Tân Kỳ nỗ lực dập các ổ dịch Covid-19 trong cộng đồng
Liên tiếp xuất hiện các ổ dịch với các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, trường học và bệnh viện, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) đang triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, dập dịch cùng với sự hỗ trợ của tỉnh Nghệ An.
Ổ dịch đầu tiên xuất hiện ở khoa Nội - Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ. Bệnh nhân V.Đ.T ở xã Nghĩa Hoàn vào khoa Nội vào tối 18/11, sau 3 lần xét nghiệm thì có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 vào sáng 23/11. Sau truy vết, phát hiện nhiều F1 liên quan đến ca bệnh và đều có kết quả dương tính.
Ngay lập tức, Trung tâm Y tế Tân Kỳ đã phong tỏa, cách ly khoa Nội và chuyển toàn bộ nhân viên, y, bác sĩ tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân sang khu cách ly. Đồng thời, tổ chức xét nghiệm nhanh toàn bộ số cán bộ, y, bác sĩ cùng các đối tượng liên quan.
Ổ dịch thứ hai là xã Nghĩa Đồng. Ca mắc Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng tại xã này là học sinh lớp 9 Trường THCS Nghĩa Đồng. Ngày 22/11, bệnh nhân có biểu hiện sốt nên đến trạm y tế, sau test nhanh và lấy mẫu xét nghiệm, tối 22/11 cho kết quả khẳng định dương tính với SARS-CoV-2.
Ngay lập tức, để đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm cho gần 10.000 người dân và toàn bộ học sinh trong xã, Trung tâm Y tế huyện đã thành lập 5 tổ, mỗi tổ có từ 4 đến 5 thành viên, chi viện cho xã Nghĩa Đồng; đồng thời tiến hành phun khử khuẩn. Đến sáng 24/11, qua xét nghiệm đã phát hiện ở xã Nghĩa Đồng có 51 ca dương tính, chủ yếu học sinh lớp 9 Trường THCS Nghĩa Đồng cùng phụ huynh và giáo viên liên quan.
Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đồng Võ Duy Hiển cho biết: Dịch diễn ra nhanh và lan rộng toàn bộ 11 xóm trong xã; lại có diễn biến phức tạp, khó lường do có chùm ca bệnh trong cộng đồng liên quan đến trường học trên địa bàn và hiện vẫn chưa xác định được nguồn lây. Trước tình hình đó, ngày 24/11, xã Nghĩa Đồng đã thành lập 5 chốt kiểm soát tại các khu vực: cầu Treo, cầu Đất, cầu Sen, cầu Bầu Vôi và cầu Bầu Lùng. Đồng thời, kích hoạt tổ Covid cộng đồng và tổ tự quản để kiểm soát chặt người ra vào vùng dịch…
Cũng trong thời gian này, xuất hiện ổ dịch thứ ba ở Trường THPT Lê Lợi với 10 học sinh mắc Covid-19.
Chánh Văn phòng Huyện ủy Tân Kỳ, thành viên thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch huyện, Trần Doãn Lâm cho biết: Sau khi phát hiện các ca bệnh Covid-19, Ban Chỉ đạo huyện Tân Kỳ đã chỉ đạo và triển khai các giải pháp phòng và dập dịch. Thông báo thường xuyên số ca mắc mới, tình hình dịch; vận động người dân có liên quan ca bệnh khai báo; tổ chức xét nghiệm, khoanh vùng cách ly và lập chốt kiểm soát dịch...
Căn cứ vào tình hình dịch bệnh, huyện đã thông báo cấp độ dịch trên địa bàn. Theo đó, xã Nghĩa Đồng, xóm Thuận Yên (xã Nghĩa Hoàn) cấp độ 4; xã Nghĩa Thái và Nghĩa Hoàn cấp độ 3; các xã còn lại và huyện Tân Kỳ cấp độ 2.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ Nguyễn Văn Thực cho biết: Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, để bảo đảm thích ứng, linh hoạt, hiệu quả, an toàn trong chống dịch theo tinh thần chỉ đạo Nghị quyết 128 của Chính phủ, Sở Y tế Nghệ An đã cử đoàn công tác đến huyện Tân Kỳ chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; đồng thời, khảo sát và lập trạm xá dã chiến tại trường mầm non xã Nghĩa Đồng. Đây là trạm xá dã chiến đầu tiên của tỉnh nghệ An để thu dung, điều trị bệnh nhân F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ; Riêng các bệnh nhân F0 có chiều hướng nặng sẽ được đưa đi điều trị ở tuyến trên.
Trạm y tế lưu động này có hơn 200 giường bệnh bao gồm khu vực theo dõi F0, khu vực cho các bệnh nhân âm tính sau khi điều trị và phòng làm việc cho nhân viên y tế, lực lượng bảo vệ an ninh. Để duy trì hoạt trạm xá dã chiến này, ngoài chỉ đạo chuyên môn của ngành y tế Nghệ An, Trung tâm y tế huyện đã điều bốn y, bác sỹ cùng đầy đủ trang thiết bị y tế, bình ôxy và một xe cấp cứu cùng năm cán bộ y tế của trạm y tế xã để điều trị cho các F0 trên địa bàn.
Có mặt tại huyện Tân Kỳ để chỉ đạo công tác phòng chống dịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long nhấn mạnh, nguy cơ lây lan dịch trên địa bàn huyện là rất lớn, nên địa phương phải quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là đối tượng học sinh các cấp. Theo đó, Tân Kỳ phải tập trung khoanh vùng, phong tỏa kiểm soát chặt vùng dịch, không cho người ra vào vùng có dịch. Tổ chức xét nghiệm kịp thời để phát hiện kịp thời F0. Tiến hành cách ly tập trung đối với các trường hợp F1 có tiếp xúc gần với F0; số còn lại có nguy cơ thấp thì cho cách ly tại nhà…