Tân Cương khẩn cấp tiêu hủy tài liệu mật về 'trại cải tạo' người Duy Ngô Nhĩ
Sau khi tài liệu chỉ đạo mật lập 'trại cải tạo' làm nơi giam giữ tộc người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở khu tự trị Tân Cương (cực tây Trung Quốc) bị lộ, chính quyền Tân Cương đã tiêu hủy dữ liệu, siết chặt khâu kiểm soát thông tin và mở các cuộc họp cấp cao để đối phó, theo hãng tin AP.
Hãng tin Mỹ dẫn thông tin của 4 người có quan hệ với các nhân viên chính quyền Tân Cương, và những người này yêu cầu giấu tên vì sợ bị trả thù đối với họ, người thân và nhân viên chính quyền. Họ nói các cán bộ cấp cao của chính quyền khẩn trương phản ứng trước vụ lộ thông tin, trong các cuộc họp ở trụ sở đảng ủy Đảng Cộng sản Trung Quốc ở thủ phủ Urumqi.
Trung tâm hướng nghiệp chứ không phải “trại cải tạo”
Các cuộc họp xử lý khắc phục hậu quả của chính quyền Tân Cương bắt đầu từ sau khi báo New York Times ngày 17.11 công bố hơn 400 trang tài liệu nội bộ của chính phủ Trung Quốc, trong đó có nhiều bài phát biểu của các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc gồm Chủ tịch Tập Cận Bình, mang nội dung chỉ đạo thành lập các “trại cải tạo” ở Tân Cương và hạn chế đạo Hồi lan sang các địa phương khác.
Tờ báo Mỹ nêu có khoảng 96 trang liên quan ông Tập, trong đó ông cảnh báo rằng kể cả khi làm cho người dân Tân Cương giàu có hơn, phong trào ly khai của người Duy Ngô Nhĩ sẽ không vì thế mà giảm xuống.
Chiến lược của chính phủ Trung Quốc là “nhốt kỹ” các cộng đồng thiểu số trước khi họ phạm pháp, và “cải tạo tư tưởng và ngôn ngữ” của các cộng đồng này. Một đoạn chỉ đạo nêu rõ "tuyệt đối không được khoan nhượng". Nhiều đoạn khác ghi chép lại các cuộc nói chuyện của cán bộ Tân Cương với con cái của những người được đưa vào “trại cải tạo”, ví dụ “các cháu liệu mà cư xử cho khéo ở ngoài, vì điều đó tốt cho cả cha mẹ các cháu lẫn bản thân các cháu".
Times cũng nêu việc Bắc Kinh khởi động khâu kiểm soát xã hội, bằng cách sử dụng dữ liệu và trí khôn nhân tạo. Dựa trên dữ liệu thu thập được từ công nghệ theo dõi công dân (gồm công nghệ nhận diện khuôn mặt và nhận diện giọng nói), máy điện toán trong vòng chỉ một tuần có thể đưa ra tên tuổi của hàng chục ngàn dân để triệu tập điều tra hoặc bị bắt giam.
Các cuộc họp của chính quyền Tân Cương lại tiếp tục, sau khi Liên đoàn các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) phối hợp với các cơ quan truyền thông toàn cầu để công bố các chỉ đạo mật về cách điều hành những “trại cải tạo” và hướng dẫn cách sử dụng công nghệ để theo dõi người dân.
Theo AP, từ lâu chính quyền Trung Quốc chật vật đối phó với 11 triệu người Duy Ngô Nhĩ gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở Tân Cương, và vài năm gần đây, Trung Quốc đã đưa ít nhất 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ vào “trại cải tạo”, theo ước tính của LHQ. Mỹ đã xem đó là chứng cứ Bắc Kinh đàn áp nhân quyền nghiêm trọng và cấm tự do tôn giáo.
Nhưng chính quyền Trung Quốc vẫn bác bỏ sự tồn tại của các “trại cải tạo” ở Tân Cương. Thay vào đó, Bắc Kinh gọi đây là các “trung tâm hướng nghiệp” cho người Duy Ngô Nhĩ học kỹ năng nghề nhằm để họ tìm việc làm. Cán bộ Tân Cương và quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc không trực tiếp phủ nhận sự xác thực của các tài liệu chỉ đạo mật, dù Bí thư thành ủy Urumqi, ông Từ Hải Vinh gọi các thông tin của Times về vụ tài liệu bị lộ là “trò bôi nhọ và bóp méo sự thật”.
Vụ lộ tài liệu chỉ đạo mật xảy ra vào thời điểm nhạy cảm trong quan hệ Mỹ-Trung. Hai nền kinh tế lớn nhất-nhì thế giới có cuộc chiến thương mại (vừa giảm nhiệt ngày 13.2 với một thỏa thuận tạm thời) và đối đầu địa - chính trị, như Mỹ lo ngại tình hình cảnh sát ẩu đả với người biểu tình đòi dân chủ ở Đặc khu hành chính Hồng Kông thuộc Trung Quốc.
