Đông Bắc Ấn Độ là một trong những khu vực ẩm ướt nổi tiếng. Trên sườn những ngọn đồi phía nam Khasi và Jaintia, loài cây cao su Ấn Độ phát triển mạnh mẽ. Chúng có bộ rễ khỏe, chắc chắn. Các rễ phụ mọc từ thân cây, dễ dàng vươn lên đỉnh những tảng đá khổng lồ dọc bên bờ sông. Loài cây này có tên đa búp đỏ (hoặc đa cao su).
War-Khasis và War-Jaintias là hai bộ tộc với mối thân tình từ xưa ở bang Meghalaya (Đông Bắc Ấn Độ). Họ vốn chú ý đến sự mạnh mẽ của rễ cây đa búp đỏ. Ý tưởng biến chúng thành những cây cầu vượt sông, phục vụ nhu cầu sinh sống cũng thế mà ra đời.
Theo BBC, ban đầu, người War-Khasis đã xây cầu bằng tre. Tuy nhiên, thời tiết khắc nghiệt khiến những cây cầu tre không thể chịu nổi sức phá hoại của gió bão. Cầu rễ cây ra đời đã thay đổi cuộc sống của họ.
Những người ở Meghalaya có nhiều cách để tạo nên cầu bằng rễ cây đa cao su. Đôi khi, họ dùng tay không buộc, xoắn nó vào nhau và đợi thời gian để rễ cây tạo thành hình dáng mong muốn. Theo truyền thống, người War-Khasis bắt đầu bằng việc trồng cây hai bên bờ. Sau đó, họ luồn và xoắn rễ quanh một cây cầu gỗ tạm thời để dẫn sang bờ bên. Khi rễ mọc sang bờ bên kia, người dân cắm nó xuống đất. Qua thời gian, rễ hấp thụ dưỡng chất, khỏe hơn và tạo nên những cây cầu vững chắc.
Thời gian để các cầu rễ cây phát triển có thể kéo dài tới 30 năm. Điều này còn phụ thuộc vào cách người dân chăm sóc rễ, thời tiết... Tuy nhiên, một khi chúng đủ cứng cáp, những cây cầu rễ cây có thể chịu được trọng lượng của hơn 50 người. Theo Atlas Obscura, ngoài tính vững chắc, các cây cầu rễ cũng có sức sống bền bỉ. Một số cây cầu cổ xung quanh thị trấn Cherrapunji có tuổi đời hơn 500 năm.
Do cách tạo hình rễ từ đầu không giống nhau, những cây cầu đặc biệt này khá đa dạng về kiểu dáng. Một số cây cầu rễ dài tới 51 m và cao 25 m, bắc qua những con suối. Đa số chỉ là cầu đơn lẻ. Tuy nhiên, một số cây cầu có thiết kế xếp chồng đặc biệt như Umshiang lại khiến nhiều du khách tò mò. Trong thời gian tới, cây cầu này có thể sẽ "mọc" thêm tầng thứ ba.
Tuy nhiên, số phận của những cây cầu rễ có lẽ sắp đi đến hồi kết. Theo The Living Root Bridge Project, người dân ở Meghalaya đang có xu hướng dùng những vật liệu hiện đại như kim loại để xây cầu. Việc xây dựng sẽ nhanh hơn đáng kể so với việc chờ rễ cây đa cao su phát triển. Dù vậy, một số người khác vẫn đang nỗ lực duy trì bản sắc này.
Theo Anh Tú/Zing