Tận dụng sức bật của cách mạng công nghiệp, GDP Việt Nam có thể tăng trưởng 14% trong 10 năm tới

Trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam, Đại diện Tập đoàn Công nghệ CMC và Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) khẳng định tầm quan trọng của chuyển đổi công nghiệp trong thời đại hiện nay.

Vừa kinh doanh, vừa phụng sự

Ông Phạm Phú Trường, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) khẳng định sẽ giúp Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 hoạt động đúng định hướng. (Ảnh: Nguyễn Bình)

Ông Phạm Phú Trường, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) khẳng định sẽ giúp Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 hoạt động đúng định hướng. (Ảnh: Nguyễn Bình)

Chia sẻ bên lề Đối thoại Hữu nghị TP. HCM 2024 ngày 24/9, ông Phạm Phú Trường, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) nhận định, gần đây, Chính phủ và TP. HCM tích cực đưa ra những định hướng giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghiệp, trong đó có chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Đây là giai đoạn rất quan trọng và mang tính chiến lược với TP. HCM trong vai trò dẫn đầu và giúp Việt Nam có vị thế hơn trong nền kinh tế thế giới, đồng thời tăng cường sức cạnh tranh trong thị trường toàn cầu.

Khi tham gia Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR), các doanh nghiệp nêu cao tinh thần vừa kinh doanh, vừa phụng sự, đóng góp vào quá trình phát triển chung của đất nước và TP. HCM. Với tư cách là công ty tư vấn chiến lược, GIBC tập trung hỗ trợ doanh nghiệp hiểu được chuyển đổi công nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; nhận thức được công nghệ nào cần thiết, mang lại hiệu quả kinh doanh và lợi thế cạnh tranh trên thị trường; hỗ trợ giải pháp chuyển đổi để tạo ra giá trị hiệu quả cho sản phẩm, tăng năng suất và có lợi nhuận trong tương lai càng sớm càng tốt.

"Chúng tôi sẽ dùng nguồn nhân lực của mình để hỗ trợ vận hành, giúp C4IR hoạt động đúng định hướng, đúng như mong đợi của các bên liên quan", ông Phạm Phú Trường nói.

Đề xuất chính sách giúp doanh nghiệp chuyển đổi công nghiệp và chuyển đổi xanh, đại diện GIBC cho rằng, chuyển đổi số là nền tảng quan trọng để chuyển đổi công nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Do vậy, những chính sách liên quan đến tài chính, bảo vệ quyền lợi người lao động và giúp họ tham gia tích cực vào việc nâng cao năng lực trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là rất quan trọng.

Thành phố trí tuệ nhân tạo

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghệ CMC nhấn mạnh, doanh nghiệp có thể cải thiện đến 40% năng suất sản xuất nếu tham gia tích cực vào Cách mạng công nghiệp 4.0 (Ảnh: Nguyễn Bình)

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghệ CMC nhấn mạnh, doanh nghiệp có thể cải thiện đến 40% năng suất sản xuất nếu tham gia tích cực vào Cách mạng công nghiệp 4.0 (Ảnh: Nguyễn Bình)

Chia sẻ bên lề Diễn đàn Kinh tế TP. HCM ngày 25/9, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghệ CMC cho hay, cách mạng công nghiệp 4.0 có trọng tâm là các công nghệ mới và doanh nghiệp có nhiều lợi ích khi tham gia vào cuộc cách mạng này. Đầu tiên là lợi ích về mặt thay đổi cách thức tổ chức sản xuất và kinh doanh, dẫn tới cải thiện năng suất lao động, tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ mới.

Với định hướng của Diễn đàn Kinh tế TP. HCM 2024, nếu các doanh nghiệp tham gia tích cực, chủ động vào cuộc cách mạng, họ có thể cải thiện đến 40% năng suất sản xuất, tạo ra giá trị kinh tế hàng ngàn tỷ USD. "Nếu Việt Nam biết cách tận dụng lợi thế của trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn, blockchain, chúng ta có thể gặt hái nhiều lợi ích. GDP có thể tăng trưởng lên tới 14% trong vòng 10 năm tới, tạo ra giá trị 100-200 tỷ USD GDP vào năm 2030", ông Nguyễn Trung Chính nhấn mạnh.

Cách mạng công nghiệp 4.0 có thách thức lớn là nguồn nhân lực và điều chỉnh thể chế chính sách sao cho phù hợp với sự thay đổi mô hình sản xuất. Việt Nam cần lưu tâm tới chính sách đào tạo nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho công nghệ mới tự do phát triển, cũng như ban hành các chính sách liên quan vấn đề an ninh bảo mật, dữ liệu mở.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghệ CMC, TP. HCM cần tận dụng nhiệm vụ trọng tâm của cuộc cách mạng công nghiệp làm mục tiêu chiến lược. Thành phố cần xây dựng chiến lược cách mạng công nghiệp trên cơ sở các công nghệ chủ chốt như AI, bán dẫn, blockchain, AOT, chuyển đổi từ thành phố thông minh (smart city) sang thành phố trí tuệ nhân tạo (AI city), bao gồm việc ứng dụng AI vào mọi mặt đời sống xã hội, đưa TP. HCM thành trung tâm cung cấp dịch vụ về AI cho khu vực và toàn cầu. Đây là những điểm đột phá và động lực cho kinh tế thành phố phát triển.

Khánh An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tan-dung-suc-bat-cu-a-cach-mang-cong-nghiep-gdp-viet-nam-co-the-tang-truo-ng-14-trong-10-nam-toi-288333.html