Tận tâm là bởi thương thầm đấy thôi

Có người nói với tôi, cô ấy luôn thấy người tận tâm tự cảm nhận được hạnh phúc. Cho dù hạnh phúc ấy có thể không giống ai, không ai hiểu thấu được. Tận tâm là bởi thương thầm đấy thôi.

Thời sinh viên, thầy dạy tôi môn Các trào lưu văn học phương Tây có nhắc tới từ tận hiến khi nói về tình yêu của thằng gù Quasimodo dành cho cô gái Digan Esmeralda.

Quasimodo gắn cuộc đời mình với nhà thờ Đức Bà Paris, với từng pho tượng, chiếc chuông, dù lớn hay nhỏ. Tôi nhớ mãi những dòng trong cuốn sách khi kể về Quasimodo: "Nó thấy nhà thờ không chỉ là xã hội, mà còn là vũ trụ, còn là toàn bộ thiên nhiên. Nó không mơ ước rặng cây bên đường nào khác ngoài các khung cửa kính vẽ hoa, không mơ bóng râm nào khác ngoài vòm lá bằng đá đầy chim chóc, xum xuê tỏa rộng trên đỉnh dãy cột kiểu Xắc-xông, không mơ núi non nào khác ngoài dãy tháp khổng lồ của nhà thờ, không mơ biển cả nào khác ngoài Paris đang rì rầm dưới chân tòa tháp."

Các trào lưu văn học phương Tây có nhắc tới từ tận hiến khi nói về tình yêu của thằng gù Quasimodo dành cho cô gái Digan Esmeralda. Ảnh minh họa.

Các trào lưu văn học phương Tây có nhắc tới từ tận hiến khi nói về tình yêu của thằng gù Quasimodo dành cho cô gái Digan Esmeralda. Ảnh minh họa.

Với ai đó, kéo chuông, canh giữ nhà thờ chỉ là một công việc mưu sinh qua ngày với vài đồng lương còm cõi. Quasimodo hoàn toàn không giống thế. Nó chuyện trò với từng tượng đá hàng giờ. Nó hiểu tận tường từng ngóc ngách trong nhà thờ cũ đã xây từ thời Trung cổ. Nó yêu cái gác chuông nhỏ đã làm nó bị điếc tai. Như vậy, thằng gù đã đủ tận tâm với những gì nó làm chưa?

Tôi nghĩ là có, Quasimodo tận tâm và tận hiến. Hiến dâng hết thảy bằng tất cả tấm lòng mình cho một ai đó, một điều gì đó. Tình yêu của gã không chỉ dành cho cô gái Bohemian ngây thơ, nóng bỏng mà còn dành cho nhà thờ tới tận khi chết đi.

Quasimodo hiểu tận tường từng ngóc ngách trong nhà thờ cũ đã xây từ thời Trung cổ. Ảnh minh họa.

Quasimodo hiểu tận tường từng ngóc ngách trong nhà thờ cũ đã xây từ thời Trung cổ. Ảnh minh họa.

Thời điểm trước khi cuốn sách ra đời, người ta đã bỏ mặc nhà thờ Đức Bà vì sự cũ kĩ của nó. Chính nhờ có tiểu thuyết này mà công trình kiến trúc đồ sộ ấy được tu sửa lại. Nên là, sự tận tâm của một người dẫu cho âm thầm vẫn gây ra tác động lớn tới người khác.

Chẳng cần vi vu trên trang sách tới tận trời Âu, nơi có thằng gù kéo chuông nhà thờ, tôi vẫn bắt gặp sự tận tâm ngày ngày ngay trong những việc làm bình dị của mẹ tôi. Mẹ thuộc tuýp phụ nữ truyền thống, việc gì cũng nghĩ cho chồng con trước hết. Bao nhiêu năm nay, mẹ quán xuyến công to việc bé trong nhà. Ba tôi may mắn vì ông chỉ cần đi làm kiếm tiền. Ông không cần phiền lòng lo toan chuyện gì khác cả. Vậy nên tôi luôn cảm thấy mẹ thiệt thòi. Đúng hơn là khổ nhọc.

