Tản mạn nghề báo - câu chuyện phía sau con chữ
Để có được những tác phẩm báo chí được bạn đọc, công chúng đón nhận, đòi hỏi những người làm báo phải có niềm đam mê, sự dấn thân và trách nhiệm xã hội. Đặc biệt, đối với nhà báo điều tra đòi hỏi phải có lập trường kiên định, bản lĩnh vững vàng để đấu tranh với cái xấu, cái ác, biểu hiện tiêu cực trong xã hội.
Phản ánh trung thực, đeo bám thông tin đến cùng
Cứ đến dịp 21/6, những người làm báo lại nhận được những lời chúc mừng tốt đẹp từ người thân, bạn bè và độc giả... Tình cảm yêu mến ấy là nguồn cổ vũ tinh thần to lớn và cũng là động lực để những người làm báo nỗ lực hơn nữa trong công việc, song cũng là lời nhắc nhở để mỗi người làm báo, đặc biệt là đối với nhà báo, phóng viên điều tra phải luôn có lập trường kiên định, bản lĩnh vững vàng, nhìn rõ những góc khuất của nghề để không ngừng rèn luyện, tu dưỡng bản thân, đấu tranh với cái xấu, cái ác, biểu hiện tiêu cực trong xã hội, xứng đáng tình cảm yêu mến của mọi người.
Còn nhớ, đầu tháng 4/2023, tôi nhận được thông tin về vụ phá rừng tự nhiên với quy mô lớn tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Tìm kiếm trên Google, tôi đọc được trên một vài tờ báo đăng thông tin ban đầu về vụ việc nhưng sau đó dừng lại, không tiếp tục thông tin về vụ phá rừng với quy mô lớn này. Bằng nhãn quan nghề nghiệp, tôi nhận thấy, trong vụ việc này có điều gì đó không bình thường.
Lúc đó, câu hỏi đặt ra trong tôi: thông tin về vụ phá có bị “chìm xuồng”? Với mong muốn thông tin, phản ánh sâu về vụ phá rừng được truyền tải đến công chúng, nhằm góp phần tìm ra “lỗ hổng”, những bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, tôi đã báo cáo đề tài với lãnh đạo Phòng Phóng viên, Ban biên tập và đề xuất xin được đi công tác Bắc Kạn để tìm hiểu sâu về vụ việc.
Quá trình tác nghiệp tại Bắc Kạn, tôi gặp rất nhiều khó khăn, từ việc lãnh đạo huyện Chợ Đồn, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh đều từ chối không gặp với lý do "bận họp"... đến việc bị các nhân bảo vệ của Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hoàng Nam – doanh nghiệp liên quan đến vụ phá rừng chặn đường, cản trở không cho tôi đi vào hiện trường… Mặc dù vậy, tôi không hề nản trí mà ngược lại, càng bị các đối tượng cản trở thì tôi càng cố gắng để tiếp cận vụ phá rừng, nhằm thu thập những hình ảnh chân thực, khách quan nhất để chuyển tải đến công chúng.
Những ngày sau, nhằm xác minh làm rõ âm mưu, thủ đoạn phá rừng của đối tượng chủ mưu, tôi bất chợt nảy ra một quyết định táo bạo, đó là đi tìm gặp những người dân được thuê đến phá rừng, để hỏi họ về việc được thuê để khai thác gỗ trái phép ra sao? Ai là người đứng ra thuê? Ai là người chỉ đạo việc phá rừng...
Tôi đã hỏi thăm và lần tìm đến gia đình những người này ở trong thôn Bản Tàn, thị trấn Bằng Lũng, cách khu rừng bị phá gần chục km. Nhưng khi tôi đến thì họ đều đi làm hết, không có nhà. Qua những người thân của họ, tôi đã có được số điện thoại của một số người được thuê vào rừng khai thác gỗ trái phép. Khi tôi gọi điện cho những người này đặt vấn đề cần tìm hiểu, biết tôi là nhà báo nên họ đều không đồng ý gặp tôi. Tuy nhiên, tôi đã cố gắng tìm mọi cách thuyết phục họ, và rồi cuối cùng, họ cũng đã đồng ý gặp tôi.
