Tận dụng lợi thế, quyết tâm tăng trưởng hai con số

Các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số trong năm 2025, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên của cả nước. Ngay từ những ngày đầu năm, các tỉnh đã vào cuộc với quyết tâm cao, bám sát thực tiễn, phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, nhằm tập trung phát huy lợi thế của từng địa phương.

Công nhân Công ty TNHH Moopo Việt Nam, Khu công nghiệp Đồng Văn. (Ảnh ĐÀO PHƯƠNG)

Công nhân Công ty TNHH Moopo Việt Nam, Khu công nghiệp Đồng Văn. (Ảnh ĐÀO PHƯƠNG)

Kết quả khả quan từ những tháng đầu năm

Năm 2025, tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 12%, cao hơn 3,44% so với năm 2024; GRDP bình quân đầu người dự kiến đạt 105 triệu đồng/người. Đây là những chỉ tiêu đầy "tham vọng", thể hiện sự quyết tâm của Ninh Bình trong việc bứt phá phát triển kinh tế.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho biết: Tỉnh đã chủ động xây dựng các kịch bản tăng trưởng theo từng quý. Ngay sau Tết Nguyên đán, tỉnh tổ chức ba đoàn kiểm tra động viên sản xuất đầu xuân tại các địa phương. Đồng thời, thành lập bốn tổ công tác, do các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh làm tổ trưởng để rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các ngành, địa phương, doanh nghiệp. Kết quả, hai tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt 16.267 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2024. Hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra sôi động, nhất là các ngành du lịch, dịch vụ lưu trú. Số lượt khách du lịch ước đạt 3,2 triệu lượt (tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2024), doanh thu du lịch ước đạt hơn 3.113 tỷ đồng, tăng 31,4%.

Tại tỉnh Nam Định, đồng chí Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Tỉnh ủy Nam Định đã ban hành Chương trình hành động, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch đề ra mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt từ 10,5% trở lên. Tỉnh xác định phải bứt phá mạnh mẽ, tăng tốc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Các chỉ số kinh tế hai tháng đầu năm đạt kết quả tích cực: Sản xuất công nghiệp tăng 17,69%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 14.608 tỷ đồng, tăng 14,7%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 692,7 triệu USD, tăng 26,3%... Đáng chú ý, công tác xúc tiến và thu hút đầu tư ghi nhận 20 dự án được cấp mới và điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn đăng ký đạt 8.311 tỷ đồng và 36,1 triệu USD (mức tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2024).

Tỉnh Hà Nam đề ra 16 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu, trong đó GRDP tăng 10,45%; GRDP bình quân đầu người đạt 122,6 triệu đồng/người. Tỉnh phấn đấu thu ngân sách nhà nước đến cuối năm 2025 ước đạt 25.865 tỷ đồng; vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn đạt 48.000 tỷ đồng, tăng 5,3% so với năm 2024 và chiếm 43,4% GRDP... Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy cho biết: Tỉnh đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025. Kết quả, hai tháng đầu năm 2025, Chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) ước tính tăng 14% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,5% và có 17/26 ngành công nghiệp cấp II có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ năm 2024.

Tại tỉnh Thái Bình, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Khắc Thận chia sẻ: Địa phương đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 10,5% trở lên trong năm 2025. Ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành Chỉ thị về việc tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số và hoàn thành ở mức tốt nhất các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020-2025; yêu cầu các huyện, thành phố điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế; rà soát mức độ hoàn thành các chỉ tiêu, xác định những chỉ tiêu còn dư địa, xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án, nhiệm vụ tổ chức thực hiện phù hợp, phấn đấu với quyết tâm chính trị cao nhất, nỗ lực lớn nhất. Theo số liệu thống kê, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) của tỉnh Thái Bình trong hai tháng đầu năm tăng 14,18% so với cùng kỳ năm 2024; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 17.979 tỷ đồng, tăng 16,92% so với cùng kỳ. Tỉnh đã chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 33 dự án với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm 2.979,1 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư nước ngoài đạt 103,37 triệu USD.

Tự tin, kiên định, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng

Các địa phương, cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp đang tích cực vào cuộc với tinh thần "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm". Các tỉnh thực hiện quyết liệt, có hiệu quả chủ trương tinh giản, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức theo hướng "tinh-gọn-mạnh-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả"; khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị sau khi sắp xếp, tinh gọn. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường và trách nhiệm giải trình của các cấp, nhất là người đứng đầu; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Bên cạnh đó, các địa phương cũng tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc, mục tiêu tăng trưởng 12% là kết quả của cả một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng của tỉnh. Ninh Bình có tiềm năng, lợi thế và nguồn lực để bứt phá tăng trưởng. Nền tảng để đạt được mục tiêu này chính là các sản phẩm công nghiệp đa giá trị, phát triển bền vững. Điều quan trọng là phải triển khai hiệu quả các chính sách, giải pháp, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Tỉnh yêu cầu các cấp, ngành bám sát kịch bản tăng trưởng, giải quyết đúng và kịp thời các vấn đề phát sinh, nhất là trong giải ngân vốn đầu tư công, phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tỉnh tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất chủ lực như: Lắp ráp ô-tô, sản xuất linh kiện phụ trợ cho ngành công nghiệp ô-tô, camera module, linh kiện điện tử, xi-măng-clanker... Bên cạnh đó là đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, sớm đưa vào khai thác để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tỉnh cũng chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ thế mạnh, nhất là dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch; đa dạng hóa các sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của du khách, tạo động lực mới thu hút mạnh mẽ khách du lịch quốc tế và trong nước.

Xác định đầu tư công là đòn bẩy quan trọng để kích thích nền kinh tế, tỉnh Nam Định đặt mục tiêu giải ngân hơn 12.141 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm 2025.

Năm 2024, GRDP của tỉnh Hà Nam tăng 10,93% so với năm 2023, đứng thứ hai khu vực Đồng bằng sông Hồng, đây là nền tảng, động lực quan trọng để Hà Nam tăng tốc, bứt phá trong năm 2025. Tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để bàn giao các nhà đầu tư thực hiện dự án. Tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân các dự án giao thông liên kết vùng, dự án được bố trí vốn lớn. Đối với lĩnh vực phát triển công nghiệp, tỉnh cũng tập trung phát triển Khu công nghệ cao Hà Nam tạo động lực tăng trưởng mới.

Để thực hiện kịch bản tăng trưởng 10,5% trở lên, tỉnh Thái Bình khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp, các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Địa phương sẽ phân bổ nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội và thúc đẩy hợp tác công tư; tạo điều kiện tối đa để các dự án thực hiện đúng tiến độ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng kiên quyết cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn của các dự án chậm tiến độ để bổ sung vốn cho dự án có tiến độ giải ngân tốt.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Khắc Thận nêu rõ: Để tăng tốc bứt phá trong năm 2025 và những năm tiếp theo, phải có sự thay đổi và chuyển động mạnh mẽ; phải thống nhất về mục tiêu, thay đổi tư duy hành động, đổi mới phương pháp, cách làm, phát huy được lợi thế. Đồng chí nhấn mạnh, phải khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, an phận, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc hoặc tham mưu cầm chừng; tình trạng bảo thủ, trì trệ, áp dụng pháp luật một cách máy móc, cứng nhắc trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.

NHÓM PHÓNG VIÊN THƯỜNG TRÚ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tan-dung-loi-the-quyet-tam-tang-truong-hai-con-so-post866119.html