Tận dụng EVFTA - doanh nghiệp điều tăng cường chế biến sâu

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), gọi tắt là Hiệp định EVFTA được coi là 'giấy thông hành' để các doanh nghiệp (DN) làm mới mình, tận dụng mọi ưu đãi để tham gia tốt hơn vào thị trường này. Tận dụng cơ hội, nhiều DN đã bắt đầu thay đổi phương thức kinh doanh, đầu tư máy móc, hệ thống kiểm định nghiêm ngặt để ngành điều tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng quy mô xuất khẩu vào EU.

Công nhân Công ty cổ phần Hoàng Sơn 1, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng kiểm tra và đóng gói điều nhân trước khi xuất khẩu qua Nhật Bản

EVFTA là các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường giữa Việt Nam và EU, trong đó có nhiều chính sách giúp Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường EU với thuế suất ưu đãi hơn các đối thủ cạnh tranh và ngược lại. Hiệp định chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8-2020. Với việc thuế xuất khẩu vào EU từ 5-20% sẽ giảm về 0%, một số nông sản Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh rất lớn trên thị trường này như: cà phê, hạt tiêu, hạt điều, rau, củ quả... Trong đó, hạt điều có nhiều lợi thế hơn cả.

Cơ hội đa dạng hóa sản phẩm

Các nước EU rất chuộng hạt điều nhưng vì không trồng và không sản xuất được nên 80% hạt điều tiêu thụ tại các quốc gia EU là nhập từ Việt Nam, 20% còn lại từ Ấn Độ. Với diện tích khoảng 170.000 ha, Bình Phước là tỉnh dẫn đầu về diện tích, sản lượng cũng như số cơ sở chế biến điều của cả nước. Tuy nhiên thực tế cho thấy, hạt điều Bình Phước lâu nay chủ yếu chỉ xuất thô đi nước ngoài, rất hiếm các sản phẩm chế biến sâu như rang, chiên, tẩm ướp gia vị được xuất khẩu. Điều này cũng dễ hiểu, bởi các DN nhập khẩu tại EU vì lợi ích về thuế cũng như có những ưu điểm về thị hiếu tiêu dùng nên họ chỉ nhập nhân trắng rồi tự chế biến trong nước. Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, mặc dù không có sự thay đổi về thuế nhập khẩu nhưng các DN chế biến hạt điều cho rằng, đây là cơ hội để họ chuyển từ xuất khẩu thô sang các mặt hàng rang, chiên, tẩm ướp gia vị. Qua đó, đa dạng hóa sản phẩm để cạnh tranh với các DN chế biến lâu năm tại thị trường EU.

Theo quy hoạch phát triển ngành điều đến năm 2025, tầm nhìn 2030, mục tiêu của Bình Phước từ năm 2020-2030 diện tích cây điều từ 175-178.000 ha, sản lượng từ 243.000 tấn lên 352.000 tấn, giữ nguyên công suất chế biến 500.000 tấn/năm, chế biến sâu từ 10.000 tấn lên 15.000 tấn vào năm 2030.

Dù ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nhưng trong 8 tháng năm 2020, Công ty cổ phần Hoàng Sơn 1, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng đã xuất khẩu được 10.300 tấn nhân trắng. Số hàng này chủ yếu xuất vào thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, Trung Đông, Nhật Bản và Úc. Để sản phẩm đủ điều kiện đi các thị trường khó tính như EU, từ nhiều năm qua, ban lãnh đạo công ty đã đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại, hệ thống kho bãi, dây chuyền chế biến, phân loại, đóng gói… đều theo tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng. Công nhân làm việc tại công ty phải tuân thủ một số quy định, các quy trình làm việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, công ty tiếp tục nghiên cứu những ưu đãi mà EU dành cho DN điều và xác định phải tham gia chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm hiện có để cạnh tranh với các DN lớn tại thị trường EU.

Công ty Hạt điều vàng ở xã Bù Nho, huyện Phú Riềng mới hoạt động gần 1 năm nay với tư duy đưa hạt điều Bình Phước vươn xa thế giới. Ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, công ty đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu về các quy định của EVFTA, các điều kiện về chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm để DN tiếp cận thị trường này tốt hơn.

Một tín hiệu vui ở DN này, đó là trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua, DN liên tục xuất được những lô hàng sang thị trường Úc và Ba Lan. Và khi EU áp thuế bằng 0 cho một số mặt hàng, đặc biệt là một số mã hàng của ngành điều đã tạo nhiều cơ hội cho DN.

Hỗ trợ doanh nghiệp tối đa

Ông Vũ Mạnh Tùng, Giám đốc Công ty Hạt điều Vàng cho biết: EU là thị trường khó tính, DN phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật thì mới vào được thị trường này. Và để đáp ứng yêu cầu, DN cần có sự thay đổi. Theo tôi, sự thay đổi quan trọng, cốt lõi chính là phương thức sản xuất - nó thể hiện sự đảm bảo cho một sản phẩm an toàn.

Công nhân chế biến hạt điều tại Công ty cổ phần Hoàng Sơn 1, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng

EU là thị trường tiềm năng nhưng đầy khó tính bởi các rào cản kỹ thuật. Người tiêu dùng ở thị trường này ngoài yêu thích các sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, họ chỉ tin và sử dụng sản phẩm ở nước đảm bảo về trách nhiệm xã hội. Kinh nghiệm từ Công ty cổ phần Hoàng Sơn 1 cho biết, ngoài áp dụng hệ thống BRC, tức là hệ thống quản lý chất lượng về an toàn thực phẩm của các hiệp hội bán lẻ châu Âu, các DN cũng cần có chứng chỉ về trách nhiệm xã hội. Khi DN có 2 chứng chỉ nêu trên, các tập đoàn bán lẻ ở châu Âu sẵn sàng trả cao hơn từ 10-20 cent/pound so với các DN không có.

Hiện ngoài nhân trắng, chúng tôi cũng đa dạng hóa nhiều sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, mỗi DN điều cần nghiên cứu thị hiếu của các quốc gia đó như thế nào. Chúng ta phải làm cái mà thị trường họ cần, chứ không phải đi làm cái mà chúng ta tự tạo ra.

Ông Tạ Quang Huyên,
Chủ tịch Hội đồng quản trị,
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Sơn 1, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng

Bình Phước có thế mạnh về xuất khẩu hạt điều. Để nâng cao giá trị xuất khẩu cũng như tránh rủi ro, các DN đã bắt đầu đầu tư máy móc, thiết bị để chuyển dần sang chế biến sâu. EVFTA có hiệu lực càng là động lực để DN mạnh dạn đầu tư, gia tăng sức cạnh tranh với các DN, đặc biệt là những DN chế biến tại thị trường EU. Trên cơ sở góp ý của các chuyên gia kinh tế, Bình Phước đã nghiên cứu hình thành các hợp tác xã sản xuất nguyên liệu điều với chỉ dẫn địa lý đã được cấp, khuyến khích các DN đổi mới công nghệ chế biến đảm bảo vệ sinh thực phẩm, tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất và chế biến, tăng cường mặt hàng chế biến sâu. Tất cả vì mục tiêu phát triển ổn định bền vững ngành chế biến hạt điều Bình Phước.

Thanh Nga

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/tan-dung-evfta---doanh-nghiep-dieu-tang-cuong-che-bien-sau-302817