Tản mạn Tuyên Quang: Kỳ 1- Nữ họa sĩ tình cờ gặp
Nàng là người thứ ba, sau một cô học trò và chồng một người bạn, đã mang lại cho gã, một người viết báo, đầy đủ sự say mê của người viết, phẩm chất gã có từ trước khi bị tai biến. Gã muốn theo về quê nàng...
Gã là một người đàn ông 60 tuổi, vừa lĩnh lương hưu được vài tháng. Gã đã bị tai biến cách đây 8 năm và trong năm 2020, năm tuổi, tự nhiên lại bắt đầu hồi phục, và bắt đầu viết báo trở lại – nghề duy nhất mà hiện nay gã biết làm.
Nàng là một họa sĩ, tốt nghiệp Trường Yết Kiêu (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), hiện sống và vẽ tranh ở Thành phố Tuyên Quang. Đầu tháng 12 vừa rồi, nàng đã tham gia triển lãm tranh với 5 nam họa sĩ khác, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Lần đầu tiên, trong các bức vẽ trưng bày trong hẳn một gian phòng, nàng có mười bức là tranh khỏa thân.
Gã và nàng quen nhau qua mạng, như một sự tình cờ. Gã, sau ngần ấy năm sống biệt lập, tự kỷ, muốn làm quen với mọi người để mau chóng hòa nhập lại cuộc sống.
(Tại sao nàng kết bạn với gã, khi gặp nhau nàng nói rằng nàng nghĩ là gã là một họa sĩ. Hết bị nhầm là nhạc sĩ – ca sĩ Trần Tiến, nay lại bị nhầm là họa sĩ. Thôi kệ, gã thấy cũng vui vui.)
Thế rồi một hôm, cuối tháng 10/2020, nàng xuống Hà Nội. Lại cũng tình cờ, họ gặp nhau. Nàng tên là Hiện, Lương Thị Hiện, nhưng gã vẫn thích gọi nàng bằng cái tên Hiền Lương, giống cái nick trên facebook (Hien Luong). Nàng vừa hiền (hiền tài), vừa lương thiện.
Sau hơn 2 tiếng đồng hồ, nàng ăn, gã uống, và nói chuyện tại một quán lươn Nghệ An ở Phố Nguyễn Quyền, nàng phải ra đi để gặp bạn tại Trường Yết Kiêu. Tự nhiên, gã lại muốn theo nàng về Tuyên Quang, vào ngày hôm sau.
Nhưng gã đã không đi Tuyên Quang được. Gã đã lỡ hẹn với Cao Xuân Minh, một tay chơi guitar có tiếng, con trai nhà ngữ học và dịch giả hàng đầu Việt Nam Cao Xuân Hạo, và cháu nội nhà triết học Phương Đông nổi tiếng Cao Xuân Huy, vào ngày hôm sau.
Rồi gã cũng lên được Tuyên Quang, trước ngày nàng về Hà Nội trưng bày triển lãm khoảng một tuần. Đi Tuyên Quang dễ lắm, có xe “kết hợp” 4 chỗ, giá chỉ 200 ngàn, gấp đôi giá xe khách bình thường, mà đón tận nhà, và đưa tận tới địa chỉ cần đến.
Nữ họa sĩ Hiền Lương (Lương Thị Hiện) - Ảnh nhân vật cung cấp
Người mẹ dạy dỗ con theo kiểu hiện đại
Nàng đón gã ở Quảng trường Thành phố, bằng chiếc Honda 81 (nàng gọi là Honda Special). Bữa nhậu được dọn ra nhanh chóng, nàng bận vẽ nên tranh thủ mua đồ nhậu bên ngoài.
Gã, chồng nàng và nàng ngồi uống rượu, trong khi hai con nàng, cô bé học lớp 8, còn cậu con trai học lớp 3, có vẻ khoái khi có khách, được mẹ mua gà rán cho.
Nàng mang chai rượu sim nàng ngâm ra mời khách. Rượu ngon, nhưng hơi ngọt, nên rất dễ say. Sau lần ấy, gã không dám thử lần thứ hai. Gã lên đây để phỏng vấn nên cần tỉnh táo.
Sau khi ăn xong, cô bé bật TV ra xem - một chương trình nói tiếng Anh hoàn toàn. Cô bé vừa xem vừa giải thích cho cậu em, cũng dán mắt vào màn hình, nhưng có vẻ không hiểu mấy.
