Tận mắt quá trình huấn luyện cứu hộ trên bãi biển Đà Nẵng

Nhân viên cứu hộ bãi biển Đà Nẵng được các chuyên gia Hiệp hội Cứu hộ Australia (Úc) nhiệt tình huấn luyện lý thuyết và thực hành về các kỹ năng sơ cứu CPR (hồi sinh tim phổi), nghiệp vụ sử dụng phao cứu hộ, kỹ năng chạy, bơi, phòng chống đuối nước cho trẻ em, trao đổi các nghiệp vụ nhận biết dòng chảy, vùng xoáy trên biển, tín hiệu cứu hộ, vận chuyển nạn nhân, nhận diện tình trạng nạn nhân và CPR mô phỏng...

Để bảo đảm an toàn cho mùa du lịch biển đang trở nên sôi động, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng vừa phối hợp với Hiệp hội Cứu hộ Úc phối hợp triển khai hoạt động trao đổi kỹ năng, kinh nghiệm cứu nạn trên biển.

 Ông David Field (áo đen) và một số tình nguyện viên trong Hiệp hội Cứu hộ Úc cùng Đội cứu hộ bãi biển Đà Nẵng thực hiện những bài tập cứu hộ. - Ảnh: Phượng Nhung

Ông David Field (áo đen) và một số tình nguyện viên trong Hiệp hội Cứu hộ Úc cùng Đội cứu hộ bãi biển Đà Nẵng thực hiện những bài tập cứu hộ. - Ảnh: Phượng Nhung

Thực tế tại Đà Nẵng, các nhân viên cứu hộ cơ bản dựa vào kinh nghiệm, người trước truyền cho người sau để xử lý tình huống nguy cấp trên biển. Các quy trình ứng cứu chưa thực sự bài bản nên rất cần được tập huấn với chuyên gia nước ngoài để nâng cao và cập nhật những kỹ năng, nghiệp vụ cứu hộ hiện đại.

Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, chia sẻ: “Việc hợp tác với Hiệp hội Cứu hộ Úc cũng như cá nhân ông David Field – huấn luyện viên cứu hộ hàng đầu của hiệp hội là cơ hội rất tốt cho các nhân viên cứu hộ bãi biển Đà Nẵng. Chúng tôi sẽ duy trì các khóa huấn luyện này, để công tác cứu hộ bãi biển của ta có thêm những kỹ năng, kiến thức mới, cập nhật với trình độ các đội cứu hộ trên thế giới”.

 Ông Nguyễn Đức Vũ - Trưởng Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (bên trái) nhận quà lưu niệm từ Hiệp hội cứu hộ Úc. - Ảnh Phượng Nhung

Ông Nguyễn Đức Vũ - Trưởng Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (bên trái) nhận quà lưu niệm từ Hiệp hội cứu hộ Úc. - Ảnh Phượng Nhung

Trong khuôn khổ tập huấn, các nhân viên cứu hộ đã được cung cấp lý thuyết và thực hành về các kỹ năng sơ cứu CPR (hồi sinh tim phổi); nâng cao các kỹ năng, nghiệp vụ sử dụng phao cứu hộ, kỹ năng chạy, bơi; kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em. Bên cạnh đó, huấn luyện viên cứu hộ Úc còn trao đổi các nghiệp vụ cứu nạn tại bãi biển như nhận biết dòng chảy, vùng xoáy trên biển, tín hiệu cứu hộ, vận chuyển nạn nhân, nhận diện tình trạng nạn nhân và CPR mô phỏng, cũng như kỹ năng sử dụng các phương tiện cứu hộ chuyên nghiệp như jet ski (mô tô nước), tàu kéo,...

Trên bãi biển Đà Nẵng, các nhân viên cứu hộ được chia thành nhiều nhóm, thực hành trên cơ thể người, và trên mô hình dưới sự hướng dẫn của các huấn luyện viên. Các thành viên cũng được kiểm tra thể lực, các kỹ năng, nghiệp vụ cứu nạn tại bãi biển thông qua các bài tập. Ngoài bổ sung kiến thức về cách sơ cứu nạn nhân bằng phương pháp thủ công, buổi trao đổi còn hướng dẫn sử dụng máy khử rung tim bên ngoài tự động (AED). Đây là phần việc rất quan trọng trong cứu hộ, bởi cơ hội sống của nạn nhân nếu được khử rung tim trong những phút đầu lên đến 90%.

Anh Vũ Thìn, huấn luyện viên của Đội cứu hộ bãi biển Đà Nẵng tỏ ra hào hứng với các bước thực hiện kỹ năng hồi sinh tim phổi. “Bước đầu đưa nạn nhân lên bờ, cần kiểm tra ngay phản xạ của nạn nhân bằng cách vỗ vai. Nếu không cảm nhận được, xác nhận nạn nhân đã bất tỉnh, không thở được thì thực hiện CPR ngay. Và sau đó, nếu có máy khử rung tim thì tìm cách dán vào người nạn nhân để hồi sức tim phổi kịp thời”, anh Thìn cho biết.

Hiện nay, số lượng nhân viên cứu hộ của Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng là gần 100 người. Trong đó có 27 đội viên ưu tú, chủ chốt – là những người có năng lực được chọn đi huấn luyện để truyền đạt lại cho các thành viên khác.

Anh Nguyễn Anh Toàn, thành viên Đội cứu hộ bày tỏ: “Tôi thấy buổi huấn luyện rất chuyên nghiệp. Thầy David Field giảng dạy dễ hiểu, tận tình. Trong buổi huấn luyện, theo tôi kỹ năng hồi sinh tim phổi là quan trọng nhất vì đó là việc đầu tiên cần làm khi nạn nhân bất tỉnh, không thở. Những buổi huấn luyện thế này rất cần thiết đối với mỗi nhân viên cứu hộ biển chúng tôi, để đảm bảo an toàn tính mạng cao nhất cho người dân và du khách” khi gặp sự cố trên biển”.

Một số hình ảnh tập huấn cứu hộ trên biển

Nguyễn Nhung – Thu Phượng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tan-mat-qua-trinh-huan-luyen-cuu-ho-tren-bai-bien-da-nang-post1516353.tpo