Tận dụng đặc điểm và lợi thế để phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế

Ngày 30-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc trực tuyến với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về tình hình phát triển kinh tế-xã hội 9 tháng năm 2021 và tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10-12-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao, biểu dương đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã phấn đấu, đạt nhiều thành quả quan trọng trong nhiệm kỳ vừa qua. Trong đó kinh tế tỉnh có bước phát triển khá; các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn, phát huy; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà đã cố gắng vượt qua những mất mát, thiệt thòi do trận lũ lụt, sạt lở đất gây ra trong năm vừa qua...

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc làm việc trực tuyến với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc làm việc trực tuyến với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.

Đối với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW và Nghị quyết số 83/NQ-CP, Thủ tướng cho rằng tỉnh Thừa Thiên Huế và các bộ, ngành liên quan đang triển khai tích cực; những vướng mắc, khó khăn dần được giải quyết. Thủ tướng yêu cầu tỉnh tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành giải quyết những điểm nghẽn theo nguyên tắc những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của địa phương, bộ, ngành thì địa phương, bộ, ngành giải quyết; những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì tổng hợp đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết; những vấn đề vượt quá thẩm quyền thì Chính phủ trình cấp có thẩm quyền cao hơn...

Thủ tướng nhấn mạnh, việc phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế phải bám sát các đặc điểm của địa phương: Là địa phương có cố đô, nơi có cả di sản vật thể và di sản phi vật thể của nhân loại; là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; có vị trí địa lý thuận lợi về giao thông, nằm trên hành lang kinh tế Đông-Tây... Thừa Thiên Huế phải tận dụng đặc điểm và lợi thế này để phát triển kinh tế-xã hội.

Về những nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Thừa Thiên-Huế triển khai thực hiện ngay công tác quy hoạch kinh tế-xã hội và các quy hoạch ngành. Thông qua đó xác định tiềm năng khác biệt, cơ hội, lợi thế cạnh tranh của địa phương, nhất là với các địa phương lân cận để phát triển không trùng lắp, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của mình. Thừa Thiên-Huế cần tái cấu trúc nền kinh tế phát triển theo hướng: Dịch vụ, thương mại, kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và công nghiệp văn hóa, giải trí.

Thừa Thiên Huế cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển... Thủ tướng đề nghị tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng thể chế, phát triển nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng, đẩy mạnh cải cách hành chính. Trong đó, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực theo hướng phục vụ phát triển nền kinh tế: Dịch vụ thương mại, kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và công nghiệp văn hóa, giải trí. Đối với phát triển hạ tầng, Nhà nước đã đầu tư các hạ tầng chiến lược, do đó tỉnh cần đầu tư hạ tầng mềm, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, công nghệ quản lý. Trong cải cách hành chính cần dựa trên nền tảng công nghệ thông tin để tăng tính hiệu lực, hiệu quả, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp...

Đối với những đề xuất cụ thể của tỉnh Thừa Thiên Huế như thành lập Trường Đại học Quốc gia Huế trên cơ sở Đại học Huế, xây dựng khu công nghệ cao, dự án nhà máy điện khí..., Thủ tướng yêu cầu tỉnh phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các đề án trên nguyên tắc phù hợp với quy hoạch chung, khai thác được lợi thế của địa phương và phải có hiệu quả cao...

Tin, ảnh: TTXVN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/tan-dung-dac-diem-va-loi-the-de-phat-trien-tinh-thua-thien-hue-672807