Tận dụng hiệu quả nguồn lực từ Nhật Bản để hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế
Trong những năm qua, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng được củng cố trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục, kinh tế, thương mại và đầu tư. Nguồn lực từ hợp tác với Nhật Bản đã và đang góp phần quan trọng giúp Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước.
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản (1973-2023), phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc trao đổi với Giáo sư Trần Văn Thọ - Giáo sư danh dự của Đại học Waseda và Giáo sư Ryo Ikebe - Giáo sư Đại học Senshu (Nhật Bản) về vai trò của Nhật Bản trong phát triển kinh tế Việt Nam và những khuyến nghị cho Việt Nam trong tận dụng nguồn lực Nhật Bản nhằm phát triển kinh tế trong tương lai.
Phóng viên: Câu hỏi đầu tiên dành cho Giáo sư Trần Văn Thọ. Ông đánh giá thế nào về mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản trong những năm qua?
GS Trần Văn Thọ: Có thể nói, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản thời gian qua phát triển mạnh mẽ, đa dạng trên tất cả các lĩnh vực. Những nguồn lực kinh tế, văn hóa, giáo dục từ Nhật Bản vào Việt Nam qua nhiều kênh, có thể kể đến như viện trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), du học sinh, thực tập sinh.
Thêm nữa, Nhật Bản còn hỗ trợ Việt Nam trong lập chính sách, chiến lược phát triển, phân tích kinh tế và tăng cường chất xám.
Để sự hợp tác với Nhật Bản đạt hiệu quả cao thì Việt Nam phải có nội lực mạnh, tức là cần phải lập ra chiến lược, chính sách có hiệu quả để đào tạo nguồn nhân lực trong nước và phát triển doanh nghiệp. Doanh nghiệp trong nước phải mạnh thì mới kích hoạt được các nội lực để rồi kết hợp với các nguồn lực Nhật Bản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Trong quá trình đó, có nhiều mặt phát huy hiệu quả rất tốt, tuy nhiên cũng có những mặt hiệu quả còn hạn chế.
Chẳng hạn như thực tập sinh, Việt Nam gửi rất nhiều thực tập sinh sang Nhật Bản, hiện nay khoảng 200 nghìn thực tập sinh, trong đó thực tập sinh kỹ năng đặc biệt (trình độ cao hơn, giỏi tiếng Nhật, giỏi chuyên môn) khoảng 26 nghìn.
Với số lượng lớn như vậy, nếu tổ chức tốt hơn thì những tri thức về công nghệ, quản lý qua thực tập sinh cống hiến sẽ góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế Việt Nam.
Về đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản thì rất tích cực, tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam còn yếu, do đó việc kết hợp với các doanh nghiệp Nhật Bản còn hạn chế.
Phóng viên: Năm 2023, Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Ông mong muốn quan hệ giữa 2 quốc gia sẽ đi vào chiều sâu và thực chất như thế nào, và ở lĩnh vực nào, thưa Giáo sư?
GS Trần Văn Thọ: Từ nay đến năm 2045, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước tiên tiến, có thu nhập cao. Trong 20 năm sắp tới, nếu tận dụng được nguồn lực từ Nhật Bản hiệu quả hơn thì sẽ đóng góp vào việc giúp Việt Nam đạt được mục tiêu nói trên.
Đặc biệt, công nghiệp hóa ở Việt Nam hiện nay đã tiến thêm một bước nhưng còn mỏng. Việt Nam vẫn phải nhập khẩu linh kiện, sản phẩm trung gian từ Trung Quốc, Hàn Quốc về lắp ráp thành sản phẩm để xuất khẩu. Các công đoạn trong chuỗi giá trị còn thấp.
Tới đây, để tăng năng suất lao động lên cao hơn thì Việt Nam phải chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên cao hơn, bằng cách phải thay thế sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc bằng những sản phẩm được sản xuất ngay tại Việt Nam. Quá trình này nếu tổ chức tốt thì sẽ thu hút được nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp Nhật Bản, từ đó đóng góp vào tiến trình phát triển kinh doanh.
Về lĩnh vực nông nghiệp, Nhật Bản có thế mạnh về nông nghiệp công nghệ cao, đem lại năng suất rất cao. Trong tương lai, an ninh lương thực trở thành một vấn đề lớn của thế giới. Với lợi thế lớn về tài nguyên thủy sản, nông nghiệp, Việt Nam có thể trở thành nơi cung cấp lương thực cho thế giới, xuất khẩu những mặt hàng lương thực, thực phẩm có chất lượng cao.
Nếu Nhật Bản đầu tư vào kết hợp với các doanh nghiệp Việt Nam để hình thành chuỗi cung ứng lương thực hiệu quả cũng sẽ đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế và tăng cường an ninh lương thực.
Phóng viên: Được biết năm 2022, ông có giới thiệu cuốn sách “Kinh tế Nhật Bản - Giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973”. Theo Giáo sư, Việt Nam cần học hỏi Nhật Bản như thế nào để trở thành quốc gia phát triển? Cơ hội nào cho Việt Nam bứt phá để vươn lên?
