Tan nát rừng Ia Hdreh

Những cánh rừng ở xã Ia Hdreh (huyện Krông Pa) đã trở thành nơi lâm tặc lộng hành. Nhiều mảng rừng ở đây đã bị đốn hạ nham nhở. Bên trong, các lóng gỗ được tập kết thành bãi chờ vận chuyển đi tiêu thụ.

Thâm nhập bãi tập kết gỗ

Những ngày đầu tháng 4, từ nguồn tin của người dân về tình trạng phá rừng xảy ra tại xã Ia Hdreh, chúng tôi đã đến tận nơi để tìm hiểu. Từ ngã ba buôn Trinh (xã Ia Hdreh) trên đường Trường Sơn Đông, chúng tôi đi khoảng 15 km theo con đường đất gồ ghề, trắc trở để tiến vào khu vực trồng rừng của Công ty TNHH một thành viên Minh Phước. Tiếp tục di chuyển thêm gần 10 km trên con đường rừng với vô vàn con dốc đứng và những con suối khô trơ đáy, chúng tôi tiếp cận các nương rẫy của người dân ở khu vực giáp ranh với Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô (tỉnh Đak Lak).

Hàng chục lóng gỗ được lâm tặc đánh dấu theo số thứ tự và tập kết ở bìa rừng để chờ vận chuyển đi tiêu thụ. Ảnh: V.N

Hàng chục lóng gỗ được lâm tặc đánh dấu theo số thứ tự và tập kết ở bìa rừng để chờ vận chuyển đi tiêu thụ. Ảnh: V.N

Xung quanh các nương rẫy này là tua tủa những con đường mòn len lỏi vào rừng. Vừa rẽ vào một con đường rộng chừng 2 m với dấu vết bánh xe máy cày còn khá mới, chúng tôi đã phát hiện điểm tập kết gỗ đầu tiên ở một khoảng trống trong rừng. Trên nền đất là hàng chục lóng gỗ được xẻ hộp vuông vức với quy cách dài khoảng 2 m, rộng khoảng 20 cm, đa phần là gỗ bằng lăng. Đặc biệt, các lóng gỗ được lâm tặc dùng than đánh dấu bằng những chữ số. Người dẫn đường cho chúng tôi tiết lộ: Lâm tặc đánh dấu từng lóng gỗ tránh lẫn lộn với gỗ của các nhóm khác khi đưa lên xe máy cày để vận chuyển ra khỏi rừng và để tính tiền với người mua gỗ.

Tiếp tục bám theo các dấu vết bánh xe in hằn trên nền đất, chúng tôi phát hiện một bãi tập kết gỗ lớn hơn nhiều với trên 50 lóng gỗ bằng lăng nằm vương vãi, ngổn ngang khắp đám cỏ tranh bên cạnh các nương rẫy. Tất cả các lóng gỗ đều được xẻ bằng cưa máy với quy cách giống nhau, dài khoảng 2 m, rộng khoảng 20 cm. Theo người dẫn đường, lâm tặc xẻ các lóng gỗ với kích cỡ giống nhau theo “đơn đặt hàng” của người mua và phù hợp với thùng xe máy cày để có thể che giấu. Khi tập kết đủ số gỗ tại các khu vực trên, xe máy cày sẽ đến vận chuyển gỗ ra ngoài vào ban đêm nhằm tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Ở lối ra vào bãi tập kết này, lâm tặc còn chặt các ngọn cây để ngáng đường, không cho các phương tiện khác tiếp cận.

Rừng bị “xẻ thịt”

Một khoảnh rừng bị người dân chặt phá để làm rẫy. Ảnh: V.N

Một khoảnh rừng bị người dân chặt phá để làm rẫy. Ảnh: V.N

Để đi tìm câu trả lời về nguồn gốc những lóng gỗ vuông vức ấy, chúng tôi đã tiến sâu vào bên trong và chứng kiến cảnh rừng bị tàn phá tan hoang. Dọc theo các con đường xương cá với bề rộng đủ cho xe máy cày di chuyển, hàng loạt cây gỗ bị đốn hạ chỉ còn trơ gốc. Đa phần các cây bằng lăng, gáo, dổi… có đường kính gốc 40-50 cm trở lên đều lọt vào “tầm ngắm” của lâm tặc.

Đáng nói, tại thời điểm chúng tôi đi thực tế hiện trường vào ngày 11-4, hầu hết các vết cưa hạ cây rừng đều còn rất mới, chỉ trong khoảng 2-3 ngày trước đó. Tại nhiều gốc cây, nhựa vẫn đang rỉ ra, mùn cưa còn nồng nặc, lá trên các cành cây bị đốn đã rủ xuống nhưng vẫn còn xanh. Chỉ trong vòng 30 phút lần theo các con đường mòn trong rừng, chúng tôi đã phát hiện hàng chục tấm ván được xẻ từ các thân gỗ lớn có chiều dài khoảng 5 m, rộng khoảng 30 cm được chất thành từng đống chờ vận chuyển ra ngoài. Trong quá trình đi tìm các gốc cây bị cưa hạ, chúng tôi phát hiện có tiếng cưa máy vang rền giữa ban ngày trong khoảng thời gian khá lâu. Tuy nhiên, sau khi nghe tiếng động lạ, tiếng cưa máy đã im bặt.

