Tận dụng tốt cơ hội quảng bá đặc sản

Với 2 mặt giáp biển và hệ thống sông ngòi chằng chịt, huyện Năm Căn có nhiều tiềm năng về khai thác, nuôi và chế biến thủy sản. Từ đây, tạo ra nhiều sản phẩm tiềm năng, sản phẩm OCOP có giá trị, trong đó có đặc sản bánh phồng tôm. Theo kế hoạch chuỗi sự kiện 'Cà Mau - Ðiểm đến năm 2024' có tổ chức sự kiện 'Ngày hội Bánh phồng tôm gắn với văn hóa ẩm thực Năm Căn', đây là cơ hội lan tỏa đặc sản địa phương đến với người tiêu dùng gần xa. Phóng viên Báo Cà Mau phỏng vấn ông Võ Văn Hành, Phó chủ tịch UBND huyện Năm Căn, về công tác chuẩn bị cho sự kiện này.

Cà Mau từng tổ chức thành công sự kiện ngày hội cua gắn với nhiều hoạt động liên quan đến sản vật này, góp phần lan tỏa, quảng bá đặc sản quê hương.

Cà Mau từng tổ chức thành công sự kiện ngày hội cua gắn với nhiều hoạt động liên quan đến sản vật này, góp phần lan tỏa, quảng bá đặc sản quê hương.

- Ông có thể cho biết ý nghĩa của sự kiện "Ngày hội Bánh phồng tôm gắn với văn hóa ẩm thực Năm Căn” đối với địa phương? Thời gian qua, chính quyền địa phương và người dân đã có các biện pháp gì để góp phần quảng bá thương hiệu, đặc sản bánh phồng tôm?

Ông Võ Văn Hành: Ðây là sự kiện có nhiều ý nghĩa, là cơ hội để huyện tiếp tục quảng bá, giới thiệu tiềm năng thế mạnh, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, thương mại đến với du khách trong và ngoài tỉnh. Ðồng thời, tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối, mở rộng liên kết hợp tác phát triển thương mại, du lịch, thu hút đầu tư phát triển thương hiệu sản phẩm bánh phồng tôm.

Xác định được tầm quan trọng nói trên, ngay khi UBND tỉnh ban hành Chương trình sự kiện "Cà Mau - Ðiểm đến 2024", UBND huyện đã xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức "Ngày hội Bánh phồng tôm gắn với văn hóa ẩm thực Năm Căn", theo đó xác định cụ thể quy mô, nội dung ngày hội; phân công nhiệm vụ cụ thể từng cơ quan, đơn vị, nhằm chuẩn bị đầy đủ, đảm bảo các điều kiện cần thiết để tổ chức sự kiện.

Hiện huyện đang chỉ đạo các phòng chuyên môn có liên quan rà soát, vận động hộ gia đình chế biến bánh phồng tôm thực hiện tốt các yếu tố về môi trường sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện sản xuất bánh phồng theo quy trình nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Ðồng thời, rà soát, đối chiếu các quy định để đề nghị công nhận làng nghề bánh phồng tôm tại xã Hàng Vịnh khi đảm bảo điều kiện.

Xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn hiện có khoảng 30 hộ sản xuất, kinh doanh đặc sản bánh phồng tôm.

Xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn hiện có khoảng 30 hộ sản xuất, kinh doanh đặc sản bánh phồng tôm.

- Theo kế hoạch của tỉnh, sự kiện “Ngày hội Bánh phồng tôm gắn với văn hóa ẩm thực Năm Căn” dự kiến tổ chức vào tháng 9/2024, tuy nhiên, do nguyên nhân khách quan, huyện Năm Căn xin dời sang năm 2025. Xin ông chia sẻ thêm về điều này?

