"Tứ Ân” được mở đầu khá đặc biệt, bằng tiếng chuông chùa ngân vang trên sân khấu. Đạo diễn Phạm Hoàng Giang đã tái hiện sống động, uy nghiêm lầu chuông với chuông chùa hàng trăm kg được thỉnh về. Màn trì tụng Chú Đại Bi do chư tăng cùng các nghệ sĩ thể hiện như lời cầu mong nhiều phước lành đến mọi người.
Ở ca khúc “Quê mẹ”, giọng ca tình cảm, da diết của Tân Nhàn khiến người xem như được trở về với những ký ức của riêng mình với hình bóng người mẹ thân thương hiện lên với bao vất vả, yêu thương.
Trong đêm “Tứ Ân”, Tân Nhàn lại một lần nữa kết hợp với NSƯT Đình Cương bài hát Văn “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”. Với tình cảm và sâu lắng, hai nghệ sĩ đã tiếp tục làm nhiều khán giả rưng rưng nhớ thương hơn những người mẹ hiền.
Tuy nhiên, ca khúc “Mục Kiền Liên cứu mẹ” Tân Nhàn gây ấn tượng mạnh hơn khi khéo léo thể hiện giọng hát tình cảm, chất chứa những đau xót giằng xé của mình khi hát về nỗi đau của Mục Kiền Liên khi muốn đau thay mẹ.
Nếu như ca sĩ Tuấn Anh - chồng Tân Nhàn thể hiện sự hào sảng qua ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” thì Lê Anh Dũng đưa người nghe vào một không gian thấm đẫm sự yêu thương và tình người qua ca khúc “Trở về”.
Ca khúc “Mẹ từ bi” do ca sĩ Thu Hằng thể hiện cùng phần dàn dựng múa Quan âm công phu trong khung cảnh sân khấu huyền ảo, linh thiêng đã gây ấn tượng mạnh cho khán giả.
Nghệ sĩ xẩm Quang Long và Mai Tuyết Hoa cùng nhóm Xẩm Hà Thành tiếp tục kể câu chuyện về Ân lớn lao, trời biển của Mẹ, cha qua “Theo cha ra biển mở buồm” và “Công cha ngãi mẹ sinh thành”.
NSƯT Việt Hoàn với “Một rừng cây, một đời người”, Tuấn Anh và Lương Nguyệt Anh với “Đất nước tình yêu” ở phần cuối chương trình khiến khán giả thấy hào hứng khi hát lên khát vọng sống hòa bình, sống hài hòa với thiên nhiên.
Chương trình “Tứ Ân” mừng Vu lan báo hiếu thực sự là một bản hòa ca mềm mại đầy lôi cuốn với nhiều cung bậc cảm xúc giữa Đạo và Đời.
Anh Phương
Ảnh: Hòa Nguyễn - Bình Quách