Tận dụng thứ bỏ đi ở lò mổ, 9X chế thành 'tiền tươi, thóc thật'

Tận dụng lông gà, phế phẩm bỏ đi ở các lò mổ, anh Nguyễn Hà Thiên sản xuất phân hữu cơ sinh học tốt cho cây trồng, đồng thời góp phần giảm ô nhiễm môi trường.

Gần 2 năm trời mày mò, thử nghiệm

Chia sẻ về hành trình biến lông gà thành phân hữu cơ của mình, anh Nguyễn Hà Thiên (31 tuổi, ở xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) chỉ tóm gọn trong hai chữ "gian truân".

Từ lông gà bỏ đi ở các lò mổ, anh Nguyễn Hà Thiên đã "hô biến" thành phân hữu cơ (Ảnh: Ngô Linh).

Từ lông gà bỏ đi ở các lò mổ, anh Nguyễn Hà Thiên đã "hô biến" thành phân hữu cơ (Ảnh: Ngô Linh).

Gần 2 năm trời, anh lặn lội từ bắc vào nam để tìm ra phương pháp khắc phục nhược điểm của lông gà, phát huy tối đa dưỡng chất, tạo nên một sản phẩm đạt chất lượng để nhà nông tin dùng.

Năm 2021, anh Thiên được một thương lái ở Cần Thơ yêu cầu thu mua lông gà để xuất khẩu sang Trung Quốc. Công việc thuận lợi được một thời gian ngắn thì đối tác bắt đầu ép giá. Ôm hàng trong kho, không thể bán được vì lỗ, anh tìm đến các nhà vườn trồng quất ở TP Hội An nhờ tiêu thụ làm phân bón.

Theo anh Thiên, khi được tiếp xúc với các nhà vườn, anh mới biết được dù lông gà có thể làm phân bón, cung cấp nhiều đạm nhưng cũng có nhiều khuyết điểm như có vi khuẩn, mọt gà, mùi hôi và có tính nóng không tốt cho cây.

Bên cạnh đó, lông gà cũng rất khó phân hủy tự nhiên do chất keratin từ lông gà vốn là protein có cấu trúc dạng sợi, độ bền cơ học cao. Do đó, nếu chỉ chôn xuống đất mà không có phương pháp xử lý hợp lý thì lâu dần sẽ tạo ra môi trường vi khuẩn độc hại và bốc mùi, gây ô nhiễm môi trường.

Lông gà trải qua nhiều quy trình để loại bỏ nhược điểm, phát huy tối đa dưỡng chất (Ảnh: Ngô Linh).

Lông gà trải qua nhiều quy trình để loại bỏ nhược điểm, phát huy tối đa dưỡng chất (Ảnh: Ngô Linh).

"Trong thời gian thu mua lông gà, tôi nhận thấy riêng khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng đã có hàng chục lò mổ, lượng lông gà thải ra rất lớn. Nếu có thể biến chúng thành phân bón có lợi cho cây trồng, giảm ô nhiễm môi trường thì thật tốt", anh Thiên chia sẻ.

Ban đầu, anh Thiên thử sấy khô lông gà rồi nghiền thành bột nhưng thất bại. Lông gà khi sấy ở nhiệt độ cao sẽ sinh ra khí biogas mà vẫn còn độ ẩm.

Không bỏ cuộc, anh thử áp dụng phương pháp ủ lông gà với tro, trấu men vi sinh và cám gạo. Lần này, anh thành công khử được các vi khuẩn có hại và tạo ra nhiều vi sinh có lợi cho rễ cây và đất.

Nhà nông tin dùng

Hiện tại, xưởng sản xuất của anh Nguyễn Hà Thiên nằm ở xã Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam). Anh đầu tư máy móc theo quy trình khép kín, xử lý từ nguyên liệu thô đến thành phẩm, với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng.

Mỗi ngày, từ khoảng 30 lò mổ tại TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, anh Thiên thu mua trung bình 1,7 tấn lông gà. Với 1,5 tấn lông gà ướt, có thể cho ra 400-500kg phân thành phẩm.

Hiện nay, cơ sở của anh Thiên có quy mô sản xuất khoảng 30-50 tấn phân hữu cơ dạng viên nén/tháng (Ảnh: Ngô Linh).

Hiện nay, cơ sở của anh Thiên có quy mô sản xuất khoảng 30-50 tấn phân hữu cơ dạng viên nén/tháng (Ảnh: Ngô Linh).

Với quy mô mỗi tháng sản xuất 30-50 tấn phân hữu cơ từ lông gà dạng viên nén, giá bán 12.000 đồng/kg, doanh thu mỗi tháng khoảng 200 triệu đồng. Sản phẩm của Nguyễn Hà Thiên hiện cung cấp thường xuyên cho các trang trại quất, mai và rau sạch trên địa bàn các tỉnh miền Trung.

Theo anh Thiên, thành phần trong phân hữu cơ sinh học từ lông gà gồm 63% lông gà, tro trấu, mùn cưa, 1-3% men vi sinh, cám gạo…

Mô hình khởi nghiệp sản xuất phân hữu cơ từ lông gà của anh Nguyễn Hà Thiên (31 tuổi) được các cấp đánh giá cao (Ảnh: Ngô Linh).

Mô hình khởi nghiệp sản xuất phân hữu cơ từ lông gà của anh Nguyễn Hà Thiên (31 tuổi) được các cấp đánh giá cao (Ảnh: Ngô Linh).

Phân hữu cơ từ lông gà của cơ sở Thịnh Vượng có tác dụng cải thiện, tái tạo đất lão hóa, dưỡng rễ, phát triển đọt lá; tăng sức đề kháng cho cây trồng, phòng sâu bệnh, nấm… Thành phần chất hữu cơ tự nhiên trong phân lên đến hơn 70%. Đặc biệt, khi bón phân hữu cơ này xuống đất khoảng 15-20 ngày sẽ sinh ra giun đỏ, một loại giun có tác dụng làm tơi đất.

"Tôi tin tưởng đây là sản phẩm rất có tiềm năng. Thời gian tới, tôi sẽ cải thiện thêm quy trình sấy cách nhiệt để đảm bảo cung ứng ra thị trường khối lượng nhiều hơn nữa, bởi hiện nay, phân hữu cơ từ lông gà rất được nhà nông ưa chuộng", anh Thiên cho hay.

Anh Thiên đầu tư hệ thống lọc không khí bằng than hoạt tính hiện đại, bài bản, tránh ô nhiễm môi trường (Ảnh: Ngô Linh).

Anh Thiên đầu tư hệ thống lọc không khí bằng than hoạt tính hiện đại, bài bản, tránh ô nhiễm môi trường (Ảnh: Ngô Linh).

Theo Ngô Linh/Dân trí

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/tan-dung-thu-bo-di-o-lo-mo-9x-che-thanh-tien-tuoi-thoc-that-1921552.html