Tận dụng lợi thế, làm giàu từ biển tại Thái Bình: Không để thông tin sai lệch cản trở sự phát triển
Tiến xa ra biển, làm giàu từ biển, không chỉ tạo ra những động lực phát triển cho các địa phương có biển như Thái Bình mà cao hơn còn tăng cường sức mạnh tổng hợp, thế và lực của quốc gia. Song chủ trương đúng đắn này đang bị cản trở vì những thông tin chưa chính xác.
Tiến ra biển - chủ trương đúng đắn của Đảng
Những suy nghĩ táo bạo, đột phá, quyết tâm vươn ra biển, làm giàu từ biển quê hương như một số địa phương trong đó có Thái Bình không phải không có cơ sở. Bởi, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến phát triển kinh tế biển. Ngày 4/10/1956, Bác Hồ đã đến dự hội nghị cải cách miền biển và phát biểu nêu rõ việc cải cách để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân miền biển là rất quan trọng, “công việc này phải dựa vào chính lực lượng của nhân dân”.
Trong khi đó, ngày 2/8/1977, tại Hội nghị về biển lần thứ nhất ở Nha Trang, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề xuất: “Chúng ta cần phải nhanh chóng khắc phục sự lạc hậu trong hiểu biết về biển cả, để góp phần thúc đẩy việc khai thác tốt hơn những nguồn lợi mà biển cả sẽ đem lại cho đất nước ta”. “Tại Hội nghị khoa học về biển lần thứ III diễn ra ngày 8/6/1985, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phân tích những giá trị to lớn của biển Đông về kinh tế, quốc phòng, an ninh và thẳng thắn nhìn nhận chúng ta còn chưa chú trọng phát triển kinh tế biển, thiếu tư duy tiến ra biển. Đại tướng nói: “Là một đất nước có biển, diện tích vùng biển lớn gấp 3 lần diện tích đất liền, nhưng chúng ta còn quay lưng lại với biển”.
Phát triển kinh tế biển cũng được Đảng ta thể hiện rõ Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã xác định đưa “Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương”.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, từng tham gia nhóm cố vấn của Thủ tướng chia sẻ: Có vị Giáo sư người Mỹ đã nói trong hội nghị về Việt Nam: “Về tài nguyên khoáng sản, đất nước các ngài cơ bản không có gì đáng kể. Nhưng các ngài có một thế mạnh không quốc gia nào có được. Đó chính là “mặt tiền” biển Đông – lợi thế số một hoàn toàn giúp Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường! Việt Nam cần có những chính sách đột phá để phát triển kinh tế biển mà trước hết là chuỗi hành lang bờ biển, “mặt tiền” biển Đông.
Đất nước Việt Nam với đường bờ biển dài hơn 3.200km, vùng biển rộng trên một triệu km2 cùng hơn 3.000 hòn đảo và 28/63 tỉnh, thành phố có biển, Việt Nam được các chuyên gia kinh tế thế giới đánh giá có lợi thế số một để “hóa rồng” – “mặt tiền” biển Đông. Trong “mặt tiền biển Đông” ẩn chứa khát vọng của cả dân tộc đó, Thái Bình là tỉnh có “mặt tiền” khá lớn và ngày nay đang hội tụ những điều tốt nhất biến khát vọng thành hiện thực.
Tận dụng thời cơ để biến khát vọng thành hiện thực
Tiến ra biển, làm giàu từ biển đã và đang được cụ thể hóa bằng nhiều nghị quyết của Đảng, tạo động lực cho phát triển của các địa phương.
