'Tận dụng thời cơ', ông Biden tung video về kỳ thị sắc tộc, làn sóng biểu tình ở Mỹ lan rộng châu Âu bất chấp Covid-19
Ngày 3/6, Ban vận động tranh cử của ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, đã ra mắt đoạn quảng cáo trong đó có bài phát biểu của ông về tình trạng bất ổn dân sự cũng như các cuộc biểu tình lan rộng sau cái chết của công dân gốc Phi George Floyd.
Làn sóng biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc dâng cao ở Mỹ đã lan rộng sang nhiều nước châu Âu. (Nguồn: AFP)
Trong đoạn quảng cáo dài 1 phút với tựa đề “Xây dựng tương lai”, ông Biden nhấn mạnh, Mỹ đang cần một sự lãnh đạo có thể mang lại đoàn kết, đồng thời khẳng định ông sẽ tìm cách chữa lành vết thương về phân biệt chủng tộc tồn tại lâu nay trong xã hội Mỹ và không sử dụng điều này cho mục đích chính trị.
Ngoài phần phát biểu của ông Biden, đoạn quảng cáo có nhiều ảnh về các cuộc biểu tình đang diễn ra trên khắp nước Mỹ, cũng như cuộc biểu tình phản đối chủ nghĩa thượng đẳng da trắng ở Charlottesville hồi tháng 8/2017.
Theo một quan chức trong Ban vận động tranh cử của ông Biden, đoạn quảng cáo trên sẽ được đưa lên các nền tảng Facebook, Instagram và YouTube ở các bang “chiến địa” như Arizona, Florida, Michigan, North Carolina, Pennsylvania và Wisconsin.
Nhóm sản xuất hy vọng đoạn quảng cáo sẽ thu hút được nhiều nhóm cử tri khác nhau, nhất là các cử tri trẻ. Bên cạnh phiên bản tiếng Anh, nhóm sản xuất cũng sẽ cho ra một phiên bản có chú thích bằng tiếng Tây Ban Nha.
Đây là đoạn quảng cáo kỹ thuật số thứ tư trong chiến dịch tranh cử của ông Biden được phát động tại các bang dao động. Tuy nhiên, đây là quảng cáo đầu tiên không liên quan tới dịch Covid-19.
Trước đó, ông Biden từng nhiều lần chỉ trích Tổng thống Trump về những phát ngôn liên quan đến chủng tộc, nhấn mạnh đó là một trong những lý do quan trọng khiến ông tham gia chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2020.
Liên quan đến các cuộc biểu tình về nạn phân biệt chủng tộc sau cái chết của George Floyd, làn sóng tuần hành phản đối đã tiếp tục lan rộng tại nhiều nước châu Âu trong ngày 3/6.
Khoảng 1.000 người, bất chấp quy định giãn cách xã hội trong thời kỳ dịch Covid-19, đã đổ xuống đường phố ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển tuần hành biểu thị sự đoàn kết với người da màu. Cảnh sát sau đó buộc phải giải tán đám đông vào buổi tối khi quy mô cuộc tuần hành chỉ được cấp phép 50 người trong 2 giờ tại quảng trường ở trung tâm thủ đô.
Ngày 3/6, các cuộc tuần hành phản đối nạn phân biệt chủng tộc ở Hà Lan đã lan sang thành phố Rotterdam sau khi diễn ra tại thành phố Amsterdam và thủ đô The Hague. Hàng nghìn người tập trung quanh cầu Erasmus. Tuy nhiên, Thị trường thành phố sau đó đã buộc phải chấm dứt các cuộc tuần hành khi người tham gia không đảm bảo giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19.
Cái chết của người đàn ông gốc Phi George Floyd tại sở cảnh sát bang Minnesota đã làm dấy lên làn sóng biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc trên toàn nước Mỹ trong những ngày qua. Hiện hàng chục thành phố của Mỹ đã áp đặt lệnh giới nghiêm ở mức độ chưa từng thấy kể từ sau các cuộc bạo động bùng phát sau vụ ám sát nhà hoạt động Martin Luther King Jr. năm 1968.
Làn sóng biểu tình ủng hộ phong trào chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ cũng đã lan rộng ra các nước khác. Từ ngày 31/5, một số cuộc biểu tình đã diễn ra tại Canada, Anh, Đức và New Zeland bất chấp các biện pháp giãn cách xã hội thời kỳ dịch bệnh.