Tân sinh viên bỡ ngỡ những ngày đầu học online

Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp nên hầu hết các trường đại học tiếp tục duy trì hình thức giảng dạy online với sinh viên các khóa. Đặc biệt, tân sinh viên của các trường đại học cũng có nhiều bỡ ngỡ khi phải thực hiện thủ tục nhập học và học online.

Trải qua một năm học tập và ôn luyện đầy biến động do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các bạn tân sinh viên cũng đã làm quen với hình thức học online trước đó ở cấp THPT. Tuy nhiên, trong những tiết học đầu tiên ở môi trường đại học lại không tránh khỏi nhiều bỡ ngỡ: bạn bè mới, thầy cô mới, kiến thức và cách tiếp cận mới...

"Lúng túng" khi tiếp cận với phương pháp tự học hoàn toàn

Gặp gỡ em Nguyễn Thu Vân (cựu học sinh trường THPT Thái Phiên, thủ khoa khối C của Hải Phòng trong kỳ thi năm nay với số điểm 28,5) đã có chia sẻ ngắn trong những ngày đầu học online ở môi trường mới: "Do trước đó cũng đã phải học online nên em không gặp phải khó khăn gì. Các thầy cô dành hẳn tuần đầu để giới thiệu, hướng dẫn chương trình học và các quyền lợi, nghĩa vụ để tân sinh viên dần làm quen với môi trường mới.

Chương trình học, cách thi cử đánh giá đúng là khác rất nhiều với các cấp dưới. Em có tìm hiểu trước và có nghe thầy cô hướng dẫn nên không bất ngờ với việc xuất hiện nhiều môn học mới, khó, chuyên sâu. Em nghĩ còn phải học nhiều tiết hơn thì mới cảm nhận thêm được.

Những buổi học đầu, em đã nhận ra lớp khá đông bạn và lượng kiến thức truyền tải nhiều, thầy cô không thể đi sát từng bạn hay dành quá nhiều thời gian để chúng em hiểu kỹ một vấn đề. Nên chắc chắn sinh viên phải biết cách tự học. Em cũng hơi lo lắng vì chưa xác định rõ các môn học mới và khó như vậy thì phải tự học như thế nào mới hiệu quả".

Tranh thủ thời gian sau mỗi giờ học online ở nhà, Thu Vân dành thêm thời gian học ngoại ngữ, tin học, kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình... để không cảm thấy bỡ ngỡ trong mỗi lần giảng viên giao bài tập hay nhiệm vụ nghiên cứu.

Bỡ ngỡ khi một ngày chỉ học 1 ca

Khác với Thu Vân, em Hồng Thanh - tân sinh viên Học viện Ngân hàng (sống ở Ba Vì, Hà Nội) bày tỏ: "Bình thường ở cấp 3, lịch học phủ kín cả tuần và thời gian dày đặc nhưng khi lên đại học, em thấy thời khóa biểu phân ca, một ngày chỉ học 1 đến 2 ca và thời gian tách ca khá xa nhau làm em có chút bỡ ngỡ. Tuy nhiên với các khoảng trống này, em thấy thời gian để mình làm những công việc khác dễ hơn. Và thỉnh thoảng trong khoảng thời gian em chờ đến ca học của mình thì em có thể học một chút ngoại ngữ,

Bình thường, em khá ít nói chuyện với mọi người nên cũng ngại tương tác. Học online lại khiến em chưa quen được nhiều bạn bè. Tuy nhiên, em vẫn kết nối được với một số bạn thông qua mạng xã hội. Nhưng ngày nào cũng ngồi nhìn vào điện thoại, xung quanh cũng chỉ có một mình nên em mong sẽ được sớm đến trường".

Hồng Thanh cũng đang để ý đến một vài CLB liên quan đến học thuật và sở thích. Cô bạn dự định sẽ tham gia khoảng 2 CLB để giao lưu và trau dồi kỹ năng, kiến thức cho ngành học của mình.

Mong ngóng được trải nghiệm cuộc sống sinh viên

Tạ Nhật Anh (sinh năm 2003, cựu học sinh trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ - Hòa Bình) hiện là tân sinh viên Học viện Tài chính. Vốn là một chàng trai hướng ngoại nên Nhật Anh đang rất mong ngóng được trải nghiệm cuộc sống sinh viên thay vì học online.

Chia sẻ thêm với PV, Nhật Anh bày tỏ: "Hiện tại em đang duy trì tuần học công dân nên chưa thấy nặng về mặt kiến thức. Tuy nhiên, em cảm thấy khá hụt hẫng khi chưa được khám phá mọi thứ, từ ăn uống đến sinh hoạt ở Hà Nội, gặp gỡ bạn bè, đi tìm hiểu quanh thành phố... Mặc dù nghe các anh chị khóa trên "dọa" hay bị stress vì tiền ăn, tiền ở... nhưng em vẫn mong ngóng được trải nghiệm sớm.

Trong năm nhất đại học, em dự định sẽ đi làm thêm để có thu nhập, nâng cao môn tiếng Anh, học các kỹ năng mềm khác để tự tin hơn trong môi trường học tập mới.

Bổ sung thêm một trong những phương pháp dạy học online tiếp cận với tân sinh viên, Tiến sĩ Chu Đức Hà, giảng viên khoa Công nghệ Nông nghiệp, ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định: “Chúng ta phải nhìn nhận rằng dù là giảng dạy bằng hình thức trực tuyến hay đứng lớp thì chất lượng đào tạo phụ thuộc rất lớn vào giảng viên, trang thiết bị nhiều khi cũng chỉ là công cụ hỗ trợ. Tôi luôn dành ra một thời lượng nhất định để mô tả khung chương trình và những nội dung sẽ truyền tải, đồng thời cũng lắng nghe trao đổi từ phía sinh viên để hiểu nhau hơn, từ đó mới có thể làm việc với nhau lâu dài.

Giảng viên và sinh viên đại học không chỉ gặp nhau trên lớp mà luôn song hành cùng nhau trong những giờ nghiên cứu tại phòng thí nghiệm. Bên cạnh đó, tôi luôn định hướng sinh viên theo hướng học và làm, gắn chặt giảng dạy và nghiên cứu, kiến thức và thực tiễn. Sinh viên bắt buộc phải trang bị cho bản thân khả năng tự học và tư duy logic để củng cố kiến thức cơ bản của môn học dựa trên những gợi ý của giảng viên. Trong giờ học, một số case study (tình huống) hoặc bài toán của doanh nghiệp sẽ được đưa ra thảo luận, cài xen vào là những kiến thức cơ bản.

Chúng tôi cũng đang hoàn thiện những bài giảng số để có thể hỗ trợ sinh viên trong việc hấp thu kiến thức. Đây có lẽ cũng là lợi thế của đào tạo trực tuyến, khi mà giảng dạy trên giảng đường có thể “lời nói gió bay”, nhưng với những bài giảng số, sinh viên có thể nghe đi nghe lại.

Xét cho cùng, ngồi qua màn hình máy tính (hoặc điện thoại) suốt 6 tiết buổi sáng hay 6 tiết buổi chiều thì ngay cả giảng viên như tôi cũng cảm thấy căng thẳng chứ không phải chỉ mỗi các bạn sinh viên. Giảng viên phải nhìn nhận được bản chất của giáo dục đại học là việc kết hợp học tập với giải quyết các vấn đề thực tiễn thông qua hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Châu Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tan-sinh-vien-bo-ngo-nhung-ngay-dau-hoc-online-post1382929.tpo