Tận dụng vốn quý của y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe nhân dân

Là tỉnh miền núi có nhiều cây thuốc, bài thuốc quý, có nền y học cổ truyền phát triển, những năm qua, ngành Y tế tỉnh đã chú trọng tập hợp, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ đông y thuộc nhiều lứa tuổi, có năng lực để kế thừa và phát huy vốn quý nền y học cổ truyền phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Cán bộ trung tâm Y tế huyện Kim Bôi hướng dẫn cách sử dụng thuốc đông y cho người dân.

Cán bộ trung tâm Y tế huyện Kim Bôi hướng dẫn cách sử dụng thuốc đông y cho người dân.

Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được trên 2.120 hội viên tham gia Hội Đông y, 210/210 xã, phường trên toàn tỉnh có Hội Đông y. Lực lượng nòng cốt trong khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền của tỉnh hiện tại, ngoài lương y Đinh Thị Phiển, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh còn có nhiều thầy thuốc được đông đảo người bệnh tìm đến đó là: lương y Bùi Văn Phượng, xóm Tân Thành, xã Yên Trị (Yên Thủy) với những bài thuốc nam gia truyền chữa 3 loại bệnh như gan, thận và bệnh về đường tiêu hóa; lương y Phùng Thị Sơn, xã Tú Sơn (Kim Bôi) với phương thuốc chữa xương khớp bí truyền qua 3 thế hệ; ông Bùi Văn Rẩy, xã Phong Phú (Tân Lạc) chữa động kinh bằng thảo dược… Ở các Trung tâm Y tế huyện, trạm y tế xã đều có khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

Để kế thừa, phát huy, phát triển vốn quý của y học cổ truyền trong hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân thì việc tập hợp hội viên tham gia tổ chức Hội là điều cần thiết. Bởi, dưới mái nhà chung của tổ chức Hội, các hội viên được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và được trang bị những kiến thức cơ bản để thực hiện tốt hơn việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Lương y Đinh Thị Phiển, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết: Khi tham gia tổ chức Hội, điều đầu tiên các hội viên được tiếp cận là 12 điều y đức, 10 điều dược đức của Bộ Y tế và 9 điều y huấn cách ngôn của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông; được tuyên truyền để nắm rõ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là Pháp lệnh về hành nghề y dược tư nhân. Vào ngày rằm tháng giêng và ngày 27/2 hàng năm, các tổ chức Hội tổ chức lễ kỷ niệm ngày truyền thống Đông y Việt Nam, ngày Thầy thuốc Việt Nam, tạo sự gắn kết, tập hợp hội viên phấn đấu vươn lên đóng góp những kinh nghiệm hay, những bài thuốc quý. Bên cạnh đó, Hội tích cực vận động hội viên trồng và sử dụng vườn thuốc nam; thu hái, sơ chế, bào chế thuốc đông dược, bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu. Qua đóng góp, trao đổi, chia sẻ của các hội viên, Hội đã sưu tầm, phát triển nguồn dược liệu sẵn có, từng bước nâng cao giá trị sử dụng của cây thuốc, vị thuốc trong chữa bệnh phục vụ nhân dân. Đầu năm nay, Hội Đông y tỉnh đã tổ chức hội thảo báo cáo kết quả khảo sát về nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị cây thuốc nam.

Theo lương y Đinh Thị Phiển, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh, hiện, công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền tuyến huyện đạt trên 20%, tuyến xã đạt trên 30%, góp phần không nhỏ trong việc giảm tải cho các cơ sở y tế. Đồng thời, giúp người bệnh tiết kiệm chi phí trong quá trình điều trị bằng thuốc đông y tại nhà. Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng y dược học cổ truyền, trong thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục củng cố các vườn thuốc hiện có và phát triển thêm vườn thuốc mới ở các cơ sở Hội, gia đình hội viên. Đẩy mạnh công tác nuôi trồng, sưu tầm, thu mua, khai thác thuốc theo mùa vụ để có đủ cơ số thuốc phục vụ cho công tác chữa bệnh. Kế thừa những bài thuốc quý, phương pháp chữa bệnh có hiệu quả để phổ biến, lưu truyền tại địa phương. Tổ chức tổng kết kinh nghiệm thực tiễn về đông y, đông dược; phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế kết hợp điều trị giữa đông y và tây y nhằm nâng cao hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Lam Nguyệt

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/219/131818/tan-dung-von-quy-cua-y-hoc-co-truyen-tr111ng-cham-soc-suc-khoe-nhan-dan.htm