Tản mạn cùng tiếng nói

Năm 2001, UNESCO định nghĩa văn hóa là tập hợp các đặc trưng tiêu biểu về tinh thần, vật chất, tri thức và cảm xúc của xã hội hoặc một nhóm người trong xã hội. Trong đó, văn hóa bao gồm tất cả những sản phẩm của con người, và như vậy, văn hóa bao gồm cả hai khía cạnh: Khía cạnh phi vật chất của xã hội như ngôn ngữ, tư tưởng, giá trị và các khía cạnh vật chất như nhà cửa, quần áo, các phương tiện...

Ở đây, chỉ mạn đàm đôi nét về khía cạnh văn hóa phi vật thể của xã hội trong giao tiếp hằng ngày: ngôn ngữ, một hiện tượng khác biệt với những hình thái sinh vật khác trong cõi dương gian này. Thử tưởng tượng không có ngôn ngữ thì xã hội loài người sẽ đi về đâu, chỉ ú ớ với bao ký hiệu giơ tay múa chân, lắc đầu, trợn mắt… mới nghĩ đến đã thấy rùng rợn rã rời. Cái giá trị đẹp đẽ và to lớn nhất để con người giao tiếp với nhau là ngôn ngữ. Ngôn ngữ đi liền với phát triển tư duy. Nó là phương tiện đặc thù duy nhất – kèm với ký tự (chữ viết), để duy trì và truyền bá kho tàng tri thức nhân loại từ thế hệ này đến thế hệ khác, từ dân tộc này qua dân tộc kia, làm cho xã hội loài người ngày một phát triển. Sự tiến hóa của loài người khác với các loài động vật là chỗ ấy, qua từng niên đại, qua các thời kỳ, đã làm cho tri thức và tâm hồn con người trở nên giàu có, phong phú, giúp con người làm nên thuần phong mỹ tục, tác động đền tâm hồn để được thăng hoa, vi diệu.

Ngôn ngữ tự bản thân nó khách quan, không thiên lệch, nhưng nó khẳng định trình độ văn hóa và nhân cách của mỗi người khi sử dụng nó. Con người sử dụng ngôn ngữ đã làm nên bao biến đổi phi thường trong mọi lĩnh vực, đem lại cho mọi kiếp người cảm nhận được hạnh phúc và khổ đau. Ở một ngữ cảnh nào đó, câu nói có thể đem lại nền hòa bình, yên ấm; người sử dụng ngôn ngữ với cảm xúc ngọt ngào có thể đem lại tình yêu thương trìu mến, làm cho người với người khắn khít với nhau. Nhưng có khi câu nói dùng để bộc lộ sự phẫn nộ, bằng thứ từ ngữ khó nghe, đem lại hận thù, căm ghét, có khi làm bùng nổ chiến tranh, tàn ác, tạo ra thảm cảnh điêu tàn, chia lìa, ly biệt cho cả cộng đồng.

Có thể nhìn thấy, đẹp nhất và hay nhất là ngôn ngữ của tình yêu. Tình yêu Tổ quốc, giống nòi, tình yêu mọi mặt trong cõi nhân sinh. Đó là ngôn ngữ biểu đạt trong mối quan hệ đạo đức với lòng bác ái, yêu thương hết thảy mọi người, kể cả mọi loài – môi trường sinh thái. Có lẽ êm ái và dễ nghe nhất là ngôn ngữ trong tình yêu đôi lứa.

Không biết khi xưa Eva và A Đam, cũng như mẹ Âu Cơ với Lạc Long Quân khi gặp nhau họ thể hiện ngôn ngữ tỏ tình trao duyên thuở ấy thế nào, để rồi gắn bó với nhau làm nên lịch sử giống nòi, nhân loại. Nhưng chắc rằng họ không hú nhau về trong hang động, bởi theo truyền thuyết, họ đã có một nền văn hóa con người từ thời tiền sử. Mối tình của Âu Cơ và Lạc Long Quân không ít khó khăn nhưng vô cùng thơ mộng. Hai nhân vật từ nơi xứ sở tiên bồng về với hiện thực phàm trần, để làm nên những trang lịch sử rực rỡ từ trong thăm thẳm hàng nghìn năm cho đến bây giờ, cùng nhau nối tiếp, bổ sung và tồn tại. Còn ngôn ngữ trong tình yêu lứa đôi bây giờ thiên biến vạn hóa. Có khi thắm thiết ân tình, nhớ nhung thương cảm, thề nguyền thủy chung; nhưng cũng có thứ ngôn ngữ than thân, oán trách khi bị rơi vào cảnh ngộ phản bội phụ tình: “Chàng ơi phụ thiếp làm chi/ Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng” – Ca dao.

Sự kỳ diệu của ngôn ngữ khi nó đi vào nghệ thuật văn chương với đủ sắc màu, ngọt ngào trong lời ru tiếng hát, thấm sâu vào cõi lòng, mang theo suốt cả đời người để nuôi dưỡng tâm hồn sáng trong khôn lớn: “Cái cò... sung chát đào chua.../ câu ca mẹ hát gió đưa về trời/ ta đi trọn kiếp con người/ cũng không đi hết mấy lời mẹ ru (…) Mẹ ru cái lẽ ở đời/ Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn/ Bà ru mẹ… Mẹ ru con/ Liệu mai sau các con còn nhớ chăng” (Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa – Nguyễn Duy).

Có người sử dụng ngôn ngữ trở nên tao nhã thanh cao, sử dụng cái vốn văn hóa nghìn đời để lại trở thành con người văn hóa; nhưng không ít kẻ sống trong kho tàng văn hóa nghìn đời ấy lại sử dụng cái vốn ngôn ngữ thô lỗ, tục tĩu, đốn mạt, trở thành kẻ đê hèn vô văn hóa. Tuy nhiên, chưa hẳn dựa trên ngôn ngữ người sử dụng phát ra để đánh giá bản chất chính xác của họ, bởi đã có những đúc kết: “Khẩu xà tâm Phật”, ngược lại, cũng có hiện tượng: “Miệng nam mô, bụng một bồ dao găm”, giống như tình cảnh Hoạn Thư hành hạ Thúy Kiều: “Bề ngoài thơn thớt nói cười / Mà trong nham hiểm giết người không dao./ Bây giờ đất thấp trời cao,/ Ăn làm sao nói làm sao bây giờ?” (Nguyễn Du). Sử dụng tiếng nói là cả một chuỗi dài trải nghiệm, không đơn giản chút nào.

Tản mạn về tiếng nói không sao hết được, người viết muốn gợi đôi điều để cùng tham gia trao đổi, cảm nhận về sử dụng cái kho tàng văn hóa nghìn đời cha ông để lại, làm sao để trở thành con người văn hóa trong giao tiếp.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tan-man-cung-tieng-noi-120308.html