Đối với Thái Bình thì tiềm năng, lợi thế làm giàu từ biển lại càng được thể hiện rõ. Thái Bình có khoảng 52km bờ biển và 5 cửa sông lớn đổ ra biển tạo ra vùng bãi triều trên 16.000ha, qua đó tạo ra nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế biển. Đây là khu vực có vị trí thuận lợi cho phát triển kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực; kết nối giao thông đường thủy, đường bộ thuận tiện với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ… Ngoài ra, còn có lợi thế về bờ biển dài, bãi triều bồi rộng và cảnh quan thiên nhiên ven biển thuần khiết, đa dạng sinh học, thuận lợi cho nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận cho biết, Quy hoạch tỉnh Thái Bình được xây dựng với mục tiêu phấn đấu cao trên tinh thần quyết tâm và khát vọng vươn lên để sánh ngang với các tỉnh trong khu vực. Lãnh đạo tỉnh Thái Bình cho biết, là địa phương “đất chật, người đông”, quy mô diện tích khá nhỏ (chiếm 0,48% diện tích cả nước), xếp thứ 54/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên về dân số, Thái Bình xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; chiếm 1,9% dân số cả nước và có mật độ dân số gấp 4 lần trung bình cả nước. Vì vậy, mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh Thái Bình thông qua hoạt động “lấn biển” là giải pháp được đơn vị tư vấn đưa ra trong dự thảo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hiện tại tỉnh Thái Bình có khoảng 16.637 ha đất mặt nước ven biển. Với đặc điểm địa hình, địa chất vùng ven biển Thái Bình, phần diện tích này rất thuận lợi để có thể khai thác lấn biển, mở rộng không gian phát triển thực hiện các dự án đô thị, du lịch, thương mại, công nghiệp.
Dự kiến trong thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ khai thác đưa 2.550 ha đất mặt nước ven biển vào sử dụng cho mục đích xây dựng các dự án trong khu kinh tế biển Thái Bình: Khu công nghiệp Thái Thượng, Khu công nghiệp Hoàng Long; Khu du lịch Cồn Đen, Khu du lịch sinh thái Cồn Vành - Cồn Thủ... Đặc biệt, Khu kinh tế ven biển Thái Bình trở thành một trung tâm công nghiệp của vùng với hệ thống khu, cụm công nghiệp được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh và thu hút được một số nhà đầu tư công nghiệp lớn của thế giới. Quy hoạch cũng lưu ý vấn đề môi trường, khi đề ra chỉ tiêu các khu công nghiệp, đô thị phát triển theo hướng sinh thái, xanh, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Không để thông tin sai lệch cản trở sự phát triển
Thái Bình hiện nay, thông tin không chính xác về các khu bảo tồn thiên nhiên và những cách hiểu sai về việc “xóa sổ” rừng ngập mặn càng khiến cho dư luận quan tâm. Theo giải thích của cơ quan chức năng ở địa phương, Thái Bình sau khi quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình được Chính phủ phê duyệt năm 2019 bằng Quyết định 1486 do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký thay Thủ tướng, các Sở, ngành Thái Bình đã phải rà soát, điều chỉnh các quy hoạch liên quan.
Một trong những kết quả rà soát là Quyết định 731/2023, xác định rõ vị trí, quy mô ranh giới cho khu rừng đặc dụng Tiền Hải, với quy mô 1.320ha, chứ không phải là 12.500 ha mà Quyết định 2159 năm 2014 có phần chưa đúng do kế thừa từ Quyết định 666 năm 1995 của Bộ Lâm nghiệp. Nếu hiểu sai, vận dụng cứng nhắc các thông tin cũ thì có lẽ toàn bộ mặt biển kéo dài từ huyện Thái Thụy sang Tiền Hải đều là khu bảo tồn thiên nhiên, đều là rừng phòng hộ, hoàn toàn không đúng với thực tế.
Trên thực tế các địa phương có phát triển bứt phá nhờ hướng ra biển thời gian qua, hầu như địa phương nào cũng vấp phải những thông tin trái chiều về câu chuyện bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học. Đơn cử như ở Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2017, dự án phát triển khu đô thị 2.870ha ra hướng biển được đề xuất song 3-4 năm trước đây vẫn từng rộ lên chuyện phát triển kinh tế biển ở huyện Cần Giờ có nguy cơ dẫn đến những hệ lụy khôn lường cho vùng đất được mệnh danh “lá phổi xanh” của Thành phố Hồ Chí Minh nơi đang sở hữu “kho báu” là Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ và nhiều giá trị di sản độc đáo... Tuy nhiên, hiện Thành phố Hồ Chí Minh đã thống nhất chủ trương lấn biến, hướng ra biển và Đô thị lấn biển Cần Giờ sẽ khởi công vào năm 2025.
Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm không đánh đổi môi trường lấy phát triển; bảo vệ môi trường phải theo phương châm ứng xử hài hòa với thiên nhiên, theo quy luật tự nhiên, phòng ngừa là chính; kết hợp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững.
Song cũng phải luôn có quan điểm và tầm nhìn phát triển, không nên cực đoan, cứng nhắc đến mức cái gì cũng phải bảo vệ, bảo tồn, bất chấp quy hoạch, kế hoạch và các quy chuẩn quốc gia, quốc tế, chỉ chạy theo dư luận thiếu căn cứ. Có một thực tế mà chúng ta phải thừa nhận, không ít địa phương ở cả Việt Nam và trên thế giới từng đánh mất, bỏ lỡ cơ hội vàng phát triển chỉ vì những thông tin sai lệch.
Nếu không có tầm nhìn phát triển, không vượt lên và giải quyết thấu đáo những ý kiến, kiến nghị, phản ánh về các vấn đề liên quan đến môi trường một cách hợp lý, khách quan thì tỉnh Hà Tĩnh hẳn không để có sự lột xác bằng công nghiệp thép và có bốn ngành trọng điểm: Công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logistics; du lịch như ngày hôm nay. Tỉnh Thanh Hóa cũng không thể có các khu đô thị du lịch sinh thái đẹp đẽ thay da đổi thịt như ở Sầm Sơn, Quảng Ninh cũng không thể có nền kinh tế chuyển từ nâu sang xanh và phát triển mạnh mẽ các khu đô thị du lịch sinh thái ven biển Hạ Long, Vân Đồn…
Thái Bình là địa phương có truyền thống lấn biển, hướng ra biển hàng trăm năm nay. Nhưng không thể hướng ra biển với đôi chân trần hay những dụng cụ thô sơ như trước. PGS, TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phân tích: “Chúng ta cần tránh cách thức khai thác biển theo lối nhỏ lẻ, không dám vươn ra biển khơi, không mang tư tưởng tìm kiếm và chinh phục đại dương. Hướng ra biển, phát triển kinh tế biển một cách chiến lược phải trở thành một nhu cầu bức bách, đồng thời là một cơ hội lớn cho sự trỗi dậy mang tính bùng nổ của Việt Nam”. Trong những khuyến nghị đưa ra, PGS, TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh: Cả hệ thống kinh tế “mặt tiền” - đô thị biển và du lịch biển (bờ, biển, đảo) cũng phải phát triển mạnh”.
Thái Bình đang hiện thực hóa chinh phục biển bằng những quyết định mang tính đột phá dựa trên sự đồng thuận, thống nhất cao từ chủ trương đến hành động trong cấp ủy, chính quyền. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận khi trao đổi về bản “quy hoạch” cho tương lai tại khu vực ven biển huyện Tiền Hải thể hiện quan điểm: “Không tiến ra biển, chẳng lẽ Thái Bình cứ mãi thế này!”.
Gần 10 năm trước, khi Thái Bình lấn biển, sử dụng hơn 300 ha ven biển làm các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ven biển Thái Thụy từng có những lo ngại tương tự như hiện nay. Thực tiễn đã chứng minh đó là lựa chọn đúng, đơn cử như khu công nghiệp Liên Hà Thái đã trở đầu tàu về thu hút vốn FDI của tỉnh và trở thành khu công nghiệp xanh về cảnh quan và sạch về công nghệ.
Tương lai làm giàu từ biển, vươn xa ra biển đã được Thái Bình định hình bằng những quy hoạch chi tiết, định hình cho tương lai. Khi chiến lược này được thực thi sẽ mở ra những con đường mới, tạo ra tiềm năng, thế mạnh, khẳng định được vị thế không chỉ của Thái Bình mà cao hơn còn góp phần đưa Việt Nam mạnh từ biển, giàu lên từ biển. Song trên “hành trình tư duy mở lối” của Thái Bình cũng không tránh khỏi những thông tin đa chiều trong đó có cả những thông tin sai lệch. Chủ trương nhất quán là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế nhưng cũng không vì những cách hiểu, những thông tin chưa đầy đủ mà không làm gì để bỏ lỡ cơ hội phát triển.