Tận tâm chăm sóc sức khỏe người dân vùng cao

Y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng, đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Bởi vậy, những người đứng đầu các trạm y tế xã, phường đang gánh vác những trọng trách không nhỏ, đặc biệt là tại những địa bàn vùng cao nhiều khó khăn. Với tinh thần nhiệt huyết, tận tâm với công việc, họ là những tấm gương sáng, xứng đáng được ngợi ca.

Những cán bộ y tế xã đóng vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Những cán bộ y tế xã đóng vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Trưởng trạm với tinh thần người lính

Tính đến nay, ông Bùi Đăng Quang, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Pha Long đã có 33 năm gắn bó với công tác y tế ở huyện vùng cao Mường Khương. Những bước chân bền bỉ, vững chãi của người lính xuất ngũ đã in dấu trên khắp các thôn, bản của địa phương để thực hiện công tác y tế dự phòng và khám, chữa bệnh cho người dân.

Năm 18 tuổi, ông Quang nhập ngũ và được đào tạo trở thành y tá Đại đội 20, Trung đoàn 450, Quân đoàn 29 (Quân khu 2) đóng quân tại huyện Bảo Thắng. Sau hơn 4 năm, ông trở về làm cán bộ Đội vệ sinh phòng dịch của Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương. Phấn đấu nâng cao năng lực chuyên môn, ông được cử đi học lớp Trung cấp Y tế, Trường Trung học Y tỉnh Yên Bái và trở về công tác tại Trung tâm Y tế huyện. Sau đó vài năm, ông được tin tưởng giao nhiệm vụ Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tả Ngài Chồ - xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường Khương.

Tại đây, ông Quang luôn gương mẫu, không ngại khó, ngại khổ, phụ trách những thôn xa xôi, khó khăn nhất. Ông tạo uy tín với người dân vùng cao bằng lối sống giản dị, gần gũi, nhiệt tình trong công việc. Bởi vậy, công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về cách phòng bệnh, tiêm chủng, vệ sinh môi trường cũng thuận lợi và hiệu quả hơn. Năm 2007, ông Quang tiếp tục luân chuyển làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Pha Long, cũng là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Mường Khương. Tại đây, ông dốc lòng cùng cán bộ y tế xã xây dựng trạm, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và thực hiện tốt chương trình mục tiêu y tế, luôn đạt và vượt kế hoạch được giao.

Ở huyện Mường Khương, ông Hoàng Ngọc Ánh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nấm Lư cũng là một cán bộ y tế bước ra từ quân ngũ. Quê ở Yên Bái, nhưng ông xin chuyển ngành, tình nguyện lên vùng cao Lào Cai công tác và được phân công về xã Nậm Chảy. Ông Ánh tâm sự: Tôi lên nhận công tác từ năm 1996, khi đó xã Nậm Chảy chưa có điện, đường lên xã, thôn là đường mòn, đường rừng; người dân chưa có kiến thức về phòng bệnh, điều trị bệnh và ít quan tâm đến sức khỏe, còn rất nhiều hủ tục trong việc cưới, việc tang, chữa bệnh.

Trong 36 năm làm việc tại xã Tả Gia Khâu và xã Nấm Lư, dù ở địa bàn nào, ông cũng luôn tâm niệm phải hết mình trong công việc để làm tốt công tác khám, chữa bệnh, đẩy lùi hủ tục, nâng cao tỷ lệ tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe cho bà con.

Bác sỹ Hoàng Ngọc Ánh khám bệnh cho người dân.

Bác sỹ Hoàng Ngọc Ánh khám bệnh cho người dân.

Những trạm trưởng 9X

Ở Hoàng Thu Phố (Bắc Hà), mọi người đều biết đến Trạm trưởng Trạm Y tế xã chưa tròn 30 tuổi Đoàn Linh Chi và nói về chị với tình cảm quý mến, tôn trọng. Năm 2012, chị Linh tốt nghiệp y sỹ đa khoa, Trường Trung học Y tỉnh Yên Bái và lên công tác tại xã Nậm Đét. Chị Chi bộc bạch: Vừa ra trường, tôi được phân công về một xã khó khăn, xa xôi bậc nhất ở huyện Bắc Hà, nhưng không vì thế mà tôi nản chí. Tôi luôn nỗ lực trong công việc và khắc phục những khó khăn, như đường sá đi lại khó khăn, chủ yếu đi bộ hàng chục cây số lên thôn, bản; bất đồng ngôn ngữ… Tôi rèn luyện, học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp và gần gũi với cán bộ địa phương để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Sau 5 năm làm việc, chị Chi đã khẳng định được năng lực của mình và được bổ nhiệm chức Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hoàng Thu Phố. Mặc dù chỉ cách trung tâm huyện 5 km, nhưng Hoàng Thu Phố vẫn là xã khó khăn. Chị tính cực tuyên truyền, góp phần thay đổi nhận thức cho bà con trong công tác tiêm chủng, vệ sinh môi trường và chủ động phòng bệnh; nêu gương trong mọi công việc và trau dồi kiến thức để có nghiệp vụ vững vàng.

Anh Mai Văn Thái cũng là một trong những trạm trưởng thế hệ 9X, nhận nhiệm vụ làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tả Phời (thành phố Lào Cai) khi mới 24 tuổi. Năm đầu tiên nhận trọng trách phụ trách trạm, anh có nhiều lo lắng, tuy nhiên, với sự cố gắng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn và năng động trong công tác quản lý, điều hành, anh ngày càng được đồng nghiệp và bà con tin tưởng.

Xã Tả Phời có 22 thôn, trong đó có 8 thôn vùng cao, người dân sống rải rác, địa bàn rộng, phức tạp, anh Thái nhận nhiệm vụ phụ trách những thôn xa xôi nhất, như Phìn Hồ Thầu, Láo Lý. Anh đến từng hộ, điều tra nguồn nước, an toàn vệ sinh thực phẩm, dinh dưỡng; khám bệnh cho người già, vận động người dân đưa người ốm đến trạm y tế… Để làm tốt công tác tuyên truyền, anh có cách làm hay khi phát huy tốt vai trò của những người có uy tín trong thôn, bản. Những nỗ lực của anh được ghi nhận bằng tình cảm quý mến của người dân.

Ngành y tế đang tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực mạng lưới y tế cơ sở, bởi vậy điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc tại các trạm y tế đã có nhiều thuận lợi. Ông Ánh, ông Quang, anh Thái, chị Chi và hàng trăm trạm trưởng trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh vẫn đang nỗ lực trong công tác quản lý, chuyên môn để xây dựng các trạm y tế xã thành địa chỉ uy tín, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân vùng cao Lào Cai.

Phương Thảo

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/suc-khoe/tan-tam-cham-soc-suc-khoe-nguoi-dan-vung-cao-z12n2019112410293639.htm