Tận dụng cơ hội từ CPTPP: Còn nhiều việc phải làm
Sau hơn 3 năm thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tỷ lệ tận dụng ưu đãi xuất xứ thực hiện trong Hiệp định còn chưa cao. Điều này khiến doanh nghiệp chưa tận dụng hết tiềm năng, từ đó đẩy mạnh đưa hàng Việt mở rộng thị trường.
Khó khăn ở phía trước
Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, việc thực thi CPTPP với mức cắt giảm thuế quan ưu đãi bước đầu đã đem lại tăng trưởng xuất khẩu, giúp hàng hóa Việt rộng đường sang các thị trường mới giầu tiềm năng. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020.
Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu sang các nước ký hiệp định CPTPP đạt 38,8 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, xuất siêu 4,4 tỷ USD. Kết quả này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu hàng Việt sang thị trường mới.
Nhìn trên con số kim ngạch xuất khẩu, có thể nói, bước đầu doanh nghiệp đã tận dụng CPTPP tương đối hiệu quả. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực thi, tỷ lệ tận dụng những ưu đãi xuất xứ thực hiện trong CPTPP mới dừng ở mức 7% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, thời gian qua, trong quá trình thực thi CPTPP, doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế của người “một mình một chợ”, bởi các nước đối thủ cạnh tranh ở khu vực châu Á chưa có FTA với Canada hay Mexico. Nhưng từ tháng 8/2022, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Canada tái khởi động, nếu được ký kết, thực thi, thì lợi thế vị trí độc tôn hàng Việt ở thị trường CPTPP so với Indonesia, Philippine sẽ không còn lợi thế.
Nhìn nhận việc doanh nghiệp chưa tận dụng được những ưu đãi mà CPTPP mang lại, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương cho biết, CPTPP có các quy định nghiêm ngặt về quy tắc xuất xứ hàng hóa. Cụ thể quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” được quy định trong CPTPP đang khiến các doanh nghiệp dệt may gặp khó khăn trong việc tận dụng ưu đãi của Hiệp định. Nguyên nhân là bởi ngành dệt may Việt Nam sử dụng đến 45% nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, nên tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong CPTPP chưa được cao.
Công nhận thực tế nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn sử dụng ưu đãi từ các hiệp định song phương có sẵn, nên chưa mặn mà với sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được ưu đãi (C/O), Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Đỗ Thị Thu Hương cho hay, thuế nhập khẩu ưu đãi trong CPTPP đối với một số mặt hàng chỉ chênh từ 1 - 2%, nên không đủ động lực cho doanh nghiệp đi xin C/O để tận dụng ưu đãi này.
“Đối với hàng dệt may, do có quy tắc 3 công đoạn mang tính đặc thù được quy định trong CPTPP được coi là quy định khó nhất trong các FTA, vì thế tỷ lệ tận dụng ưu đãi đối với hàng dệt may trong CPTPP còn đang khá thấp” - bà Đỗ Thị Thu Hương nêu ví dụ
Vượt qua thách thức
Tại cuộc tọa đàm “Gia tăng tỷ lệ tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp Việt Nam trong CPTPP” do Bộ Công Thương vừa tổ chức, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Ngô Chung Khanh, cho rằng, thời gian tới doanh nghiệp cần tăng kim ngạch xuất khẩu đối với những mặt hàng như rau quả, gạo, thủy sản… có thể tận dụng ưu đãi tốt của CPTPP cũng như các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Bên cạnh đó, tăng cường sử dụng nguyên liệu của các nước là thành viên CPTPP, giảm phụ thuộc những nước chưa tham gia CPTPP.
Dưới góc độ doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm kiến nghị, trong 5 - 10 năm tới nhà nước nên đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp FDI vào sản xuất tại Việt Nam, bởi đây là cách để thích ứng với quy tắc về nguyên liệu trong ngành dệt may.
Bàn về giải pháp tận dụng tối đa ưu đãi trong Hiệp định CPTPP nói riêng và các FTA nói chung, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin về mặt hàng, những ưu đãi thuế quan từ các hiệp định mang lại. Đặc biệt, cần quan tâm hơn đến những quy định về quy tắc xuất xứ để đáp ứng và hưởng ưu đãi thuế quan, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp. “Bộ Công Thương mong muốn các doanh nghiệp tìm kiếm những kết nối với các nhà cung cấp nguyên vật liệu trong nước và trong khu vực có khả năng đáp ứng được quy tắc xuất xứ đối với nguồn nguyên vật liệu'' - ông Trần Thanh Hải thông tin thêm.
Trong khi đó, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) Võ Hồng Anh cho rằng, để tận dụng tối đa ưu đãi từ CPTPP, doanh nghiệp cần xem xét khả năng hợp tác sản xuất đối với các nước thành viên CPTPP. Thí dụ, chúng ta xuất khẩu nguyên vật liệu hoặc sản phẩm chế biến thô sang một thị trường CPTPP, sau đó hợp tác liên doanh để sản xuất, chế biến thành sản phẩm hoàn thiện và tiếp tục xuất khẩu sang thị trường đối tác khác có FTA với quốc gia này. Giải pháp này sẽ đáp ứng được quy tắc xuất xứ trên cơ sở tận dụng quy tắc xuất xứ cộng gộp. Ngoài ra, trong bối cảnh logistics đang là trở ngại để hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường châu Mỹ, doanh nghiệp cũng nên xem xét việc tận dụng hạ tầng logistics của các nước thành viên CPTPP để xuất khẩu hàng hóa.
Như vậy, để tận dụng những ưu đãi mà CPTPP mang lại đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động đầu tư vào nguồn nguyên phụ liệu không thể mãi dừng lại ở bước gia công.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tan-dung-co-hoi-tu-ctcpp-con-nhieu-viec-phai-lam.html