Tàn dư tuyệt đẹp sau cái chết của ngôi sao trong không gian sâu thẳm

Kính viễn vọng Hubble của NASA phát hiện bằng chứng về một vụ nổ siêu tân tinh cách chúng ta 2.400 năm ánh sáng.

"Trên thực tế, đây là một phần nhỏ của sóng xung kích siêu tân tinh nằm cách chúng ta 2.400 năm ánh sáng", NASA cho biết.

Theo NASA, vụ nổ siêu tân tinh Cygnus ban đầu đã thổi bay một ngôi sao sắp chết từ 10.000 đến 20.000 năm trước. Sau đó, tàn tích của vụ nổ mở rộng 60 năm ánh sáng từ trung tâm của nó.

Hiện tại, sóng xung kích từ vụ nổ vẫn đang mở rộng với tốc độ khoảng 350 km/s.

Hình ảnh này là phần nhỏ của sóng xung kích siêu tân tinh Cygnus. (Ảnh: NASA)

Hình ảnh này là phần nhỏ của sóng xung kích siêu tân tinh Cygnus. (Ảnh: NASA)

"Sự tương tác giữa vật chất bị đẩy ra và vật chất mật độ thấp bị sóng xung kích quét qua tạo thành cấu trúc giống như tấm màn trong bức ảnh", NASA cho hay.

Siêu tân tinh là một sự kiện thiên văn học biến đổi tức thời xảy ra trong giai đoạn cuối của quá trình tiến hóa sao ở các sao khối lượng lớn.

Có 2 kiểu siêu tân tinh. Ở kiểu I, các sao khổng lồ cháy hết nhiên liệu nhiệt hạch, mất áp suất ánh sáng, và sụp đổ vào tâm dưới trọng trường của chính nó, cho đến lúc mật độ và áp suất tăng cao gây nên bùng nổ.

Ở kiểu II, các sao lùn trắng hút lấy vật chất từ một sao bay quanh nó, cho đến khi đạt được khối lượng Chandrasekhar và bùng nổ nhiệt hạch.

Theo các nhà thiên văn học, siêu tân tinh không quá phổ biến và 2 hoặc 3 trong số chúng xuất hiện mỗi thế kỷ trong các thiên hà như Dải Ngân hà của chúng ta.

Diệu Hoa (Nguồn: FOX News)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/tan-du-tuyet-dep-sau-cai-chet-cua-ngoi-sao-trong-khong-gian-sau-tham-ar567501.html