Tân Lập nhớ Bác Hồ

Đúng những ngày thu, chúng tôi trở lại làng văn hóa Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương), nơi cách đây hơn 74 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống và làm việc để lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám thành công. Làng Tân Lập nay mái nhà tươi mới, những con đường hoa trải dọc đường bê tông nhưng lòng người dân chiến khu cách mạng vẫn luôn khắc ghi hình ảnh 'Ông Ké Tân Trào' thân thương…

Ông Hoàng Ngọc năm nay trên 80 tuổi nhưng vẫn cần cù đan lát để tạo ra các sản phẩm du lịchphục vụ khách tham quan.

Trong tim thường trực nỗi nhớ

Bà Hoàng Thị Mai, con dâu của cụ Nguyễn Tiến Sự dẫn chúng tôi lên từng bậc thang của ngôi nhà sàn - nơi bác Hồ đã ở từ ngày 21 đến cuối tháng 5-1945. Bà Mai năm nay đã 81 tuổi nhưng đôi mắt vẫn sáng, dáng người nhanh nhẹn. Trong nhà, trên bàn thờ Bác, hoa tươi và hương trầm tỏa ra thơm ngát làm cho câu chuyện của chúng tôi và bà Mai nghẹn ngào. Mấy năm trước, ngôi nhà này được Nhà nước tu bổ lại. Năm ngoái, con trai bà tiếp tục đầu tư làm mới phần sàn nhà, ngôi nhà càng trở nên thoáng đãng, mát mẻ. Nơi đây luôn là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho nhiều thế hệ. Bà Mai rưng rưng xúc động mỗi khi có ai hỏi chuyện. Bà bảo: “Hình ảnh về Bác vẫn luôn hiện hữu trong ngôi nhà này, trong trái tim của mỗi người dân Tân Trào. Tôi luôn dạy các con dù làm ruộng cũng phải guơng mẫu chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện lời dạy của Bác”.

Rời ngôi nhà của cụ Nguyễn Tiến Sự, chúng tôi tìm đến nhà ông Hoàng Ngọc, con trai của cụ Hoàng Trung Nguyên, chiến sỹ giao liên đặc biệt cho Bác Hồ. Ông Ngọc năm nay đã trên 80 tuổi, một bên mắt đã không còn nhìn thấy gì nhưng vẫn chịu khó lao động, đan lát để tạo ra những sản phẩm thủ công phục vụ khách du lịch. Trên mỗi sản phẩm đan lát của mình, ông còn tự tay làm hình vẽ cây đa Tân Trào để dán lên sản phẩm. Ngoài đan lát, ông Ngọc còn làm thơ. Những vần thơ về Bác dạt dào niềm thương nỗi nhớ vị cha già dân tộc. Ông Ngọc hồi tưởng lại hình ảnh Bác Hồ vô cùng thân thương mỗi khi xoa đầu trìu mến hay tặng kẹo những đứa trẻ trong làng. Gia đình ông Ngọc hiện có 4 người con, cháu là đảng viên. Ông Ngọc đã 55 tuổi đảng. Ông Ngọc kể: “Nhớ Bác, chúng tôi luôn cố gắng biến thành hành động cụ thể học tập và làm theo lời Bác. Tôi dạy bảo con, cháu mình phải phấn đấu trở thành người đảng viên tốt, gương mẫu chỉnh trang nhà cửa sạch đẹp để nhiều người biết tới nơi này. Đồng thời chăm chỉ, cần cù lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống no ấm hơn, đàng hoàng hơn”.

Người dân Tân Lập luôn có ý thức chỉnh trang, xây dựng nhà cửa sạch đẹp.

Người dân Tân Lập luôn có ý thức chỉnh trang, xây dựng nhà cửa sạch đẹp.

Bí thư chi bộ, trưởng thôn Trương Văn Trình phấn khởi khoe với chúng tôi: “Tân Lập giờ có nhiều khởi sắc từ bên trong rồi. Những mô hình kinh tế, những sản phẩm đặc trưng của Tân Lập đã dần được định hình rõ nét. Người dân Tân Lập học và làm theo lời Bác luôn nỗ lực vươn lên, không trông chờ vào Nhà nước”.

