Tản mạn về đôi đũa
Người Mường, cũng như nhiều dân tộc anh em chung sống trên dải đất Việt Nam từ lâu đời đã biết vót đũa và dùng đũa khi ăn.
Duy trì cách ăn bằng đũa là lẽ tự nhiên, đơn giản và thuận tiện, ai cũng có thể làm được. Người ta chọn chặt những cây bương hoặc tre già dóng dài, thẳng để vót đũa. Tháng Chạp, mọi người bận rộn với bao công việc chuẩn bị đón Tết, những người đàn ông cao tuổi trong gia đình đêm đêm bên bếp lửa nhà sàn bập bùng, lặng lẽ ngồi vót đũa.
Không chỉ sử dụng trong mâm cơm gia đình, đũa còn được bày lên trên mâm cỗ Tết, cúng tổ tiên, thần linh, thổ địa… tiễn năm cũ và đón năm mới. Ngày Tết, thay hết đũa cũ bằng những đũa mới vót, sang năm mới mong gặp được nhiều điều tốt lành, như ý với niềm tin "tống cựu, nghinh tân" là phong tục hay thói quen của người Mường.
Cử chỉ đầu tiên trong bữa ăn có lẽ là so đũa. Người ít tuổi nhất trong mâm thường tự giác nhận lấy phần việc này. Khi so đũa phải chọn từng đôi cho đều, không cọc cạch cho thực khách. Thường người cao tuổi hơn được "chia" đũa trước, khi đưa, đầu nhỏ của đôi đũa phải quay vào mâm! Người cao tuổi vẫn thường hay nhắc con trẻ, khi cầm đũa gắp thức ăn phải gọn, chỉ gắp phần thức ăn ở phía mình. Nhớ không thò đũa, chọn, lục lạo, xáo sở… sang phía bên kia. Đó là biểu hiện của người ăn tham. Người hay ăn kiểu đó, lần sau chẳng ai muốn ngồi chung mâm! Khi ăn, cũng không để đũa khua vào thành bát phát ra tiếng lách cách, leng keng…
"Ăn trông xuống, uống trông lên" hay "Ăn trông nồi, ngồi trông hướng"… Các cụ vẫn dạy như vậy!
Người Mường kiêng kị không dùng đũa để vụt, đánh trẻ con khi bực tức. Chuyện kể thế này: Xưa kia có một gia đình đông con, nheo nhóc, sống cạnh một khu rừng. Hai vợ chồng tần tảo làm lụng, kiếm sống mà cơm không đủ ăn, thiếu thốn đủ mọi thứ. Vào năm đói kém, chồng đi làm thuê mãi mới kiếm được chút gạo mang về đồ cho cả nhà ăn. Cơm đồ vừa chín đổ ra thúng, bọn trẻ lau nhau sáu, bảy đứa túa quanh thúng cơm và tranh nhau bốc bải. Người chồng quát bảo: "Ăn vừa thôi còn phần cho đứa em út". Lũ trẻ háu đói chẳng thèm nghe, cứ xông vào thúng cơm. Người chồng nóng nảy mất khôn, cầm đũa vụt tới tấp vào lũ trẻ. Bị đòn đau, bọn trẻ chạy tán loạn vào rừng thoát thân. Tưởng đám con trẻ chỉ đi đâu đó, chờ bố hết giận sẽ trở về, hai vợ chồng nghèo ngồi nhà chờ, đợi mãi đến chiều rồi tối mịt bọn trẻ vẫn biệt tăm. Một ngày, hai ngày… vẫn không thấy lũ trẻ trở về nhà. Hai vợ chồng hối hận, thương xót, hớt hải bủa đi tìm khắp khu rừng mà tung tích đàn con vẫn mịt mờ.
Hôm sau người mẹ vét nốt số gạo còn lại đồ, đợi cơm chín người mẹ mang cả thúng cơm vào cửa rừng thảm thiết gọi đàn con. Bỗng trên cành cây xuất hiện một đàn khỉ. Điều rất lạ, đàn khỉ nói được tiếng người! Chúng nhao nhao nói với người đàn bà rằng: "Mệ ơi, chúng con ăn trái khú đã no. Chúng con ăn trái vo đã đặm. Chúng con không còn ngẫm nghĩ đến bố, đến mệ nữa đâu…".
Nói đến đây, đàn khỉ chuyền cành cây rào rào và lao mất hút trong khu rừng hoang vắng rậm rạp, bỏ mặc người mẹ đau khổ vì mất con, ngất lịm dưới tán cây rừng…
Từ đó câu chuyện "người biến thành khỉ do bị đánh bằng đũa" lan đi khắp xóm, khắp mường. Và cũng từ đó không còn ai dám dùng đũa để đánh người khác, đặc biệt là trẻ em!
Trong lối nói, lối hát ví von của người Mường, đôi đũa cũng hay được nhắc đến. Trai thanh, gái lịch ngày xuân đi hội gặp gỡ nhau, cất lời hát hỏi thăm:
"Hỏi thăm cây mí (cây cọ) mấy chà
Bát cơm mấy hột hạt)
Đũa bằng mấy đôi?"
Người con gái ý nhị hát lại:
"Anh ơi cây mí một chà
Bát cơm một hột
Đũa bằng một đôi."
Hàm ý: Em vẫn còn đơn lẻ, chưa yêu ai!
Người con trai lại cất lời:
Bát cơm thêm hột
Đũa bằng thêm đôi?"
Trong kho tàng tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, không hiếm trường hợp đôi đũa "tham gia" làm tình tiết cho sự sáng tạo biểu đạt. Để bầu chọn, tìm ra người tiêu biểu, người ta hay lấy đũa để tạo nên hình tượng đẹp: "Bó đũa chọn cột cờ". Cũng như vậy, sức mạnh và tinh thần tập thể được ví như một "bó đũa" không dễ gì bẻ gãy! Còn nếu chê bai sự khập khiễng không tương xứng trong hôn nhân lại có câu:
"Bây giờ chồng thấp vợ cao
Như đôi đũa lệch so sao cho bằng"
Hay nhắc nhở:
"Xứng đôi vừa lứa chọn nơi
Hay gì đũa mốc lại chòi mâm son."
Các cụ ta cũng dạy, trong ăn ở giao tiếp: "Nói năng phải có đầu có đũa". Về tình nghĩa bạn bè, có câu: "Đôi ta làm bạn thong dong/ Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng".
Hình ảnh đôi đũa trở nên thắm thiết khi nói về tình nghĩa vợ chồng: "Vợ chồng như đũa có đôi!". Đũa phải có đôi thì mới có tác dụng, ngược lại nếu một nó chỉ là một cái que….
Đôi đũa nhỏ nhoi chúng ta cầm trên tay trong bữa ăn hàng ngày ẩn chứa biết bao cung bậc tình cảm, nỗi niềm con người đã gửi gắm. Dù có được sơn màu gì, hay để mộc, được làm từ bương tre, hay ngọc ngà… nó vẫn mãi là đôi đũa. Nếu nhìn sâu vào thời gian, chúng ta thấy đôi đũa có thể là một phát minh có niên đại lâu đời nhất của tổ tiên người Việt chúng ta!
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tan-man-ve-doi-dua-131731.html