Minh tử vong dưới bàn tay người tình ác độc của bố thì lại phẫn uất với vụ cháu bé 3 tuổi ở Thạch Thất, Hà Nội bị người đàn ông-tình nhân của mẹ đóng 9 cái đinh vào đầu đang nguy kịch trong bệnh viện. Tại sao cái ác cứ tồn tại và những vụ việc đau lòng vẫn cứ xảy ra?
Mấy ngày qua, qua báo chí và mạng xã hội, dư luận lên án mạnh mẽ hành động dã man của Nguyễn Trung Huyên. Hành động của hắn đối với cháu bé khiến nhiều người bảo rằng nếu vì cháu bé thì đừng miêu tả lại. Nó ác độc như thời trung cổ, vượt qua sức tưởng tượng của nhiều người và xảy ra ngay trong xã hội hiện đại, ngay tại thủ đô. Lời khai của hắn trước cơ quan công an nhanh chóng lan truyền thì làn sóng căm phẫn càng lên cao.
Dù không muốn nhưng cũng phải nói, trước khi dùng đến những chiếc đinh thì hắn đã từng đánh gãy tay cháu; pha thuốc trừ cỏ với nước giải khát cho cháu bé uống, bắt cháu nuốt đinh vít. Điều đó cho thấy việc hành hạ cháu bé không phải là hành động bột phát mà có hệ thống, đã diễn ra từ trước đó. Câu hỏi đặt ra là tại sao mẹ cháu bé-người dứt ruột đẻ con ra lại để một kẻ “khác máu tanh lòng” hành hạ con mình?
Hai vụ việc xảy ra gần nhau, ở những gia đình có hoàn cảnh tương tự nhau là cha mẹ ly hôn, con cái bị hành hạ khi xuất hiện người thứ ba. Trong cả 2 trường hợp, đối tượng gây ra cái ác là người tình của bố, mẹ (không kết hôn). Mối quan hệ chẳng có gì ràng buộc nhưng cả ông bố (Thành phố Hồ Chí Minh) và bà mẹ (Thạch Thất, Hà Nội) lại coi trọng hơn cả máu mủ ruột rà của mình.
Những kẻ ác nhân hành hạ các cháu bé đáng bị đền tội, thậm chí nhiều người cho rằng kẻ đóng đinh vào đầu cháu bé phải tử hình mới xứng. Mức án như thế nào tòa sẽ quyết định nhưng còn lương tâm của ông bố và bà mẹ trong hai trường hợp đó thì sao?
Tại sao khi thấy con mình bị người tình hành hạ lại không ngăn cản, đặc biệt là những hành hành vi có thể gây nguy hiểm đến tính mạng chứ không còn dừng lại ở mức dạy dỗ trẻ nhỏ nữa? Họ không xót đứa con mình dứt ruột đẻ ra hay sao? Rất nhiều câu hỏi đặt ra về vấn đề đạo đức.
Có lẽ nêu vấn đề lương tâm đối với hai ông bố, bà mẹ này hơi thừa vì nếu có họ đã không để những kẻ bất lương động đến lông chân con mình chứ đừng nói hành hạ quá dã man như vậy! Cả 2 trường hợp này đều có dấu hiệu che giấu tội phạm.
Trường hợp người đàn ông ở Thành phố Hồ Chí Minh không những không ngăn cản người tình đánh con mà khi vụ việc đau lòng xảy ra còn xóa dữ liệu camera nhằm thoát tội. Còn người mẹ ở Hà Nội, hai, ba lần trước, người tình hành hạ con nguy hiểm đến tính mạng nhưng không trình báo. Có phải họ đồng lõa với kẻ ác hành hạ con mình?
Vụ việc sẽ đưa ra xét xử. Những kẻ gây tội ác sẽ phải đền tội nhưng điều nhức nhối đối với xã hội vẫn còn đó. Tại sao nạn bạo hành vẫn tồn tại và ngày càng tăng? Chúng ta không thể không trăn trở, day dứt khi mà có đầy đủ các cơ quan chức năng, chính quyền và cả cộng đồng; vậy mà các cháu bé-thế hệ tương lai của đất nước vẫn cứ bị bạo hành?
Dư luận đòi phải xử thật nặng những kẻ gây ra nỗi đau cho các cháu bé. Đó cũng là cách thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật đối với tội bạo hành trẻ em, đồng thời có tác dụng răn đe đối với xã hội. Nhưng điều quan trọng hơn là phải có cách phòng ngừa, không để những vụ việc đau lòng như thế xảy ra.
Một xã hội văn minh phải có luật pháp đủ mạnh để bảo vệ những mầm non tương lai của đất nước. Nhiệm vụ bảo vệ trẻ em được giao cho một cơ quan chịu trách nhiệm chính nhưng để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và cộng đồng có vai trò quan trọng. Giám sát chặt chẽ, ngăn chặn từ khi manh nha thì mới hi vọng ngăn chặn được tình trạng bạo hành trẻ em.
Và bản thân mỗi gia đình cũng phải nhận thức đầy đủ về vấn đề này. Mỗi người phải phân biệt được việc dạy dỗ với hành vi bạo hành con trẻ để kịp thời ngăn chặn. Và hơn nữa, cần đẩy mạnh việc xây dựng gia đình hạnh phúc. Gia đình êm ấm không chỉ là môi trường tốt nuôi dưỡng trẻ khôn lớn, trưởng thành mà còn làm giảm tỷ lệ bào hành trẻ em.
Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/72990/tan-cung-toi-ac-tot-cung-noi-dau.html