Biến thành hành động cụ thể

Chi bộ thôn Tân Lập nhiều năm qua luôn được công nhận chi bộ trong sạch, vững mạnh. Chi bộ có 35 đảng viên. Phát huy vai trò lãnh đạo, chi ủy chi bộ luôn đoàn kết, thống nhất, lấy tinh thần tiên phong gương mẫu của đảng viên làm nòng cốt để lãnh đạo hiệu quả. Chi bộ đã lấy những gương điển hình phát triển kinh tế của đảng viên để tuyên truyền và nhân rộng trong quần chúng nhân dân. Bản thân Bí thư chi bộ, trưởng thôn Trương Văn Trình liên tục là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Anh là người đầu tiên trong thôn đăng ký xây dựng nhãn hiệu Gạo Tân Trào. Đảng viên trẻ Ma Khắc Tuy, sinh năm 1989 sau khi tốt nghiệp Đại học Luật, Tuy chọn lập nghiệp trên chính mảnh đất quê nhà. Em mạnh dạn vay vốn, lấp ao, cải tạo vườn tạp để trồng gần 100 cây bưởi. Tuy bảo: “Sinh ra ở mảnh đất cách mạng, em muốn được làm giàu ở chính nơi đây. Nếu mô hình cây ăn quả của em thành công, em sẽ tuyên truyền, giúp đỡ các thanh niên khác trong thôn chuyển đổi vườn tạp để trồng cây ăn quả, góp phần tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng của Tân Lập”. Từ sự lãnh đạo của chi bộ, kinh tế của Tân Lập ngày càng có nhiều khởi sắc. Người dân Tân Lập làm theo lời Bác đã đoàn kết một lòng, tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Hợp tác xã nuôi ong Tân Trào thành lập gần 1 năm nay với 7 thành viên đều là người dân Tân Lập tham gia đã được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Mỗi năm, HTX cung cấp cho thị trường nội địa 20 tấn mật ong. Đây cũng là sản phẩm du lịch đang được nhiều du khách biết đến. Ông Triệu Sinh Tiến, Giám đốc Hợp tác xã nuôi ong Tân Trào hồ hởi: “Chúng tôi đang nỗ lực mở rộng thị trường mật ong và các sản phẩm từ ong. Chúng tôi quyết tâm xây dựng bằng được nhãn hiệu Mật ong Tân Trào”.

Chị Hoàng Thị Hiệt, người dân thôn Tân lập chăm sóc 3 sào lúa Đài Thơm 8theo phương pháp trồng hữu cơ.

Người dân Tân Lập đã bắt đầu đưa vào trồng thử nghiệm một số giống lúa năng suất cao theo phương pháp hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm gạo đặc sản và chất lượng để phục vụ khách tham quan. Bí thư chi bộ, trưởng thôn Trương Văn trình cho biết thêm, Tân Lập giờ chỉ còn 5 hộ nghèo. Trong năm nay, chi bộ chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, phân công từng đảng viên phụ trách hộ nghèo để giúp đỡ, phấn đấu hết năm nay không còn hộ nghèo. Vào thứ 7 hàng tuần, chi bộ lãnh đạo các tổ chức đoàn thể phát động hội viên, đoàn viên và nhân dân vệ sinh đường làng ngõ xóm, trồng hoa và cây xanh hai bên đường vào làng văn hóa, chỉnh trang nhà cửa. Hiện nay, toàn thôn có 26 hộ làm dịch vụ du lịch. Trong đó, nhiều hộ đã bắt đầu đầu tư dịch vụ homestay.

Sự đổi thay ở Tân Lập thật rõ nét nhưng lòng người dân chiến khu cách mạng vẫn luôn sắt son, một lòng với Đảng và Bác Hồ. Nhớ Bác, người dân nơi đây nói riêng và người dân Thủ đô Khu giải phóng, thủ đô kháng chiến nguyện quyết tâm xây dựng cuộc sống mới ngày càng khang trang và tốt đẹp hơn như ước nguyện của Người.

Bài, ảnh: Thủy Châu

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xay-dung-dang-nha-nuoc/tan-lap-nho-bac-ho-121986.html