Ngồi nói chuyện với những người này, tôi hiểu họ đều là những người nông dân chất phác. Vào những lúc nông nhàn, họ đều phải bươn chải để mưu sinh, ai thuê việc gì thì họ đi làm việc đó, lúc đi phu hồ, khi lại đi phát rẫy, khai thác gỗ keo… Tôi đã được nghe họ kể lại tường tận việc được người của doanh nghiệp thuê đi khai thác gỗ như thế nào. Về nguồn gốc khu rừng này được giao cho các hộ dân tại địa phương quản lý, tuy nhiên, cách đây mấy năm, một phụ nữ là giám đốc doanh nghiệp khoáng sản đóng trên địa bàn đã đứng ra mua gom cả hàng chục héc-ta đất rừng của các hộ dân.
Khi đối tượng Đinh Văn Sĩ (em trai của chồng bà giám đốc doanh nghiệp) đứng ra thuê người dân đến để khai thác gỗ thì nói rằng đã lo xong thủ tục… Tất cả những người được thuê đều không hề hay biết rằng, đó là khu vực rừng tự nhiên, không phải rừng sản xuất của doanh nghiệp. Chỉ đến khi vụ việc được bị bại lộ, họ bị cơ quan Công an triệu tập đến làm việc thì họ mới hiểu rằng, đã bị người của doanh nghiệp lợi dụng họ để phá rừng.
Về phía doanh nghiệp, họ tìm mọi cách để cản trở tôi tác nghiệp. Họ dùng nhiều mối quan hệ tác động đến tôi, nhiều người đã gọi điện cho tôi để can thiệp. Đặc biệt, chủ doanh nghiệp còn săn đón gặp tôi, xin tôi tạo điều kiện mà không viết bài, đồng thời đưa cho tôi một khoản tiền không nhỏ, nhưng tôi cương quyết từ chối không nhận.
Loạt bài 5 kỳ “Phá rừng tự nhiên ở Bắc Kạn” lần lượt được đăng tải trên báo Bảo vệ pháp luật. Sau đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Chợ Đồn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, quy định tại Điều 232, Bộ luật Hình sự. Tiếp đó, CQĐT đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Đinh Văn Sĩ (SN 1971, quê huyện Nho Quan, Ninh Bình) về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.
Mới đây, VKSND huyện Chợ Đồn đã ban hành cáo trạng, truy tố bị can này ra trước Tòa án để xét xử về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, quy định tại điểm b khoản 3 Điều 232 của Bộ luật hình sự. Theo đó, bị can Đinh Văn Sĩ sẽ phải đối diện mức hình phạt từ 5 năm đến 10 năm tù.
Sau khi loạt bài “Phá rừng tự nhiên ở Bắc Kạn” được đăng tải đã nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận, thông tin trung thực, khách quan, lan tỏa rộng, có ý nghĩa xã hội. Loạt bài này đã được trao Giải A, Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lần thứ tư, năm 2023. Giải thưởng này là niềm vinh dự lớn đối với tôi trong cuộc đời làm nghề.
Tuyên truyền pháp luật thông qua các “đại án”
Thời gian qua, do yêu cầu công việc, tôi được phân công theo dõi mảng pháp đình, chủ yếu tác nghiệp viết tin, bài tuyên truyền về công tác điều tra, truy tố, xét xử các “đại án” kinh tế, tham nhũng lớn có nhiều tình tiết phức tạp, những vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Tuy là công việc mới nhưng nhờ sự quan tâm, giúp đỡ Ban Biên tập và đồng chí Trưởng phòng Phóng viên, cùng các đồng nghiệp trong tòa soạn nên tôi đã “nhập cuộc” khá nhanh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công việc được giao.