Ông Võ Văn Hành: Việc tổ chức sự kiện “Ngày hội Bánh phồng tôm gắn với văn hóa ẩm thực Năm Căn” không thể thực hiện theo dự kiến, do gặp một số khó khăn sau: Hiện nay, Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ trung tâm huyện đến xã Hàng Vịnh đang trong quá trình thi công, 6 cầu trên tuyến đang nâng cấp và mở rộng (hạn chế tải trọng, tạm thời cấm phương tiện ô tô lưu thông) nên việc đi lại và tiếp cận quy trình sản xuất bánh phồng tôm của khách tham quan gặp khó khăn (các chủ thể sản xuất tập trung chủ yếu ở địa bàn xã Hàng Vịnh); công tác chỉnh trang, cải tạo tuyến đường chưa đủ điều kiện.

Thời điểm đó, địa điểm tổ chức sự kiện dự kiến tại khu Tượng đài khởi nghĩa Hòn Khoai, tuy nhiên hiện trạng khu tượng đài đang chuẩn bị nâng cấp, sửa chữa, cảnh quan bị ảnh hưởng; bức phù điêu hiện nay xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng (huyện đã cho rào, chắn xung quanh), nếu tổ chức sẽ không đảm bảo an toàn cho Nhân dân và du khách. Việc khắc phục, sửa chữa cần có thời gian và nguồn vốn đầu tư.

Thêm nữa, trụ sở UBND huyện và hội trường đang triển khai phá dỡ để sửa chữa, xây dựng mới, khi khách đến tham quan không có nơi đảm bảo để làm việc và vẻ mỹ quan khu hành chính tạo ấn tượng không tốt khi du khách ghé thăm.

Từ những khó khăn trên, nếu tổ chức sự kiện sẽ không đạt mục đích, yêu cầu đề ra và việc quảng bá hình ảnh của huyện không hiệu quả. Do đó, UBND huyện đã đề xuất Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh cho huyện Năm Căn không tổ chức sự kiện trên trong năm 2024, đến khi đảm bảo đủ điều kiện tổ chức huyện sẽ báo cáo xin ý kiến sau.

- Xin ông cho biết thêm về hành trình khẳng định thương hiệu bánh phồng Năm Căn? Kế hoạch, mục tiêu, giải pháp sắp tới để đặc sản này và các sản phẩm tiềm năng của địa phương vươn ra thị trường quốc tế?

Ông Võ Văn Hành: Hiện nay, trên địa bàn huyện Năm Căn có 2 sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu gồm: nhãn hiệu tập thể “Cua Năm Căn - Cà Mau” và nhãn hiệu chứng nhận “Bánh phồng tôm Hàng Vịnh - Cà Mau”. Ðối với "Bánh phồng tôm Hàng Vịnh - Cà Mau", được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 446300 theo Quyết định số 6820w/QÐ-SHTT, ngày 6/3/2023, giao UBND huyện Năm Căn làm chủ sở hữu. Hiện nay, huyện đã cấp quyền sử dụng cho 3 chủ thể sử dụng là Công ty TNHH Sản xuất Kiên Cường, Công ty Xuất nhập khẩu Vĩnh Hòa Phát và Cơ sở sản xuất Phúc Nhân. Hiện nay, chứng nhận nhãn hiệu "Bánh phồng tôm Hàng Vịnh - Cà Mau" đang phát huy, nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống bánh phồng tôm, đây là lợi thế để xây dựng làng nghề bánh phồng tôm trong thời gian tới, đồng thời nâng hạng sản phẩm đạt OCOP 5 sao theo kế hoạch của UBND tỉnh (Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Vĩnh Hòa Phát được các sở, ngành tỉnh hỗ trợ nâng hạng sản phẩm bánh phồng tôm đạt OCOP 5 sao năm 2024).

Ðể thuận lợi cho lộ trình trên, huyện đề xuất các cơ quan quản lý cấp tỉnh có liên quan và Trung ương như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương có giải pháp cụ thể, hỗ trợ huyện nhằm hướng đến xuất khẩu chính ngạch đối với các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Cà Mau nói chung và huyện Năm Căn nói riêng trong thời gian tới.

- Xin cảm ơn ông!

Loan Phương thực hiện

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tan-dung-tot-co-hoi-quang-ba-dac-san-a33820.html