Tản mạn chuyện chùa chuyện sông…
25 năm đi về qua ngôi chùa này, tôi thường nghĩ về câu ca dao lúc về đây cư ngụ, rằng: Gần chợ dễ bán dễ mua. Gần sông tắm mát gần chùa nghe kinh! Mua nhà, tìm được như vậy là nhất, nhưng về nhì thì cũng tàm tạm vì nghe được cái chộn rộn của chợ, nếp thanh tịnh của chùa. Bởi, cũng khó mà tìm được gần sông, view ấy đắt lắm. Ở thành phố mà hàng ngày hưởng được gió sông, dễ gì!

Đường rừng Sát Cần Giờ. Ảnh: T.T.B
Vậy là tôi ở đây, đã một phần tư thế kỷ. Đời người, dời chuyển là tại cái chân đi, còn ở thì hay quen chỗ. Nhất là cái chỗ phía sau lưng nhà có ngôi chùa. Mỗi buổi sáng thức dậy sớm như thường lệ để nghe kinh. Nằm yên nghe dóng dả từng tiếng thả rớt xuống thinh không tĩnh mịch tầm bốn giờ sáng. Rồi sau đó trở dậy đi dài ra mé sau chùa. Hoa vô ưu nở từng chùm trong sân, ba cây chụm lại không biết có phải ngụ ý tự thuở nào của người sáng lập chùa hay không. Sư trụ trì chùa vẫy tôi lại, khi nhìn thấy tôi ngắm hoa. “Dạ, hoa vô ưu nở bền ghê á thầy”. “Ừ, lâu rụng lắm, hết đợt này đến đợt khác vậy đó”. “Mấy cây này trồng lâu chưa vậy thầy?”. “Lâu rồi. Cũng vài chục năm, cứ xanh tốt vươn ra khỏi sân chùa nhiều năm nay”… Đoạn đối thoại ấy mới gần đây thôi, vì ít khi sư xuất hiện buổi sớm như vậy, bởi còn bận lo kinh kệ!
Ngôi chùa tọa ở đây đã trên trăm năm. Ban đầu là chùa của một gia tộc, cái thời xứ này còn mênh mông rau và ngút ngàn hoa. Cụ Sơ là người sáng lập chùa, nay đã truyền qua bốn thế hệ. Ngôi chùa ở trong một con hẻm khiêm tốn, thường hay đón thiện nam tín nữ lớn tuổi đến dâng hương, cúng dường. Chùa không dáng vẻ khoa trương, bình thản chứng nhân bao biến thiên lịch sử của một vùng đất, dài theo những gì diễn ra trên thành phố này. Sự tác động của ngoại cảnh dường như chẳng ăn nhập gì vào tiếng vọng câu kinh. Ở chốn này, vì vậy cứ mỗi sáng tôi rất thích đi loanh quanh dạo qua cửa chùa, nghe chút mùi nhang tỏa ra dịu dàng, bỗng hồn mình tịnh lại!
Lan man với chùa với hoa, rồi bỗng thấy rất khó lý giải với câu chuyện của ngày đầu năm với một người đàn ông tên là Sáu Xệ, vì sao lại gán vô đây. Có ăn nhập gì chăng? Nhưng cái sự lý giải kiếp người tìm nơi chốn để sống, lại khiến tôi không thể nào không nghĩ miên man cho được.
Tôi thì tìm chỗ gần chùa, không có sông để gần, nhưng ông ấy lại hơn 50 năm lang thang sông nước, gặp nhau tình cờ ở bến phà Bình Khánh đi về Cần Giờ. Câu chuyện ông kể như vầy: “Tui năm nay đã qua tuổi 65, người ta hay kêu tui là Sáu Xệ. Nhà tui xưa giàu lắm, ông nội là ông Thân, ba là ông Chủ (tôi đoán áng chừng cũng là hương chức chi đó thời trước). Ba tui có bốn vợ nên con đông, nhưng lại chết năm 45 tuổi. Tui xuống ghe thương hồ từ lúc hơn 10 tuổi, khi trưởng thành chạy sà lan cho đến nay. Kiếm sống nuôi vợ và tám mặt con. Nhưng tui không bao giờ buồn phiền chuyện chi cả. Có điều tui thích ở sông nước, không thích lên bờ. Người trên bờ khó sống lắm!”.
Gạn hỏi, mới biết ông sống ở xã An Thới Đông, trước năm 1975 là quận lỵ quận Quảng Xuyên, thuộc chi khu Nhà Bè, còn phía Cần Giờ lại thuộc chi khu Nhơn Trạch. Nghĩa là có hai quận tồn tại ngay huyện Cần Giờ ngày nay, là Quảng Xuyên và Cần Giờ. Ông khoát tay một vòng ra phía phà Bình Khánh, bảo bên tay phải là sông Lòng Tàu, bên trái là sông Soài Rạp. Còn ngã ba ngay phà chạy đây ngày trước kêu là ngã ba Tam Kỳ. Tôi hỏi: Sao lại tên Tam Kỳ? Ông nói tam là ba, kỳ là kỳ cục. Là như vầy: Hồi xưa thời Pháp, có hai đồn: Tây Hạ đóng ở Nhà Bè, Tây Thượng đóng ở Nhơn Trạch. Có ba lần quân Pháp ở cả hai đồn dồn quân đánh lên phía này, lúc ấy có tên là Phước Khánh, chớ không phải Bình Khánh như giờ. Dân và quân Phước Khánh đánh cho tan tác chạy về, cả ba lần đều thua, nên gọi là Tam Kỳ (ba lần kỳ cục, nói theo kiểu bà con giễu giặc đánh yếu!).
Kết thúc câu chuyện, mà tôi cũng chẳng biết hư thực đúng sai, ông hớp nốt chút cà phê đá còn lại trong ly, đứng dậy nói thôi tui về với con cháu đây, nay được nghỉ về chơi với cháu một bữa, tối về lại Bến Lức (Long An) chạy sà lan. Rồi quành chân leo lên chiếc xe Dream cũ mèm, tạm biệt nghen. Tôi vớt một câu: “Anh Sáu nè, người trên bờ hay dưới sông cũng có người tốt, người xấu chớ. Sao anh lại nói vậy?”. Ông cười, không nói gì đạp xe nổ máy đi thẳng, bỏ tôi đứng lại một mình!
Không biết đời ông có ẩn ức gì không, khi không còn lênh đênh sông nước được nữa, ông có gạt bỏ được cái định kiến “người trên bờ khó sống” không?
Tôi không trả lời nổi, vẫn còn vướng vất những câu hỏi ấy trong đầu, cũng lên xe nổ máy, chạy miên man qua rừng đước Cần Giờ!
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tan-man-chuyen-chua-chuyen-song/