Trong thời gian không dài, tôi đã tác nghiệp tại nhiều phiên tòa xét xử các “đại án”, như: Vụ án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Nghãi, “Chuyến bay giải cứu”; vụ án Việt Á; vụ án Tân Hoàng Minh... và gần đây là tại Lào Cai, phiên tòa xét xử sơ thẩm dàn cựu lãnh đạo tỉnh này, gồm: cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Nguyễn Văn Vịnh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Doãn Văn Hưởng, 2 cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh là Nguyễn Thanh Dương và Lê Ngọc Hưng, cùng nhiều thuộc cấp trong vụ khai thác trái phép hơn 1,5 triệu tấn quặng Apatit, gây thất thoát hơn 312 tỷ đồng…
Quá trình tác nghiệp tại các phiên tòa này, tôi đã học hỏi và hiểu được khá nhiều điều. Các bài viết của tôi đều góp phần phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời còn góp phần vào công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng xã hội.
Đáng chú ý, trong các “đại án” kinh tế, tham nhũng, các bị can, bị cáo đều là những người có trình độ học vấn cao, có hiểu biết rộng, nhiều người đã từng được đào tạo, đi du học ở người ngoài, trải qua quá trình công tác, giữ chức vụ cao, chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước hoặc trong các doanh nghiệp lớn; nhiều người có tầm ảnh hưởng lớn trong thời gian họ đương chức, nên các hành vi phạm tội của họ luôn được giấu kín; trong lời khai họ thường lập luận nhằm trốn tội hoặc làm giảm nhẹ hành vi phạm tội. Đặc biệt, đối với những bị cáo có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, họ thường biết cách xóa dấu vết ngay sau khi phạm tội hoặc phạm tội nhưng không để lại vết tích…
Tôi nhớ, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ “Chuyến bay giải cứu”, trong số 54 bị cáo, có bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an) bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong phần xét hỏi và tranh luận, bị cáo Hưng với trình độ, năng lực của một Điều tra viên dày dạn kinh nghiệm, luôn miệng giảo hoạt, đưa ra nhiều lập luận lôgic nhằm trốn tội, khiến nhiều người theo dõi phiên tòa ngỡ ngàng.
Tuy nhiên, đại diện Viện kiểm sát đã đưa ra nhiều chứng cứ, lập luận khẳng định rằng, có đủ căn cứ để kết luận các bị cáo thực hiện kế hoạch chạy án 2,6 triệu USD, tương đương hơn 61 tỉ đồng; riêng Hoàng Văn Hưng có đủ căn cứ xác định đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt 800.000 USD, tương đương 18,8 tỉ đồng. Khép lại phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Hưng mức án chung thân theo đúng tội danh bị truy tố.
Sau phiên tòa sơ thẩm, Hoàng Văn Hưng cùng 20 bị cáo khác có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Hưng đã thay đổi thái độ, khai nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố, đồng thời ăn năn, hối cải, nộp lại 18,8 tỉ đồng khắc phục hậu quả. Theo đó, HĐXX cấp phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của Hoàng Văn Hưng và tuyên phạt bị cáo này 20 năm tù.
Quá trình tác nghiệp tại các phiên tòa, tôi đã học hỏi được kỹ năng quan sát, chú ý lắng nghe những người tham gia tố tụng nói, chắt lọc thông tin để truyền tải tới công chúng, bạn đọc một cách khách quan, chính xác nhất.
Những câu chuyện mà tôi chia sẻ trên đây chỉ là một trong số rất nhiều công việc mà tôi đã trải qua trong cuộc đời làm nghề. Với tôi, nghề báo tuy vất vả, nhiều khi còn phải đương đầu với những hiểm nguy nhưng tôi nhận thức được ý nghĩa của nghề và nó đem lại cho tôi nhiều niềm vui, sự hiểu biết xã hội, những trải nghiệm trong cuộc sống, đặc biệt là cảm giác mỗi khi dấn thân điều tra chống tiêu cực, phải đối mặt với những người có hành vi vi phạm pháp luật, đối tượng phạm tội...
Vẫn biết phía trước con đường đã chọn còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng tôi tin rằng, tôi sẽ vượt qua bởi sự đam mê và trách nhiệm với công chúng, cộng đồng xã hội.