Chiều hôm sau, khi cô bé học xong, gã đã phỏng vấn cô. Cô bé tên là Hoàng Thu Hiền, đã học tiếng Anh từ đầu cấp 2, nghe tiếng Anh mà biết nhiều thứ hơn về khoa học, đặc biệt là vật lý, một môn cô bé rất thích.
Cô bé biết vẽ từ nhỏ, thích gì thì vẽ nấy. Sau đó, nàng đã bắt đầu dạy vẽ nghiêm chỉnh cho con gái. Bây giờ, cô bé vẫn vẽ, vẽ những gì cô bé tưởng tượng ra. Trên tường xưởng vẽ của nàng, ngoài tranh nàng là chính, một số tranh của chồng nàng, còn có khá nhiều bức tranh của cô bé.
Cô bé bây giờ biết rất nhiều về các danh họa thế giới, như Picasso, Van Gogh, hay da Vinchi. Cô xem chương trình về danh họa thế giới trên TV, từ hồi cấp 1, và thấy rất thích thú.
“Sau này cháu biết nghe tiếng Anh thì cháu chủ yếu nghe tiếng Anh, vì chương trình tiếng Anh nói sâu hơn về các danh họa trên thế giới”, cô bé nói.
Cô bé cũng đã bắt đầu để ý tới cách vẽ của các danh họa nước ngoài. “Nếu có điều kiện, cháu cũng muốn đi nước ngoài để vẽ”, cô bé bẽn lẽn bộc lộ ước mơ.
Cô bé kể rằng hai mẹ con thường nói chuyện với nhau khi nàng đến đón con lúc tan học.
“Nếu là câu chuyện của cháu, chuyện trường lớp, bạn bè, những niềm vui, hay khó khăn trong học tập, cháu sẽ nói trước. Còn nếu mẹ muốn dạy bảo, khuyên răn điều gì, mẹ sẽ nói trước”, cô bé nói tiếp.
Cô bé kể mẹ tránh không dạy bảo gì con trước mặt bố. “Nhiều khi bố nóng, chuyện không có gì mấy lại thành chuyện lớn”, cô bé thật thà kể.
Cô bé Hiền bây giờ học giỏi nhất ba môn là tiếng Anh, mỹ thuật và vật lý. “Cháu cứ được 9 điểm môn lý là cũng thấy vui rồi”, cô bé khoe.
Có lần cô bé Hiền có bị cô dạy tiếng Anh trong đội tuyển có vẻ không ưa, vì thái độ hơi ít nói của bé, cô giáo tưởng là kiêu căng. Nàng biết, lẳng lặng đến thăm cô, kể cho cô giáo cá tính ít nói của con, và tuần sau gửi tặng cô giáo một bức chân dung. Mọi chuyện trở nên nhẹ nhàng, êm xuôi.
“Em nghĩ mọi chuyện nên giải quyết theo hướng làm chúng tốt lên thì hay hơn là tự ái, sĩ diện, chỉ con mình là thiệt thôi”, nàng chiêm nghiệm.
Cứ lúc rảnh, nhất là chiều cuối tuần, nàng hay đưa đứa con trai út ra quảng trường tập xe. “Cháu cứ đạp xe, vui chơi thoải mái với các bạn, còn em, vừa ngắm cháu chơi, vừa suy nghĩ về đề tài sẽ vẽ hôm sau”, nàng nói.
“Những kinh nghiệm lúc nhỏ đã dạy em điều đó, em muốn áp dụng những thứ tốt nhất cho các con. Cứ có sách gì hay người ta dịch ra về phương pháp dạy trẻ con là em mua bằng được để đọc”, nàng bảo.
“Điều em ân hận nhất là có một lần em đã tát con bé. Có thể, lâu quá, cháu cũng không nhớ, nhưng em thì nhớ mãi”, nàng thật thà kể.
Ba mẹ con nàng, hai đứa con hiện giờ là niềm hạnh phúc và mục đích phấn đấu của nàng. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Những bài học tuổi thơ…
Nàng sinh ra trong một gia đình dân tộc Tày ở huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, vào năm 1978. Bố nàng là bộ đội trong thời gian chống Mỹ, mẹ nàng là thanh niên xung phong. Nàng là con út trong một gia đình có 6 người con.
