Tán sỏi thận nội soi qua da thành công cho bé trai 27 tháng tuổi với đường hầm siêu nhỏ
Áp dụng phương pháp tán sỏi thận nội soi qua da bằng đường hầm siêu nhỏ (dưới 3 mm), các bác sĩ Bệnh viện E đã xử trí thành công ca bệnh sỏi thận cho bé trai 27 tháng tuổi.
BSCKI Mai Văn Lực – Khoa Phẫu thuật thận tiết niệu và nam học Bệnh viện E - cho biết, bệnh nhân là bé N.H.Đ.H (27 tháng tuổi, trú quận Hải Châu, Đà Nẵng), nhập viện trong tình trạng quấy khóc, đi tiểu có nước hồng.
Ngay khi bé nhập viện, các bác sĩ đã tiến hành siêu âm ổ bụng và chụp CT cho bé thì phát hiện thận trái có sỏi kích thước tương đối lớn so với thận: 10x8mm.
Gia đình cho biết đã phát hiện cháu bé bị sỏi thận trong lần đi siêu âm ổ bụng cho cháu lúc mới 6 tháng tuổi. Lúc đó, gia đình vô cùng lo lắng nên đã đưa con đi khám ở nhiều bệnh viện.
“Hầu hết các bác sĩ đều đưa ra phương án mổ mở để lấy sỏi thận cho con. Nhưng khi tìm hiểu các cơ sở điều trị sỏi uy tín trên toàn quốc, mẹ cháu đã liên hệ với TS.BS Nguyễn Đình Liên – Trưởng khoa Phẫu thuật thận tiết niệu và nam học Bệnh viện E - để lựa chọn phương án điều trị tốt nhất cho con”- bố cháu H. cho biết.
Sau khi tiến hành thăm khám, chẩn đoán và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ khoa Phẫu thuật thận tiết niệu và nam học đã hội chẩn với các bác sĩ Trung tâm tim mạch, khoa Gây mê hồi sức, khoa Chẩn đoán hình ảnh… và đưa ra phương án phẫu thuật cho bệnh nhân bằng phương pháp tán sỏi nội soi qua da với đường hầm siêu nhỏ.
TS.BS Nguyễn Đình Liên – người trực tiếp phẫu thuật cho cháu bé - cho biết: “Cái khó của ca phẫu thuật này là bệnh nhi quá nhỏ tuổi, nên các dụng cụ phải chuyên biệt và sử dụng một số dụng cụ thay thế. So với ca phẫu thuật ở người lớn tuổi sử dụng kỹ thuật tán sỏi nội soi qua da đường hầm nhỏ (18Fr tương đương 6mm) hoặc đường hầm chuẩn thức (24 Fr tương đương 8 – 10 mm) thì với bệnh nhi này, các bác sĩ sử dụng kỹ thuật tán sỏi nội soi qua da đường hầm siêu nhỏ (dưới 3mm) vào thận trái, tán vụ sỏi bằng laser, bơm rửa lấy hết các mảnh sỏi…”.
Cũng theo TS.BS Nguyễn Đình Liên, trong khi mổ, các bác sĩ đã kiểm tra lại các nhóm đài thận bằng máy soi và bằng siêu âm không còn mảnh sỏi, thời gian phẫu thuật kéo dài 45 phút, vết mổ được khâu lại và chỉ dài khoảng 4 -5 mm.
“Tuy nhiên, để thực hiện ca bệnh này đòi hỏi các bác sĩ phải giỏi chuyên môn, thao tác chính xác và tỉ mỉ nhằm hạn chế sang chấn nhu mô thận, giảm thiểu nguy cơ chảy máu, bảo tồn tốt đa chức năng thận cũng như các nguy cơ tai biến trong và sau phẫu thuật khác có thể xảy ra…
"Sau mổ 12 giờ, cháu bé đã vận động và ăn uống trở lại. Trên phim chụp sau mổ đánh giá là sạch sỏi so với phim cũ. Thông thường tán sỏi qua da ở người lớn thì ra viện sau mổ ổn định khoảng 3-4 ngày. Do cháu bé nhà ở xa, để đảm bảo an toàn cháu cũng được cho ra viện sau 5 ngày; mặc dù theo dự kiến cháu có thể ra viện sau tán sỏi 2 ngày bởi can thiệp ít xâm lấn”, TS.BS Nguyễn Đình Liên cho biết thêm.
TS.BS Nguyễn Đình Liên cho biết thêm, sỏi thận là bệnh lý thường gặp trong các bệnh lý đường tiết niệu. Tuy vậy, sỏi thận ở trẻ em lại ít được người dân quan tâm đúng mực do tỉ lệ gặp sỏi thận ở trẻ em thấp hơn nhiều ở người lớn. Trong khi đó, tỉ lệ mắc sỏi thận ở trẻ em có xu hướng gia tăng.
Chính vì vậy, khi phát hiện các triệu chứng như: đau vùng hông lưng, tiểu ít, tiểu máu, đặc biệt là nếu gia đình có tiền sử bị bệnh sỏi thận thì người bệnh nên đến các cơ sở y tế để thăm khám. Riêng đối với trẻ nhỏ, khi thấy trẻ dễ kích thích, quấy khóc, ói, thường xuyên nhiễm trùng tiểu biểu hiện qua triệu chứng khóc, la hét mỗi lần đi tiểu thì nên đưa trẻ đi thăm khám và áp dụng biện pháp chẩn đoán bằng siêu âm hệ tiết niệu và X quang bụng để phát hiện và điều trị.
Bệnh viện E kích hoạt báo động đỏ cấp cứu nạn nhân trong vụ tai nạn liên hoàn ở Tây Hồ
Triển khai thí điểm Hệ thống quản lý tiêm chủng E-vaccine tại bệnh viện Xanh Pôn
Không chỉ tìm lại bước đi cho "người sắt", Bệnh viện E còn nhiều thành tựu nổi bật