Tận hưởng võ thuật từ những trận MMA
Làm thế nào để không khí máu lửa của những trận đấu võ không nhuốm màu tiêu cực, mà ngược lại, có thể truyền cảm hứng phấn khích đến khán giả? Không nhiều nhà tổ chức, hay ông bầu võ thuật có thể làm được điều đó. Nhưng đó chính là điều Lion Championship đã thể hiện trong hơn 1 năm qua.
Thói quen mới của khán giả
"Không nên xem võ thuật, hay MMA Việt Nam vì trình độ võ sĩ còn thua kém rất xa vận động viên quốc tế". Đó là định kiến của khá nhiều người hâm mộ võ thuật Việt Nam vào thời điểm Lion Championship bắt đầu được tổ chức. Suy cho cùng, trình độ chênh lệch giữa võ sĩ Việt Nam và các đồng nghiệp nước ngoài là sự thật hiển nhiên, không ai có thể phủ nhận.
Tính trên phạm vi quốc tế, thực sự chưa có võ sĩ "thuần Việt Nam" nào ra nước ngoài thi đấu. Nhưng điều đó không có nghĩa tiềm năng phát triển MMA tại Việt Nam là thứ có thể bị bỏ qua dễ dàng. Xét theo dòng lịch sử, MMA đã manh nha hình thành ở Việt Nam khoảng 10 năm trước. Phong trào tập luyện, để hướng tới thi đấu chuyên nghiệp cũng bắt đầu xuất phát từ đó.
Một thập niên hình thành, và 1 năm bắt đầu phát triển từ khi có Lion Championship là khoảng thời gian quá ngắn để bắt MMA Việt Nam phải "chín" sớm. Ở trên phạm vi quốc tế, MMA đã phát triển khoảng 40 năm. Các giải đấu quy mô lớn như UFC cũng vừa đánh dấu tuổi đời khoảng 30 năm, cùng tốc độ phát triển như vũ bão, vượt xa những giải đấu như Bellator, PFL hay Rizin.
Trình độ của võ sĩ và HLV MMA Việt Nam cần thời gian để tích lũy, và điều đó không thể diễn ra một sớm một chiều. Bù lại, khán giả Việt Nam lại rất nhanh chóng đón nhận MMA như một món ăn mới để theo dõi, giải trí. Từ sự kiện Cúp MMA Việt Nam đến Lion Championship là một chặng đường dài, dù thời gian diễn ra rất ngắn, mới chỉ chưa đầy 18 tháng qua.
Những người từng "chê" MMA Việt Nam vì võ sĩ không thể bằng nước ngoài đã dần gạt bỏ định kiến. Từ chỗ chối bỏ, họ bắt đầu theo dõi vì tò mò, rồi bắt đầu hâm mộ từ lúc nào chẳng hay. Mỗi sự kiện của Lion Championship, bao gồm Lion Championship 5 vừa diễn ra, thường xuyên thu hút lượng người theo dõi trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội lên tới hàng chục ngàn người.
Nếu theo dõi Lion Championship, dù chỉ một lần, hẳn khán giả sẽ cảm thấy ấn tượng với không khí sôi nổi của một ngày hội võ thuật đúng nghĩa. Các võ sĩ Việt Nam có thể chưa hoàn thiện về bộ kỹ năng thi đấu MMA, nhưng họ luôn bước vào võ đài với tinh thần thi đấu máu lửa. Đó mới chính là điểm cốt yếu làm nên thành công của một trận đấu võ, nơi mọi người đều thi đấu hết mình.
Bên cạnh những trận đấu diễn ra trong lồng bát giác, Ban tổ chức Lion Championship còn chăm sóc chỉn chu đến từng điểm nhỏ nhất trong những chi tiết ngoài chuyên môn. Từ ánh sáng, âm nhạc, đến từng góc quay của giải đấu luôn khiến người hâm mộ thích thú, dõi theo. Họ cảm nhận được phong cách riêng, của một môn võ hiện đại như MMA.
Tổ chức định kỳ rất khó
Sau thành công của Lion Championship 4, giải vô địch võ thuật Sư Tử Việt Nam tiếp tục Nam tiến với một sự kiện tại TP Hồ Chí Minh. Với 2 điểm cầu sự kiện Bắc - Nam, Lion Championship thực sự tạo ra một hiệu ứng truyền thông mạnh với người hâm mộ. Công tác tổ chức được tiến hành chu toàn, đúng với tầm quan trọng của một sự kiện võ thuật chuyên nghiệp diễn ra định kỳ.
Trước đây, Việt Nam từng chứng kiến nhiều sự kiện võ thuật với quy mô lớn được tổ chức. Tuy nhiên, phải đến khi Lion Championship thành hình, người hâm mộ nước nhà mới có dịp theo dõi thi đấu võ thuật một cách định kỳ, với lịch thi đấu được công bố từ trước một cách đầy đủ. Việc làm tưởng như đơn giản ấy, hóa ra lại rất khó khăn, ngay cả với những giải đấu quốc tế.
Các bước để tổ chức một sự kiện võ thuật tại Việt Nam, trên thực tế, phức tạp ngay cả với những người trong cuộc. Đầu tiên, Ban tổ chức sự kiện cần có danh sách võ sĩ sơ bộ, cũng như số trận đấu dự kiện để ước tính thời gian, địa điểm diễn ra giải đấu. Đây là cơ sở giúp Ban tổ chức tính đến bước tiếp theo: Thuê địa điểm, đồng thời xin giấy phép tổ chức sự kiện.
Theo quy định hiện hành, việc tổ chức một sự kiện võ thuật tại Việt Nam cần giấy phép từ 2 đơn vị. Thứ nhất là Liên đoàn Thể thao cấp quốc gia, hoặc tỉnh thành của môn võ đó; và sau đó đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương. Ngoài ra, Ban tổ chức còn phải thuê lực lượng an ninh làm nhiệm vụ, cũng như xe cấp cứu để đề phòng sự cố xảy ra.
Thông thường, quy trình xét duyệt và cấp phép tổ chức các sự kiện võ thuật ở Việt Nam có thể lên tới 1 tháng. Ngoài ra, trong trường hợp muốn lùi thời gian diễn ra, Ban tổ chức sẽ phải đối mặt với rất nhiều chi phí phát sinh như tiền thuê địa điểm, thậm chí có thể xin giấy phép lại từ đầu. Đây chính là nguyên nhân khiến các chuỗi sự kiện võ thuật ở Việt Nam khó có thể tổ chức định kỳ.
Vượt qua những khó khăn đó, Lion Championship đã nỗ lực để trở thành giải đấu võ thuật chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam có những sự kiện diễn ra hằng tháng. Những người tâm huyết với MMA tại Việt Nam còn hướng đến một mục tiêu xa hơn nữa. Họ từng bộc bạch trong 2-3 năm tới, Lion Championship có thể trở thành chuỗi sự kiện được tổ chức hằng tuần giống UFC.
Nếu Lion Championship được tổ chức hằng tuần, MMA sẽ thực sự thổi hồn vào võ thuật Việt Nam. Người hâm mộ sẽ được theo dõi thi đấu võ thuật định kỳ giống như bóng đá, bóng rổ. Khi ấy, chất lượng của các võ sĩ, cũng như công tác điều hành trận đấu của các trọng tài, tất sẽ được nâng cao trong bối cảnh mỗi sự kiện diễn ra đều có hàng triệu người theo dõi.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-hoa/tan-huong-vo-thuat-tu-nhung-tran-mma-i691096/