Là con út, lại xinh xắn, thông minh, nên rất được bố mẹ chiều chuộng. Ví dụ, cả nhà phải ăn cơm độn với ngô, khoai, hay mì, thì nàng được bố mẹ cho ăn cơm trắng. Anh chị nàng, trong thời buổi khó khăn vì nghèo đói do đất nước bị cấm vận, kinh tế thụt lùi, không thích nàng vì điều đó.
Hễ nhà mất cái gì, anh chị đều đổ cho nàng, tự thanh minh kiểu gì cũng không được. Tự nhiên, nàng trở nên cô độc trong gia đình, ngoài tình thương của bố (rồi bố mất) và mẹ.
Bài học này đã đúc kết cho nàng một kinh nghiệm sống mà nàng dùng đến tận ngày nay, khi đã có hai đứa con và đã ngoài 40 tuổi, là phải nhìn người để có cách ứng xử phù hợp. Và trước khi nói điều gì phải biết rất rõ rồi mới nói.
Bố nàng rất khéo tay. Mọi đồ gỗ trong nhà, từ giường, tủ, chạn bát, hay bàn ghế đến cửa giả, đều do bố tự đóng. Nàng kể rằng cái khác biệt của bố là trước khi đóng bất kỳ thứ gì bố đều vẽ trước ra giấy, đo đi đo lại cẩn thận rồi mới thi công.
“Em nghĩ rằng nếu hồi đó không khó khăn, bố được đi học vẽ ở trường lớp đang hoàng, ông sẽ là họa sĩ giỏi”, nàng tâm sự.
Nàng mê vẽ từ bé. Vẽ hoa lá, cỏ cây, hay những bông hồng vào sổ tay, hay thậm chí trong vở học bài. Nàng cũng có ước muốn được học ở một trường dạy vẽ, nhưng ở vùng xa xôi như Tràng Định quê nàng, ước mơ đó quá xa với nàng.
Đến khi nàng vào cấp 3, bố nàng đổ bệnh. Ông bị ung thư hạch, trên cổ tự nhiên xuất hiện một cái hạch to và dài, cổ không cử động được. Hồi đó, chưa có chụp chiếu gì, ông cứ âm thầm chịu đựng căn bệnh đó suốt một năm, rồi mất.
“Ban ngày, sau giờ làm, có các chị đến thăm bố, hỏi han bố. Nhưng ban đêm, khi họ về với chồng con, chỉ có em và mẹ lo cho bố thôi”, nàng nói.
Có những lúc đi học về, không thấy bố trong nhà. Thế là phải chạy đi tìm bố, nàng biết bố đang ở đâu. Tuy mới mười mấy tuổi đầu, nàng vẫn biết rằng ông thấy mình, đang là người đàn ông trụ cột gia đình, bỗng nhiên bị ốm, và phải sống nhờ vợ con, tự nhiên muốn tự tử, ông tìm ra một chỗ luôn vắng người…
Học hết lớp 12 năm 1996, nàng phải chọn trường để thi. Mẹ nàng muốn nàng thì vào trường y, vì bố mẹ ốm đau suốt, rất cần người chăm sóc.
Nàng lại khéo tay, hướng dẫn vài lần là có thể tiêm bắp cho bố mẹ được. Nhưng nàng không thích ngành y, nàng không muốn gắn bó cuộc đời với bệnh nhân. Ký ức chăm sóc bố để lại những kỷ niệm không vui với nàng.
Nàng thi vào sư phạm, và trượt. Có quen người làm công an, họ bảo nàng thi vào trường công an. Lại thi, và đỗ điểm cao nhất tỉnh, nhưng so với học sinh tỉnh khác vẫn kém điểm, lại trượt.
Gã thầm nghĩ, nếu nàng đỗ công an, cuộc đời nàng sẽ như thế nào nhỉ? Biết đâu lại có nét giống nhà thơ – họa sĩ Nguyễn Quang Thiều?
Đang vẩn vơ ở nhà, thất vọng vì không biết làm gì, hay lại đi làm, giống như các anh chị trong nhà, nàng chợt nghe thông tin từ Nhà Văn hóa huyện Tràng Định là Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc (lúc đó chưa nâng cấp lên cao đẳng) tuyển sinh. Nàng mừng hết chỗ nói.
