Tân Ngoại trưởng Ukraine và thách thức ở phía trước

Việc bổ nhiệm ông Andriy Sybiha làm Bộ trưởng Ngoại giao mới của Ukraine là một bước đi chiến lược trong nỗ lực của Tổng thống Zelensky nhằm tăng cường sức mạnh ngoại giao của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Với kinh nghiệm và sự cứng rắn trong đối ngoại, ông Sybiha được kỳ vọng sẽ mang lại 'nguồn năng lượng mới' cho chính quyền Zelensky, giúp Ukraine vượt qua những thách thức lớn và duy trì sự ủng hộ quốc tế trong giai đoạn khó khăn này.

Tân Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Andriy Sybiha phát biểu tại một sự kiện ở Kiev. Ảnh: Bộ Ngoại giao Ukraine (mfa.gov.ua)

Tân Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Andriy Sybiha phát biểu tại một sự kiện ở Kiev. Ảnh: Bộ Ngoại giao Ukraine (mfa.gov.ua)

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mới đây đã thực hiện một cuộc cải tổ chính phủ lớn, thay thế Bộ trưởng Ngoại giao Dmytro Kuleba bằng Andriy Sybiha, cùng với gần chục bộ trưởng và quan chức cấp cao khác. Động thái này nhằm “làm mới” chính quyền và tăng cường năng lực trong bối cảnh cuộc chiến với Nga ngày càng căng thẳng và phức tạp. Cuộc cải tổ này được cho là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Tổng thống Zelensky để củng cố sức mạnh chính trị và ngoại giao của Ukraine trên trường quốc tế.

Bối cảnh thay Ngoại trưởng Ukraine

Dmytro Kuleba, người đã đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine từ tháng 3/2020, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự ủng hộ quốc tế dành cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, Ukraine đã gặp khó khăn khi sự ủng hộ từ các đồng minh phương Tây bắt đầu giảm sút.

Các quốc gia châu Âu, đặc biệt là Đức, đã chậm trễ trong việc cung cấp viện trợ tài chính và quân sự, dẫn đến những lỗ hổng nghiêm trọng trong ngân sách của Ukraine. Khoản vay 50 tỷ USD từ G7, được phê duyệt vào tháng 6 vừa qua, vẫn đang trong tình trạng tranh cãi giữa các quốc gia thành viên về phần đóng góp của từng nước, khiến Ukraine càng thêm khó khăn trong việc duy trì chiến dịch quân sự đối đầu với Nga.

Ngoài ra, quan hệ với Mỹ cũng trở nên căng thẳng khi Washington tiếp tục từ chối cho phép Ukraine sử dụng các loại tên lửa tầm xa của NATO để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Điều này đặc biệt cần thiết sau cuộc đột kích vào khu vực Kursk ở Nga hồi tháng 8 vừa qua, khi khả năng phòng thủ của các khu vực tiền tuyến ở Donbass bắt đầu sụp đổ. Đối mặt với những thách thức này, Tổng thống Zelensky cho rằng cần có sự thay đổi về mặt nhân sự để đáp ứng yêu cầu mới của tình hình.

Tân ngoại trưởng Andriy Sybiha: Kinh nghiệm ngoại giao và những kỳ vọng

Andriy Sybiha, người thay thế ông Kuleba, là một nhà ngoại giao dày dặn kinh nghiệm, từng giữ vị trí Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và sau đó là Phó Trưởng phòng Chính sách Đối ngoại tại Văn phòng Tổng thống Ukraine. Ông Sybiha nổi tiếng với sự cứng rắn trong các quan điểm đối với Nga và đã đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối các nỗ lực ngoại giao của Ukraine trong thời kỳ đỉnh điểm của cuộc xung đột.

Ông Sybiha đã thăng tiến nhanh chóng trong hệ thống ngoại giao Ukraine và có kinh nghiệm làm việc tại Đại sứ quán Ukraine ở Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Thời gian làm Đại sứ tại Ankara giúp ông xây dựng mối quan hệ vững chắc với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh quan trọng của Ukraine, đồng thời ông cũng giúp thiết lập chế độ miễn thị thực giữa hai quốc gia. Ông Sybiha đã chứng tỏ khả năng lãnh đạo và chiến lược trong các tình huống ngoại giao căng thẳng, điều này giúp ông trở thành lựa chọn lý tưởng để dẫn dắt chính sách đối ngoại của Ukraine trong giai đoạn khủng hoảng.

Thách thức phía trước

Tuy nhiên, tân Ngoại trưởng Sybiha sẽ đối mặt với những thách thức không nhỏ khi đảm nhiệm vị trí mới. Ông cần tìm cách duy trì và mở rộng sự hỗ trợ quốc tế trong bối cảnh sự ủng hộ dành cho Ukraine đang suy giảm, đặc biệt là tại các nước "Nam toàn cầu". Một nhiệm vụ quan trọng là điều phối các nỗ lực tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình sắp tới mà Tổng thống Zelensky đã kêu gọi, với hy vọng sẽ thúc đẩy sự tham gia của Trung Quốc và Nga.

Ngoài ra, ông Sybiha cũng cần khắc phục những bất đồng với các đối tác châu Âu, đặc biệt là Ba Lan. Mối quan hệ với Warsaw đã gặp khó khăn sau khi Ba Lan cấm nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine, một trong những nguồn thu quan trọng của nước này. Ông Sybiha đã công khai chỉ trích Ba Lan, cáo buộc họ làm suy yếu nền kinh tế Ukraine, nhưng ông cũng cần tìm cách duy trì quan hệ song phương quan trọng này để đảm bảo hỗ trợ quân sự tiếp tục từ phía Ba Lan.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo Bne.eu)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tan-ngoai-truong-ukraine-va-thach-thuc-o-phia-truoc-20240908175631049.htm