Tân Sơn hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững
PTĐT - Mùa trồng rừng năm nay, người dân huyện vùng cao Tân Sơn đón nhận tin vui, cùng với chính sách hỗ trợ cây giống, phân bón theo dự án phát triển rừng, bắt đầu từ năm nay, người dân sẽ được hỗ trợ chuyển hóa rừng gỗ lớn với diện tích lên đến 690ha cho cả giai đoạn 2020-2025.
Năm nay, huyện Tân Sơn được hỗ trợ 900ha cây gỗ lớn (chương trình hỗ trợ cây giống) và chuyển hóa 120ha rừng gỗ lớn. Trong năm 2021-2022, huyện sẽ có 4.000ha rừng trên địa bàn các xã Thu Cúc, Vinh Tiền, Thạch Kiệt, Thu Ngạc, Mỹ Thuận, Xuân Đài, Kim Thượng được hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện các biện pháp kỹ thuật chuyển hóa rừng gỗ lớn, cấp chứng chỉ FSC trong giai đoạn 2019 - 2025 là 7,78 tỷ đồng. Cùng với hỗ trợ rừng sản xuất, thực hiện Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 16/7/2019 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh,
huyện Tân Sơn đã ban hành, triển khai kế hoạch thực hiện các chính sách hỗ trợ với tổng kinh phí thực hiện trong giai đoạn 2019-2025 là 22,139 tỷ đồng nhằm thúc đẩy sản xuất, phát huy tiềm năng thế mạnh, các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của huyện; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; đẩy mạnh việc ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ, tạo chuỗi liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, đưa chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn vào thực tiễn; tạo động lực đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, khắc phục những hạn chế của sản xuất nhỏ, thiếu liên kết.
Với tổng kinh phí 6 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu chè xanh Phú Thọ, huyện hướng tới mục tiêu giữ ổn định tổng diện tích 3.240ha chè toàn huyện; thực hiện hỗ trợ 5 dự án sản xuất, chế biến chè xanh gắn với xây dựng thương hiệu chè Phú Thọ của các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề với tổng diện tích vùng nguyên liệu trên 80ha, có công suất chế biến đạt từ 50 tấn chè búp tươi/cơ sở/năm trở lên. Trong năm 2019-2020, huyện triển khai thực hiện hỗ trợ 2 dự án với tổng quy mô vùng nguyên liệu 30ha, gồm: HTX sản xuất chế biến chè an toàn Long Cốc (xã Long Cốc), HTX sản xuất chế biến chè Hoàng Văn (xã Văn Luông). Từ năm 2022-2024, huyện thực hiện hỗ trợ 3 dự án trên địa bàn các xã Minh Đài, Thu Cúc, Mỹ Thuận...Hỗ trợ chi phí thực hiện quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) trong thời kỳ bưởi kinh doanh, huyện Tân Sơn xác định tập trung vùng trồng bưởi tại các xã Minh Đài, Văn Luông, Tân Phú, Thạch Kiệt để tổ chức sản xuất theo hướng an toàn, theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững sản phẩm bưởi. Trong giai đoạn 2020-2022, huyện thực hiện hỗ trợ sản xuất theo quy trình GAP với 33ha cho 5 cơ sở là HTX, tổ hợp tác tại các xã: Minh Đài, Tân Phú, Văn Luông. Giai đoạn 2019-2025, huyện được hỗ trợ xây dựng và phát triển 4 dự án theo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đối với các ngành hàng chủ lực, ngành hàng tiềm năng, sản phẩm đặc trưng của địa phương. Trong đó có 2 dự án do UBND tỉnh phê duyệt (dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ gà nhiều cựa Tân Sơn; dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bò thịt), 2 dự án do UBND cấp huyện phê duyệt (dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo chất lượng cao; dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè xanh, chè đen). Với mục tiêu từng bước sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, phấn đấu mỗi xã ít nhất có một cơ sở giết mổ nhỏ lẻ gia súc, gia cầm bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và phòng ngừa dịch bệnh động vật theo quy định, trong năm nay, huyện Tân Sơn được hỗ trợ xây dựng thí điểm một cơ sở giết mổ lợn tập trung tại xã Thu Cúc đảm bảo các điều kiện về ATTP theo quy định. Tập trung thu hút doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, trình độ sản xuất cao đầu tư sản xuất kinh doanh các sản phẩm là cây trồng, vật nuôi chủ lực của địa phương, huyện Tân Sơn thực hiện hỗ trợ về lãi suất vay, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí... cho các doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2020-2025, huyện đặt mục tiêu thu hút 2-3 doanh nghiệp đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn...6 nội dung thực hiện hỗ trợ không chỉ là 6 điểm tựa giúp nông nghiệp Tân Sơn phát triển bền vững mà còn tạo tiền đề, động lực giúp người dân vùng cao mở hướng làm giàu ngay trên đồng đất quê hương, chung tay xây dựng cuộc sống mới ngày càng sung túc.