Không chỉ bị cưa hạ theo kiểu “chọn lọc” từng chủng loại gỗ, những cánh rừng ở Ia Hdreh còn đang phải đối mặt với tình trạng chặt phá để làm nương rẫy. Với hành vi hủy hoại rừng này, hàng loạt mảng rừng nơi đây đang bị “cạo trọc”. Ghi nhận tại một điểm phá rừng vào ngày 11-4, chúng tôi thấy xót xa trước khung cảnh hoang tàn bởi hàng ngàn mét vuông rừng bị cưa hạ hoàn toàn. Từ những thân gỗ đường kính lớn khoảng 70 cm đến những cây gỗ nhỏ thuộc tất cả các chủng loại đều bị cưa lốc hạ gục.

Tại các khu vực này, những thân cây lớn được xẻ thành từng khúc 2-3 m để tận dụng lấy gỗ, các cành cây và phần thân gỗ nhỏ được gom lại thành từng đống để đốt bỏ. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở bên cạnh những nương rẫy đã được canh tác từ lâu mà còn xảy ra giữa những cánh rừng. Tại đây, nhiều khoảnh rừng đã bị chặt hạ tạo ra những mảng lốm đốm da báo khi nhìn từ trên cao.

Lực lượng bảo vệ rừng nói gì?

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Quốc Dụng-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa-cho hay: Đơn vị cũng thường xuyên phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô để nắm bắt tình hình, truy quét lâm tặc hoạt động ở vùng giáp ranh. Ủy ban nhân dân huyện cũng đã thành lập đoàn liên ngành do Hạt Kiểm lâm chủ trì thường xuyên kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, tập trung vào “điểm nóng” Ia Hdreh. Qua đó, đoàn liên ngành đã phát hiện tình trạng các nhóm lâm tặc từ tỉnh Phú Yên đến khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép ở khu vực này. Từ cuối tháng 2-2020 đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện 4 vụ tàng trữ lâm sản trái phép với hơn 10 m3 gỗ các loại.

Một gốc gỗ gáo vừa bị cưa vẫn còn dính nhựa cây. Ảnh: V.N

Một gốc gỗ gáo vừa bị cưa vẫn còn dính nhựa cây. Ảnh: V.N

“Ngày 24-3, trong quá trình truy quét, chúng tôi đã phát hiện, dỡ bỏ 3 lán trại của các đối tượng nằm ở vùng giáp ranh với Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô, thu giữ 3 cưa máy. Gần đây, các đối tượng thường xuyên lợi dụng việc vận chuyển nông sản của người dân và các phương tiện vận chuyển gỗ rừng trồng của công ty trồng rừng trên địa bàn, đặc biệt là khoảng thời gian đang thực hiện cách ly xã hội phòng-chống dịch Covid-19 để trà trộn hoạt động. Các đối tượng thường lợi dụng đêm tối, cắt cử nhiều “chim xanh” canh đường ở nhiều nơi để đề phòng lực lượng chức năng. Với tình trạng cơi nới, lấn chiếm đất rừng làm rẫy của các hộ dân sống trong khu vực, Hạt Kiểm lâm huyện cũng đã phát hiện, báo cáo UBND huyện, đồng thời đang xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật”-ông Dụng nói. Cũng theo ông Dụng, chiều 11-4, Hạt Kiểm lâm huyện đã phát hiện vụ tàng trữ lâm sản quy mô lớn rải rác ở nhiều điểm trong khu vực giáp ranh Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô với hơn 70 lóng gỗ các loại, ước tính khối lượng khoảng 10 m3.

Ông Tô Văn Chánh-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa: “Đây là khu vực nhạy cảm vẫn còn tồn tại tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp. Do đó, dù đang là thời điểm tập trung phòng-chống dịch Covid-19 nhưng UBND huyện vẫn chỉ đạo các lực lượng tăng cường tuần tra, chốt chặn để đấu tranh với lâm tặc. Ủy ban nhân dân huyện cũng sẽ phối hợp tốt hơn với địa phương giáp ranh để có phương án ngăn chặn triệt để hơn nữa tình trạng phá rừng”.

Còn ông Hoàng Thi Thơ-Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba thì chia sẻ: “Nắm thông tin về việc các đối tượng lâm tặc hoạt động ở vùng giáp ranh, chúng tôi đã cử một tổ công tác thường xuyên túc trực, kiểm tra để kịp thời ngăn chặn, xử lý. Đầu tháng 4-2020, tổ tuần tra đã phát hiện, thu giữ 4 chiếc xe máy độ chế mà lâm tặc dùng để vận chuyển gỗ. Thời gian tới, Ban sẽ cắt cử lực lượng trực 24/24 giờ để thực hiện hiệu quả hơn công tác bảo vệ rừng”.

Trong khi đó, ông Ksor Jú-Chủ tịch UBND xã Ia Hdreh-thừa nhận: “Ý thức bảo vệ rừng của đại bộ phận người dân còn khá hạn chế nên vẫn tồn tại tình trạng phá rừng làm rẫy. Thời gian qua, UBND xã đã nhiều lần vận động người dân di dời và trồng rừng trên đất lấn chiếm nhưng chưa thực sự hiệu quả, một phần cũng vì địa bàn rộng, khó quản lý”.

LÊ VĂN NGỌC

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1602/202004/tan-nat-rung-ia-hdreh-5677821/