Tân sinh viên cần cảnh giác với trầm cảm đầu năm học

Mượn game để quên đi nỗi nhớ nhà, vung tiền vào các cuộc vui… là những lựa chọn đáng buồn của nhiều tân sinh viên khi không thể tự vượt qua khó khăn trong giai đoạn đầu nhập học.

Thời điểm biết kết quả trúng tuyển đại học cũng là lúc tân sinh viên (SV) chuẩn bị khăn gói rời khỏi vòng tay gia đình, rời quê để bắt đầu cuộc sống mới. Giai đoạn đầu, tân SV sẽ gặp nhiều khó khăn nên rất dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, mất động lực nếu không được trang bị kỹ lưỡng.

Để thích nghi tốt, tân sinh viên cần phải chuẩn bị từ sớm, tốt nhất là khoảng thời gian sau khi thi xong, đợi kết quả. Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) hào hứng trong ngày khai giảng năm học mới 2022-2023. Ảnh minh họa: PHẠM ANH

Để thích nghi tốt, tân sinh viên cần phải chuẩn bị từ sớm, tốt nhất là khoảng thời gian sau khi thi xong, đợi kết quả. Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) hào hứng trong ngày khai giảng năm học mới 2022-2023. Ảnh minh họa: PHẠM ANH

Mượn game, tiêu tiền để bớt cô đơn

TS, quê Thừa Thiên-Huế, SV năm tư Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhớ lại ngày đầu vào TP.HCM nhập học bị móc túi, mất điện thoại ở bến xe khiến em rất lo sợ, bất an.

“Em chật vật không biết xoay tiền ở đâu để mua điện thoại mới. Tiền cha mẹ cho chỉ đủ đóng học phí, phí ký túc xá (KTX) và một chút ít để sinh hoạt. Nhờ bạn cùng phòng giúp đỡ, mỗi đứa góp một ít, em mới mua tạm được một cái điện thoại để dùng” - S nhớ lại.

Lúc đó đối với S, mọi thứ ở TP.HCM đều xa lạ, từ giọng nói đến thức ăn, S nghĩ mình không trụ được quá ba tháng. “Bản thân em cũng tự ti với giọng nói địa phương đặc sệt, sợ chia sẻ cũng không ai hiểu nên đành thôi” - S tâm sự.

Từ đó, để tìm kiếm niềm vui và giết thời gian, S đã tìm đến game, thậm chí không đắn đo mà bỏ học để ở KTX chơi game.

“Khi tập trung chơi game, em sẽ quên đi nỗi nhớ nhà cũng như áp lực học hành. Do vậy, năm nhất em rớt khá nhiều môn đại cương, điểm học phần của em rất thấp” - S chia sẻ với giọng đầy nuối tiếc.

TS đang tập trung học để cải thiện điểm số. Ảnh: VÕ THƠ

TS đang tập trung học để cải thiện điểm số. Ảnh: VÕ THƠ

Nếu đang trầm cảm, tốt nhất là phải cố gắng tìm sự trợ giúp càng sớm càng tốt thay vì một mình chịu đựng.

Còn NN, quê Bình Định, SV năm ba Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), mỗi lần kể lại đều bùi ngùi bởi khi mới nhập học chưa đầy một tháng mà em đã tốn gần 10 triệu đồng để mua sắm, chiêu đãi bạn bè.

“Trước đây em có tiền sử bị trầm cảm nên lúc nhập học em muốn có nhiều bạn bè, do đó em thường bao tiền nước, tiền cơm để làm quen với các bạn mới. Ngày nào cũng đi cà phê, cuối tuần thì tụ tập ăn nhậu” - N kể lại.

Chưa kể N còn có thói quen mua sắm vô tội vạ, gặp cái gì cũng thấy cần thiết và muốn mua, từ quần áo, mỹ phẩm, hay những món đồ mà đến nay vẫn chưa dùng tới…

N cứ nghĩ như vậy là bình thường cho đến khi hết tiền, N mượn bạn bè thì không ai đưa tay giúp đỡ.