GS Trần Văn Thọ: Động cơ để tôi xuất bản cuốn sách là muốn Việt Nam tham khảo những kinh nghiệm rất tốt của Nhật Bản trong giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973. Đây là giai đoạn Nhật Bản phát triển mỗi năm 10%, kéo dài gần 20 năm, nhờ đó trở thành nước tiên tiến, có thu nhập trung bình cao.
Mục tiêu của Nhật Bản hồi đó tương đồng với mục tiêu của Việt Nam hiện nay. Có rất nhiều kinh nghiệm mà Việt Nam có thể tham khảo từ Nhật Bản trong giai đoạn phát triển thần kỳ này.
Ở Việt Nam cũng đề cập đến “Nhà nước kiến tạo phát triển” nhưng nội hàm chưa được triển khai cụ thể, và kinh nghiệm của Nhật Bản có thể hỗ trợ. Nhà nước kiến tạo phát triển tức là Nhà nước tạo cơ chế, nguồn lực để đưa kinh tế phát triển mạnh lên.
Trước hết, phải có bộ máy công quyền mạnh mẽ. Trong tuyển dụng công chức, phải bảo đảm tuyển người có năng lực về chuyên môn, có phẩm chất về văn hóa, chính trị, có tinh thần trách nhiệm cao, đồng thời phải kèm theo cơ chế đãi ngộ xứng đáng để người ta yên tâm công tác. Về điểm này Nhật Bản làm rất tốt.
Thứ hai, quy trình lập chính sách phải làm sao cho hiệu quả. Cần huy động trí tuệ của cả Nhà nước, doanh nghiệp và các thành phần khác trong xã hội vào việc vạch ra đường hướng phát triển cũng các giải pháp cụ thể để thực hiện.
Đồng thời, cần quan tâm “nuôi dưỡng” doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ở Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa có số lượng lớn nhưng còn yếu, cần có chính sách hỗ trợ để những doanh nghiệp này mạnh lên. Khi đó, họ sẽ kết hợp với nguồn lực đầu tư từ Nhật Bản để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đặc biệt, Việt Nam cũng cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tùy theo nhu cầu phát triển, công nghiệp hóa từng giai đoạn thì phải có những nguồn nhân lực chất lượng cao cung cấp để đáp ứng nhu cầu. Nhật Bản có thể hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.
Phóng viên: Thưa Giáo sư Ryo Ikebe, trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, theo ông, Nhật Bản có thể hỗ trợ và hợp tác với Việt Nam như thế nào?
Giáo sư Ryo Ikebe: Về phát triển kinh tế số, trong lĩnh vực hỗ trợ các startup, Việt Nam và Nhật Bản có thể kết hợp với nhau để phát triển bằng hình thức cùng hợp tác thành lập 1 công ty. Hiện nay ở môi trường của Nhật Bản, việc thành lập 1 công ty sau đó thử nghiệm nhiều thứ mới và thất bại là một điều vẫn khó được chấp nhận.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, một đất nước đang có sự thay đổi hằng ngày và rất nhanh, cùng với dân số khá lớn, việc có thể mang kỹ thuật, công nghệ Nhật Bản tới Việt Nam để triển khai, sau đó mang thành quả về Nhật Bản để kết hợp cũng là một cách mà hai bên có thể hợp tác với nhau.
Về kinh tế xanh, những lĩnh vực như điện năng lượng tái tạo rất tốn thời gian để phát triển, thế nên không thể chỉ dựa vào vốn ODA mà còn cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp và khối tư nhân. Vì thế, chúng ta cũng cần phải thiết lập những tầm nhìn trung và dài hạn.
Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) hiện đang hỗ trợ kết nối doanh nghiệp không chỉ trong lĩnh vực số mà còn nhiều lĩnh vực khác nhau. JETRO có nhiệm vụ hỗ trợ kết nối doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản, và đó cũng là kênh mà chính phủ Nhật Bản đang đẩy mạnh để xúc tiến hợp tác giữa 2 quốc gia.
Phóng viên: Thách thức của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài là gì, và Việt Nam cần làm gì để tận dụng tốt hơn nguồn lực này, thưa Giáo sư?
Giáo sư Ryo Ikebe: Về môi trường đầu tư, Việt Nam có nguồn nhân lực rẻ, dồi dào, trọng tâm là các công ty về chế biến và sản xuất.
Hiện nay, các công ty về ngành dịch vụ như các cửa hàng đồ ăn, đồ uống, siêu thị tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, còn các thành phố ở địa phương thì doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển hoạt động kinh doanh.
Tôi mong rằng những công ty dịch vụ sẽ triển khai không chỉ ở các thành phố lớn mà còn hướng về các địa phương nữa.
Đối với một số lĩnh vực như bất động sản, đầu tư thì chính sách cho doanh nghiệp nước ngoài phát triển tại Việt Nam triển khai vẫn còn chậm. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề chung của nhiều quốc gia. Cá nhân tôi nghĩ rằng cần hành động cụ thể nào đấy để đạt được sự cân bằng dành cho các doanh nghiệp nước ngoài khi phát triển tại Việt Nam.
Ngoài ra, dịch vụ đầu tư và dịch vụ y tế cùng ngành sản xuất sẽ là những mũi nhọn quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Tôi hy vọng Việt Nam có thể dùng nguồn lực của các doanh nghiệp nước ngoài để giúp hỗ trợ các doanh nghiệp ở những lĩnh vực này phát triển hơn nữa.