Ngày 4.12, Hạ viện Mỹ đã thông qua Dự luật Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ 2019, nhằm gây sức ép lên Trung Quốc về việc giam nhốt người ở Tân Cương. Dự luật cấm xuất khẩu các sản phẩm mà Trung Quốc có thể sử dụng vào việc theo dõi công dân, và dự luật cũng lần đầu tiên kêu gọi trừng phạt một Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc: Bí thư tỉnh ủy Tân Cương là ông Trần Toàn Quốc bị Mỹ qui trách nhiệm là người ra chỉ đạo lập các “trại cải tạo” để giam giữ người thiểu số theo đạo Hồi. Dự luật cũng kêu gọi trừng phạt thêm các quan chức cấp cao Trung Quốc chịu trách nhiệm về các hành động với người Hồi giáo ở Tân Cương.
Bắc Kinh lập tức cáo buộc dự luật này là “nước ngoài can thiệp vào nội bộ Trung Quốc”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh nói dự luật Mỹ cố tình bôi nhọ tình trạng nhân quyền ở Tân Cương, làm mất uy tín nỗ lực của Bắc Kinh trong việc chống lại chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố tại khu vực. Giới truyền thông nhà nước thì đưa tin chính phủ trung ương đang xem xét các biện pháp trả đũa, gồm cấm visa nhập cảnh cho các quan chức Mỹ.
Các giải pháp “khắc phục hậu quả” lộ tài liệu chỉ đạo mật
Theo 3 người Duy Ngô Nhĩ không sống ở Tân Cương cho AP biết, chính quyền Tân Cương đã buộc phải kiểm soát thông tin chặt chẽ hơn từ tháng 10, tức trước khi báo Mỹ đăng tin tài liệu chỉ đạo mật bị lộ. Chính quyền ra lệnh cho các cán bộ cấp thôn xã phải đốt các tài liệu giấy chứa thông tin cá nhân nhạy cảm về những người dân thôn xã, ví dụ về thời gian họ bị “cải tạo”.
Các cơ quan chính quyền khác thì phải vứt bỏ máy điện toán, siết chặt khâu quản lý thông tin mật, bảo đảm tất cả các thông tin liên quan “trại cải tạo” từ nay phải được lưu trữ trong kho dữ liệu không kết nối internet đặt ở những phòng đặc biệt, hạn chế người ra vào nhằm ngăn chặn nguy cơ bị tin tặc xâm nhập. Một nguồn tin nói: “Họ trở nên nghiêm trọng hơn khi chuyển thông tin”.
Nhiều người Duy Ngô Nhĩ nói: các tài liệu chỉ đạo mật bị lộ đã khiến chính quyền trung ương ở Bắc Kinh tăng sức ép lên cán bộ - đảng viên Tân Cương. Và xem ra sự hạn chế thông tin sẽ càng được siết chặt hơn. Một số giảng viên đại học và cán bộ cấp huyện ở Urumqi đã được lệnh xóa dữ liệu nhạy cảm khỏi máy điện toán, điện thoại và kho dữ liệu đám mây của họ, và phải xóa các trang mạng xã hội liên quan công việc của họ, theo một người Duy Ngô Nhĩ nắm rõ tình hình.
Trong các trường hợp khác, có vẻ nhà nước Trung Quốc đã thu hồi các chứng cứ về “trại cải tạo”. Một người Duy Ngô Nhĩ từng bị giam nhốt nhiều năm trước, nói cách đây hai tuần, vợ cũ của ông gọi điện thoại năn nỉ ông gởi giấy ra trại của ông cho bà. Bà cũng cho biết 8 cán bộ đã đến nhà tìm kiếm giấy tờ, rồi dọa sẽ bỏ tù bà đến hết đời nếu bà không nộp lại các loại giấy tờ. Người đàn ông nói: “Đó là chuyện cũ và họ biết tôi đã ở nước ngoài từ lâu. Việc họ bất ngờ muốn nó ngay bây giờ có nghĩa họ đang phải chịu sức ép rất cao”.
Một số nhân viên chính quyền Tân Cương đã nhận giấy triệu tập, khi chính quyền Trung Quốc điều tra nguồn làm lộ tài liệu chỉ đạo mật. Trong một trường hợp, cả một gia đình của một nhân viên thuộc chính quyền dân sự đã bị bắt giữ. Nhà ngôn ngữ học Abduweli Ayup người Duy Ngô Nhĩ sống lưu vong, nói người thân của vợ ông ở Tân Cương (gồm cha mẹ bà, anh chị em và bên sui gia) đã bị bắt sau khi Times đăng tài liệu chỉ đạo mật.
Ông Ayup nói theo ông biết, thì họ không hề dính líu vào vụ lộ thông tin này. Ông cũng nói vài người giữ liên lạc với bà con sống ở nước ngoài cũng bị điều tra và bị bắt. Không thể rõ đã có bao nhiêu người bị bắt từ sau vụ lộ thông tin.
Hồi tuần trước, Asiye Abdulaheb, một phụ nữ Duy Ngô Nhĩ sống ở Hà Lan, đã nói với nhật báo De Volkskrant, rằng bà là nguồn thông tin mà ICIJ đăng. Bà nói sau khi tải thông tin lên một trang mạng xã hội hồi tháng 6, các đặc vụ Trung Quốc đã gởi lời dọa giết bà, đồng thời cố gắng dụ dỗ người chồng cũ theo dõi bà.
Mỹ Trinh (theo AP)