Để thích nghi tốt, tân SV cần phải chuẩn bị từ sớm, tốt nhất là khoảng thời gian sau khi thi xong, đợi kết quả. Không cần thiết phải học các khóa học về kỹ năng mà có thể tự tìm hiểu trên mạng, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, thiết lập mối quan hệ.

Vượt qua trầm cảm nhờ chuẩn bị từ sớm

May mắn hơn S và N, Thanh Tiền, quê Nghệ An, SV năm hai Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết nhờ có sự chuẩn bị từ sớm nên em đã vượt qua được những khó khăn trong thời gian đầu nhập học.

Tiền kể do nhà xa nên cha mẹ không cùng em vào nhập học. Cảm giác bỡ ngỡ, xa lạ khiến Tiền vô cùng tủi thân.

Tuy nhiên, để dự phòng, Tiền đã tự tìm hiểu các phương pháp tự cứu bản thân khi rơi vào trạng thái này. Em chọn đọc những cuốn sách tích cực, thường xuyên tập thể dục và tự tìm niềm vui cho mình như vẽ tranh, học thêm một ngoại ngữ. Chính vì vậy, Tiền dễ dàng vượt qua và còn tự tin chia sẻ cho các tân SV khác trong năm học mới.

Anh Đinh Huỳnh Đức, chuyên viên tham vấn tâm lý phòng Hỗ trợ sức khỏe tinh thần thuộc Trung tâm Quản lý KTX ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết đầu năm học là giai đoạn nhiều tân SV tìm đến phòng Hỗ trợ sức khỏe tinh thần để giải tỏa những trăn trở.

“Các vấn đề chung của tân SV thường là mất động lực trong cuộc sống, trong học tập, chuyện tình cảm, áp lực đồng trang lứa... Nhiều bạn trải qua giai đoạn trầm cảm, lo âu nhưng không biết cách nhận diện nó, tự chữa lành hay tìm sự trợ giúp làm ảnh hưởng đến việc học cũng như trong sinh hoạt” - anh Đức cho biết.

Theo anh Đức, việc giáo dục tâm lý để các bạn nhận thức được vấn đề của bản thân đang trải qua rất quan trọng. Thời gian đầu, đối với các tân SV rất khó khăn khi phải xa gia đình, thay đổi môi trường một cách đột ngột. Tệ hơn nữa, nếu tân SV không có kỹ năng thiết lập mối quan hệ thì các bạn sẽ chỉ có một mình, ngày càng rơi vào trạng thái bế tắc, cô đơn và có dấu hiệu trầm cảm.

Đối với những bạn trong giai đoạn trầm cảm, lời khuyên tốt nhất của anh Đức là phải cố gắng tìm sự trợ giúp càng sớm càng tốt thay vì một mình chịu đựng.•

Phòng tư vấn tâm lý cho sinh viên

Ngày 23-8-2022, Trung tâm Quản lý KTX phối hợp với Trường ĐH KHXH&NV ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác chăm sóc sức khỏe tinh thần cho SV và phát triển phòng Hỗ trợ sức khỏe tinh thần đặt tại Trung tâm Quản lý KTX.

SV có thể trực tiếp đến phòng Hỗ trợ sức khỏe tinh thần (tại Trạm y tế khu A và tòa nhà B1, khu B, Trung tâm Quản lý KTX) để được tham vấn hoặc gọi số điện thoại 1900.055559 - 117 để đặt lịch trước. Ngoài ra, SV có thể gửi email đến địa chỉ hotrosuckhoetinhthanktx@gmail.com, trình bày vấn đề của mình để các chuyên gia tư vấn hỗ trợ. Phòng mở cửa từ thứ Hai đến thứ Bảy.

Các dịch vụ hỗ trợ bao gồm hỗ trợ tâm lý đồng đẳng, tư vấn, tham vấn tâm lý trực tiếp, tư vấn qua tổng đài, tư vấn qua email, phòng Hỗ trợ sức khỏe tinh thần còn bố trí thêm không gian đọc sách cho SV để giải tỏa căng thẳng.

VÕ THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/tan-sinh-vien-can-canh-giac-voi-tram-cam-dau-nam-hoc-post745838.html