Cỗ máy Antikythera là một trong những bảo bối đáng kinh ngạc của người cổ đại. Với niên đại khoảng 2.000 tuổi, cổ vật này được các thợ lặn phát hiện vào năm 1901 trong lúc trục vớt kho báu từ tàu buôn gặp nạn ngoài khơi đảo Antikythera của Hy Lạp.
Theo các chuyêm gia, Antikythera là cỗ máy tính lâu đời nhất thế giới. Nó vận hành bằng tay thể hiện chuyển động của vũ trụ, dự đoán quỹ đạo của 5 hành tinh, các pha của Mặt trăng, nhật thực và nguyệt thực.
Đến nay, các chuyên gia vẫn cố gắng giải mã cách người xưa tạo ra Antikythera và cách thức hoạt động của nó. Đồng thời, họ nỗ lực phục dựng cỗ máy Antikythera do cổ vật này bị mất 2/3 bộ phận khiến việc tìm hiểu chính xác cách thức hoạt động của nó không hề dễ dàng.
Vào năm 1938, nhà khảo cổ người Đức Wilhelm Konig tìm thấy những cổ vật được gọi là pin Baghdad ở bên ngoài thủ đô Baghdad, Iraq. Bảo vật này được xác định có niên đại khoảng 2.000 tuổi.
Theo các chuyên gia, nghiên cứu cho thấy mô hình của pin Baghdad có thể tạo ra dòng điện lớn hơn 1 volt. Phát hiện này cho thấy con người đã tạo ra điện năng từ rất sớm.
Cổ vật này có cấu tạo khá đơn giản với lớp vỏ ngoài làm bằng đất sét nung, nắp pin làm từ nhựa đường. Một thanh sắt gắn xuyên qua nắp bình, nằm trong một ống đồng. Sau đó, bình được đổ đầy dấm, rượu vang hoặc hoặc một số chất có tính axit khác.
Chúng đóng vai trò là dung dịch điện phân, giúp pin tạo ra điện. Thế nhưng, giới nghiên cứu hiện chưa thể giải mã mục đích thực sự của pin Baghdad được con người sử dụng vào khoảng 2.000 năm trước.
Khi tiến hành cuộc khai quật ở khu tàn tích Chan Chan thuộc Peru, các chuyên gia đã tìm thấy một thiết bị liên lạc tinh vi, có niên đại khoảng 1.200 - 1.400 năm trước. Nhiều người cho rằng cổ vật này là phiên bản sơ khai của điện thoại.
Theo các chuyên gia, thiết bị liên lạc cổ đại trên có cấu tạo gồm 2 chỏm của quả bầu, nối với nhau bằng một sợi dây. Hai chỏm bầu, dài khoảng 9 cm được quét nhựa cây để bảo quản, hoạt động như máy thu phát âm thanh. Cuối mỗi chỏm còn được căng một lớp màng có tác dụng như màng rung. Dây nối hai chỏm được làm bằng sợi bông bện lại, dài gần 23m.
Đến nay, giới chuyên gia đang nỗ lực giải mã người Chimu đã dùng thiết bị liên lạc cổ đại vào mục đích gì. Họ suy đoán món đồ này có thể thuộc về tầng lớp quý tộc hoặc linh mục.
Mời độc giả xem video: Hà Nội: Hàng loạt vụ mất trộm cổ vật tại đình chùa. Nguồn: THĐT1.
Tâm Anh (theo TTZ)