Tận dụng cơ hội CMCN 4.0: Cần thể chế, công nghệ và con người
Đây là quan điểm của ông Nguyễn Đình Thắng, Ủy viên BCH Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT LienViePostBank, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam.
Là một doanh nhân thành đạt, chuyên gia về lĩnh vực công nghệ thông tin, phát biểu của ông Nguyễn Đình Thắng tại Chương trình “GALA gặp gỡ Ban chấp hành Trung ương hội và Doanh nhân tư nhân tiêu biểu năm 2019 và trao kỷ niệm chương cho các doanh nhân tiêu biểu” vừa qua đã thu hút sự chuyên tâm của cộng đồng doanh nhân tư nhân.
3 thành tố thành công
Phát biểu trước cộng đồng doanh nhân tư nhân, ông Thắng nhấn mạnh: Các nước trên thế giới đang chạy đua trong cuộc CMCN 4.0 để bước nhanh vào kỷ nguyên số hóa với mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên nền kinh tế số, chính phủ số và công dân số.
Cuộc CMCN lần thứ 4 đánh dấu điểm gẫy (cũng có thể gọi là điểm khác biệt) trong tiến trình phát triển tuần tự của các cuộc cách mạng trước, sẽ tạo nên sự thay đổi toàn diện trong mọi lĩnh vực về nhận thức, thể chế, công nghệ, quản trị điều hành, nghiên cứu, sản xuất, thương mại, dịch vụ, tiêu dùng..
CMCN 4.0 tạo cơ hội cho các quốc gia, các doanh nghiệp, cá nhân có thể cùng bước vào vạch xuất phát điểm của cuộc đua với nhiều khó khăn và thách thức phải vượt qua.
Ông Thắng dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói về việc CMCN 4.0 thực sự là cơ hội để dân tộc Việt Nam thực hiện khát vọng phồn vinh và với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và ý chí của người Việt Nam, Việt Nam sẵn sàng vượt qua thách thức để nắm bắt lấy cơ hội, nhanh chóng bước lên con tàu 4.0.
Từ đó, ông Thắng cho rằng: “Để bước lên con tầu 4.0, vận dụng tốt nhất các cơ hội mà CMCN 4.0 đưa đến, tận dụng được lợi thế của Việt Nam, vượt qua được thách thức, khó khăn, theo tôi cần có 3 điều kiện (thành tố để thành công).
Thứ nhất là thể chế - nền tảng kiến tạo sự đổi mới, sáng tạo và phát triển.
Thứ hai là công nghệ - khoa học sáng tạo, cải tiến, ứng dụng, sử dụng công nghệ cao.
Thứ ba là con người - nhân tố quan trọng nhất tạo ra sự đổi mới, sáng tạo và là đối tượng được quyền sử dụng, hưởng thụ môi trường sống và làm việc ngày càng chất lượng tốt hơn. Trong thành tố này có bao gồm vai trò quan trọng của doanh nghiệp Việt Nam”.
Doanh nghiệp cần cơ chế để thử nghiệm công nghệ
Thấu hiểu cơ hội cũng như thách thức của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân trước cuộc CMCN 4.0, Chủ tịch HĐQT LienViePostBank khuyến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành các luật, khung pháp lý trong các lĩnh vực liên quan đến đổi mới, sáng tạo để kiến tạo, khuyến khích, hỗ trợ cho sự phát triển ứng dụng công nghệ 4.0 và đặt biệt là tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Trong đó, luật và các văn bản dưới luật cần phải đồng bộ, cụ thể, rõ ràng phù hợp cơ bản với thông lệ quốc tế, tạo sự bình đẳng về chính sách cho các loại hình doanh nghiệp; loại bỏ các văn bản dưới luật cản trở, gây khó khăn cho doanh nghiệp phát triển.
Cùng với đó, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp, tổ chức, địa phương được triển khai thử nghiệm công nghệ, giải pháp mới mà luật chưa ban hành hay chưa phù hợp để thúc đẩy nhanh CMCN 4.0 và chuyển đổi số.
Tổ chức thường xuyên các buổi tọa đàm giữa Chính phủ, chính quyền với doanh nghiệp; lấy ý kiến góp ý, kiến nghị của Doanh nghiệp để nghiên cứu ban hành các Luật, cơ chế, chính sách thích hợp, khả thi để thúc đẩy nhanh tiến trình CM 4.0.
Đầu tư xây dựng hạ tầng CNTT hiện đại là hạ tầng của hạ tầng phát triển công nghệ, thông tin, ứng dụng công nghệ; từng bước xây dựng Chính phủ số, Thành phố/đô thị thông minh, nền kinh tế số và công dân số. Trong đó chú trọng đặt biệt đến Hệ thống An ninh, bảo mật số quốc gia, an ninh mạng, phòng, chống tội phạm công nghệ số, xây dựng các Cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung có phân quyền (dữ liệu công dân, quy hoạch, đất đai, xây dựng, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ).
Ngoài ra, cần có chính sách khuyến kích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghiệp công nghệ cao để làm chủ trong lĩnh vực nghiên cứu công nghệ mới, sản xuất thiết bị, sản phẩm công nghệ cao cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Chính phủ, cơ quan Nhà nước, thành phố, địa phương phải là khách hàng lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam trong các dự án triển khai công nghệ 4.0, cung cấp dịch vụ công, triển khai các ứng dụng thành phố, đô thị thông minh. Cần có chính sách khuyến kích, ưu tiên sử dụng công nghệ Việt Nam, sản phẩm Việt Nam có chất lượng ứng dụng công nghệ cao.
Về Phát triển nguồn nhân lực, theo ông Thắng, cần sớm đổi mới toàn diện về phương thức, nội dung đào tạo từ bậc tiểu học đến sau đại học. Trước hết tập trung đổi mới về đào tạo nghề, đào tạo căn bản bậc đại học theo chuẩn thế giới, quy định ngoại ngữ tiếng Anh là bắt buộc của bậc THPT, cao đẳng, đại học; đào tạo bổ sung cho giáo viên, sinh viên, cán bộ, công chức.. các kiến thức về công nghệ mới, kỹ năng mềm; đào tạo nhân bản (từ các cá nhân giỏi, có năng khiếu về công nghệ) để có nhanh đội ngũ chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực công nghệ cao. Khuyến khích xã hội hóa đào tạo.
Chính phủ có chính sách đồng bộ về phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo, xây dựng các Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo ở mọi ngành, lĩnh vực, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo khả thi và thành công.
“Đối với doanh nghiệp Việt Nam, nắm bắt cơ hội CMCN 4.0 để đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số là sự cần thiết và cấp bách để nhanh chóng phát triển doanh nghiệp mạnh mẽ, an toàn, hiệu quả và bền vững. Theo tôi, doanh nghiệp Việt có đủ điều kiện cơ bản để có thể bước ngay lên con tầu 4.0. Điều quan trọng là doanh nhân cần nhận thức được cơ hội của CMCN 4.0, khẳng định ý chí, bản lĩnh, khát vọng vươn lên, dám nghĩ, dám làm để đi đến thành công, làm giàu cho mình, cho doanh nghiệp và xây dựng Việt Nam hùng cường”, ông Thắng nói.