Nàng tự đi xe lên Thị xã Lạng sơn (lúc đó chưa nâng cấp thành Thành phố), cách huyện Tràng Định tới 70 cây số, để thi tuyển. Nàng nhớ ra là có quen cô Ly, giáo viên dạy họa của Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Lạng sơn, là bên thông gia với nhà nàng.
Nàng gặp cô Ly ngay trong phòng thi môn đầu - môn hình họa. Nghe nàng giải thích xong về mối quan hệ, cô Ly bảo nàng trưa hãy đến ăn cơm với cô.
Trực giác mách bảo, có mấy chục ngàn trong người, nàng bỏ hết ra mua một cân thịt quay mang đến. Nàng không muốn người khác nghĩ rằng nàng được mời ăn là “cô bé nhà quê chỉ biết vác mồm tới ăn”.
Cô Ly vui vẻ chỉ cho nàng cách vẽ, cách đưa ánh sáng vào bức tranh. “Chỉ như thế thôi bức tranh đó cũng khác các bài thi khác rồi”, nàng cười lém lỉnh.
“Cô còn cho mượn cả hộp màu nữa, chứ em chỉ mang theo bút chì màu đi thi”, nàng thật thà kể.
Chiều vào làm bài thi, theo cách chỉ bảo của cô Ly, nàng biết cách trang trí cánh hoa, biết làm đường diềm… Đợt thi ấy nàng được 14 điểm cho 2 môn, đỗ luôn vào trường trung cấp.
Họa sĩ Hiền Lương bên cạnh một bức tranh khỏa thân của cô trong Triển lãm Tháng Chạp (12.2020). Ảnh Huỳnh Phan.
10 năm liền học vẽ suýt nữa bỏ nghề
5 năm học ở Trường Trung cấp Văn hóa – Nghệ thuật Việt Bắc để lại trong nàng mấy kỷ niệm.
Thứ nhất, nàng lại phải tự đi xe một mình xuống Thái Nguyên, bởi mẹ thì ốm đau, còn các anh chị đi làm hết. Hồi đó, chỉ có xe chạy lúc 1 giờ đêm.
Thấy trên xe có một chị nói chuyện học kịch ở trường đó, nàng bám luôn chị ấy. Thế là chị ấy chỉ cho nàng làm hồ sơ thủ tục vào trường.
Chuyện thứ hai nàng gặp phải là đối mặt với chuyện “ma cũ bắt nạt ma mới”. “Em hồi đó phải xách nước rất xa về tắm, nhưng vừa xách về có đứa nói xin tí, rồi đổ cả xô nước của mình sang chậu của nó”, nàng nhớ lại.
Trong trường của nàng, đội học múa là đanh đá nhất. Có lần, có cô học múa tên Vân đánh một cô bé đến từ Lạng Sơn, cũng vì chuyện nước nôi. Cô bé, có chị làm trưởng đoàn, về mách chị.
“Thế là nhà trường đình chỉ học tập cô Vân kia làm gương, như thế bọn em mới yên đấy”, nàng cười.
Kỷ niệm cuối cùng về 5 năm học trung cấp của nàng là người thầy dạy vẽ năm cuối Trần Tuấn Vinh, một người đa tài và rất có tâm. Mấy chữ thầy tặng cho nàng khi tốt nghiệp là “học ít hiểu nhiều”.
“Thế cũng là lời khen đầy ý nghĩa, anh nhỉ?”, nàng quay sang nói với gã. Gã nghĩ hình như gã cũng có kỷ niệm tương tự khi viết báo, chỉ có điều gã chỉ học “mót” thôi, chứ không được đào tạo bài bản như nàng.
Nhưng niềm vui của người thầy không chỉ dừng ở đó. Khóa của nàng đa phần về địa phương làm thầy cô dạy vẽ, chỉ có 9 người quyết định tiếp tục sự nghiệp hội họa của mình. Và, mừng thay, cả 9 người đều đỗ vào Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
“Năm ấy, thầy xuống Hà Nội tham dự trại sáng tác tại Trung tâm Mỹ thuật Đương đại, và chiều hôm xuống thầy gọi ngay cho em. Lúc đó, em cũng vừa sắm chiếc điện thoại di động đâu tiên trong đời”, nàng tiếp bầu tâm sự.
