Tận tâm chăm sóc người có công
Bằng trách nhiệm và tấm lòng tri ân sâu sắc, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, điều dưỡng tại Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công Thanh Hóa đã tận tâm, tận lực chăm sóc thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người bị nhiễm chất độc da cam như chính người thân của mình. Những cống hiến thầm lặng của họ đã đồng hành cùng người có công vượt qua nỗi đau thương tật, bệnh tật, giúp người có công sống lâu, sống khỏe mỗi ngày.
Năm 2000, sau khi tốt nghiệp Trung cấp Điều dưỡng, anh Trịnh Văn Cường, xin vào làm việc tại Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công Thanh Hóa. Anh Cường chia sẻ: "Sinh ra trong thời bình, không chứng kiến các cuộc chiến tranh, nhưng khi tiếp xúc, chứng kiến những vết thương mà các bác, các cô, chú đang phải hứng chịu mới biết chiến tranh quá khốc liệt. Đơn cử như trường hợp của chú Lê Công Vụ, thương binh hạng 1/4, tỷ lệ thương tật 81%, quê ở xã Xuân Quang (Thọ Xuân), do vết thương tái phát, chú phải đi điều trị nhiều lần tại Bệnh viện Quân đội 108 và phẫu thuật tới 4 lần để cắt bỏ đôi chân và 2 bàn tay vì tắc động mạch tứ chi. Rồi nhiều bác thương, bệnh binh tâm thần phải chịu đựng nỗi đau thương tật, bệnh tật tái phát la hét, đập phá, xé chăn màn, đuổi đánh cán bộ, nhân viên... mới thấu hiểu sự mất mát, hy sinh của các bác, các chú quá lớn".
“Gắn bó với trung tâm đã gần 24 năm, hiện là Trưởng khoa Thương binh, bệnh binh tâm thần, bản thân luôn dặn lòng sẽ không ngừng nỗ lực phấn đấu, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn để chăm sóc, phục vụ các bác, các chú ngày một tốt hơn cả về sức khỏe và tinh thần, bù đắp phần nào sự mất mát, hy sinh của các bác, các chú, giúp họ vượt qua những đau đớn thương tật, bệnh tật, tích cực điều trị và rèn luyện, coi trung tâm là ngôi nhà chung của mình” - anh Cường chia sẻ.
Là y sĩ Khoa Chăm sóc người bị nhiễm chất độc hóa học, chị Lê Thị Tương được giao nhiệm vụ điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho người bị nhiễm chất độc hóa học. Nói về cơ duyên làm việc, gắn bó với trung tâm, chị Tương chia sẻ: "Năm 2002, sau khi tốt nghiệp THPT, tôi đến trung tâm chăm sóc cho bố đẻ là Lê Trọng Tài, thương binh nặng đặc biệt với tỷ lệ thương tật 82%. Sau đó, được nhận vào làm tại đơn vị cho đến nay. Tôi thấy mình thật may mắn và tự hào được chăm sóc cho các cô, các chú là những người đồng đội, đồng chí của bố. Công việc tuy vất vả nhưng thật ý nghĩa. Mỗi ngày đến trung tâm tôi luôn cảm thấy tinh thần phấn khởi, nhiệt huyết bởi đã góp một phần công sức nhỏ bé của mình để tri ân công lao của những thế hệ đi trước đã cống hiến tuổi xuân, hy sinh một phần xương máu để chúng ta có được ngày hôm nay.
Làm việc, tiếp xúc, chăm sóc cho các bác thương binh, bệnh binh lúc tuổi đời còn rất trẻ, chưa có kinh nghiệm về cuộc sống, nhưng khi chứng kiến những cơn đau vật vã, những con người bị mất đi một phần cơ thể, tôi cảm thấy đau xót, thương tâm. Có một tình huống đã lâu nhưng tôi còn nhớ rõ, khi đó bác Hùng với thương tật nặng, lại bị căn bệnh ung thư gan hành hạ. Lúc nằm ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị, bác muốn tuyệt thực để tự kết liễu đời mình. Cảm nhận được nỗi đau của bác, cả đêm đó tôi đã ngồi chia sẻ, tâm sự, động viên bác, bày tỏ nỗi lòng của người con nếu mất bố. Vì tôi đã từng ở trong hoàn cảnh như vậy. “Liều thuốc tinh thần” đã xoa dịu nỗi đau thương tật, bệnh tật, sau đó bác đã tích cực phối hợp điều trị và chịu khó ăn uống nhiều hơn".
Gắn bó gần nửa đời người với trung tâm, thương binh đặc biệt hạng 1/4, tỷ lệ thương tật 81% Bùi Thanh Va, cho biết: "Tôi về trung tâm từ năm 1986 trong tình trạng cụt 1/2 đùi phải, có tiền sử viêm gan B mãn tính và thường xuyên đau ốm. Được đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng viên ngày đêm tận tình chăm sóc, sức khỏe tôi ngày càng ổn định, dần dần bắt đầu tập đi bằng nạng. Cảm phục công việc các điều dưỡng viên, tôi đã nên duyên với cô y tá hàng ngày chăm sóc tôi. Hiện tôi có 2 người con trai. Các con tôi lớn lên, học hành và được trung tâm báo cáo với Bộ Quốc phòng đưa vào làm việc trong quân đội.
"Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cơ sở vật chất ở đây ngày càng khang trang. Trước đây phòng ở chỉ có 1 cái quạt, giờ được trang bị thêm ti vi, điều hòa. Công tác thăm khám, điều trị ân cần, chu đáo, nhất là khi chúng tôi phải đi điều trị tuyến Trung ương, anh chị em thay nhau đi chăm sóc từ 7 đến 10 ngày/người/đợt nhưng không ai quản ngại, kêu than mà canh trực, chăm sóc tận tình. Có những công việc nhiều khi người thân còn ngại nhưng các điều dưỡng viên tại trung tâm lại không quản ngại" - Thương binh đặc biệt Bùi Thanh Va tâm sự.
Với thương binh Trần Thị Mai, vào trung tâm điều trị từ năm 1984 trong tình trạng bị thương nặng, không chồng, con. Hiện bác thường xuyên cao huyết áp, rối loạn nhịp tim, tai biến mạch máu não, liệt 1/2 người dưới. Vì vậy, mọi ăn uống, sinh hoạt đều nhờ hết vào y tá, điều dưỡng và thường xuyên được đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, điều dưỡng động viên cố gắng chiến thắng bệnh tật. Bác luôn coi trung tâm là nhà, các y, bác sĩ, điều dưỡng là người thân của mình.
“Tiếp nối mạch nguồn tri ân người có công, tập thể lãnh đạo, viên chức, người lao động Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công Thanh Hóa tiếp tục chung sức, đồng lòng xây dựng đơn vị vững mạnh, đoàn kết. Không ngừng nâng cao chất lượng công tác phục vụ, chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng; thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng” - Giám đốc Trung tâm Nguyễn Văn Thư nhấn mạnh.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tan-tam-cham-soc-nguoi-co-cong-220084.htm