Tối hôm đó, thầy khao cả nhóm 9 người, ở khu Đê La Thành, gần với Trung tâm Mỹ thuật Đương đại (17 Thành Công). Cả thầy lẫn trò đều vui, uống say túy lúy, hát hò véo von…
“Nhưng chỉ 1 tháng sau, chúng em nghe tin thầy đã mất. Thầy bị tông xe, khi về nhà vào ban đêm ở Thái Nguyên”, nàng nhỏ giọng lại.
Nàng lấy chồng khi còn đang học ở trường, yêu là lấy luôn một chàng cũng học Yết Kiêu, hơn tuổi nhưng học dưới nàng. Hè năm thứ 4, lúc 29 tuổi, nàng sinh con, vì nghe người ta nói đẻ muộn, sau 30, sẽ khó sinh.
“Các thầy, nhất là thầy Hiệu trưởng Lê Anh Vân, rất lo cho em. Thầy bảo, hay bảo lưu kết quả, rồi sinh con xong hãy học tiếp và thi”, nàng kể.
Sinh viên năm cuối hay lười học, cúp tiết liên tục, nên nhà trường qui định phải điểm danh. Nàng mang con đến lớp, lúc đó mới 3 tháng tuổi, khiến cô Mai, vợ thầy hiệu trưởng, phải hét ầm lên.
“Nhưng đứa bé hình như biết thương mẹ, cứ đặt xuống là ngủ, để mẹ vẽ. Làn da trắng muốt, cặp mắt tròn, ai cũng yêu”, nàng thốt lên, tự hào.
Nàng vừa trông con, vừa vẽ. Năm cuối, chủ yếu vẽ mẫu, nên mẫu nghỉ, nàng cũng tranh thủ nghỉ, vừa chăm sóc cho con.
Kỳ thi tốt nghiệp năm 2008, nàng đỗ luôn, trong sự ngạc nhiên của nhiều người. Nàng lúc đó cũng hướng về gia đình, nên muốn tìm một công việc ổn định trong nhà nước.
Người thân trong gia đình nàng tìm cho nàng một công việc ở Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn. Hồ sơ làm xong hết rồi, hôm sau nàng sẽ mang con lên Lạng Sơn.
Lúc đó, họa sĩ Trương Thị Ngọc Thư, bà đỡ đầu cho con gái nàng, nghe tin, tức tốc đến. Bà không cho nàng đi.
“Chồng ở đâu, vợ ở đó. Cố làm thêm mà rau cháo nuôi nhau, đến khi chồng tốt nghiệp thì xin về cùng một chỗ”, bà Thư đanh thép nói.
Nàng không đi nữa, chồng nàng giận nàng lắm, anh ta muốn nàng ổn định công việc để không phải quá lo lắng, ảnh hưởng đến việc học hành. Nhưng bà Thư đã giúp nàng vượt qua khó khăn đó: bà có nghề vẽ bưu thiếp trên giấy dó, và truyền nghề cho nàng.
“Người bán bày cả chồng ở các quầy lưu niệm, bởi nhiều khách du lịch không có tiền mua tranh to, họ có thể mua các bức bưu thiếp làm kỷ niệm nơi họ đến”, nàng nói. Nàng ký gửi 200 ngàn một bức, và cứ cuối tháng nàng lại đến lĩnh tiền.
Trong lúc đó, nàng bắt đầu lấy ý tưởng từ những tấm bưu thiếp để phát triển thành những bức tranh to. Cũng bán được 800 ngàn đến 1 triệu một bức. Cuộc đời họa sĩ chuyên nghiệp đã bắt đầu.
Nàng làm thế suốt năm, từ 2008 đến 2010, đến khi chồng tốt nghiệp. Thấy chuyện thuê nhà quá phức tạp, hay phải chuyển chỗ vì những chuyện không đâu, họ quyết định về Thành Phố Tuyên Quang, quê chồng nàng…
Hiền Lương bên các nam họa sĩ đồng nghiệp trong cuộc vui bên lề triển lãm. Ảnh do nhân vật cung cấp.
(Còn tiếp)
Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/tan-man-tuyen-quang-ky-1-nu-hoa-si-tinh-co-gap-post142370.html