Bà có thể làm hai công việc một lúc, ngủ vài ba tiếng mỗi ngày chỉ để kiếm đủ tiền xây ngôi nhà cho ba chị em tôi không phải tá túc trong một căn phòng trọ nhỏ tồi tàn. Bà cặm cụi dành hàng tiếng đồng hồ ngồi khâu lại những chỗ rách trên quần áo của chồng. Bà bớt thời gian nghỉ ngơi để pha cho ba tôi mấy chai nước chanh ngày hôm sau cứ thế mang đi làm. Và cho dù rất bận hoặc rất mệt, bà vẫn sẽ cố gắng chiều chuộng những sở thích có đôi khi vô lí của chồng con.

Mẹ thuộc tuýp phụ nữ truyền thống, việc gì cũng nghĩ cho chồng con trước hết. Ảnh minh họa.

Mẹ thuộc tuýp phụ nữ truyền thống, việc gì cũng nghĩ cho chồng con trước hết. Ảnh minh họa.

Tôi nhiều lần cằn nhằn vì bà mãi không chịu thương lấy bản thân. Bà nghe thì gật đầu nhưng được vài hôm, đâu lại vào đấy. Bà thấy thương nên vẫn cứ làm. Tình thương của bà đã ở đó hơn ba mươi năm kể từ ngày theo ba tôi về làm vợ rồi làm mẹ.

Nó ngấm vào xương tủy mẹ tôi tới thâm căn cố đế nên không dễ gì đổi được. Bởi thế, hễ có chuyện gì, chúng tôi đều tìm mẹ. Mẹ thương nên nhớ hết mọi thứ về chúng tôi. Mẹ như một phiên bản khác của thằng gù Quasimodo mà gia đình là thánh địa linh thiêng nhất.

Người ta nhìn vào sẽ thấy mẹ hy sinh vất vả. Còn mẹ, miệng than mắng nhưng tay vẫn thoăn thoắt làm. Bà không bận lòng như thế nào là hy sinh. Tôi là con gái của bà. Đứng bên cạnh bà quan sát, dễ dàng cảm nhận được niềm hạnh phúc của bà khi tận tay chăm lo cho gia đình. Bà từ chối các chuyến du lịch miễn phí cùng cơ quan, bà cũng ít khi về quê. Bà sợ mấy bố con không tự xoay sở được. Sợ thiếu bà, nhà sẽ không thể ổn an.

Người ta nhìn vào sẽ thấy mẹ hy sinh vất vả. Ảnh minh họa.

Người ta nhìn vào sẽ thấy mẹ hy sinh vất vả. Ảnh minh họa.

Nhiều lần trong đời, tôi ước mẹ đừng được gả cho bố. Biết đâu mẹ sẽ ít buồn hơn, ít đau lòng hơn. Rồi tôi lại đinh ninh rằng cho dù làm vợ ai thì mẹ vẫn thế. Mẹ sẽ vẫn là mẹ. Vẫn lại chăm lo cho tất cả mọi người hơn cả bản thân. Đơn giản vì tình yêu thương của mẹ đi cùng với trách nhiệm. Mẹ tự đặt ra vai trò không ai thay thế được của người phụ nữ trong gia đình. Mẹ sống tận tụy với đức tin và lựa chọn của mình. Cũng không riêng gì mẹ, tôi nhìn thấy điều ấy trong nhiều thế hệ phụ nữ, của gia đình tôi và của đất nước tôi.

Tận tâm là khi người ta đưa ra sự lựa chọn để hành động nhất quán với nó. Rất có thể lựa chọn đó sẽ đi cùng với sự đánh đổi. Không ai chắc chắn liệu có nhận lại được giá trị tương đương không. Nhưng cũng may, tôi luôn thấy người tận tâm tự cảm nhận được hạnh phúc. Cho dù hạnh phúc ấy có thể không giống ai, không ai hiểu thấu được. Như là Quasimodo hay là mẹ tôi, họ sống và yêu đến kiệt cùng chính mình. Dẫu cho bao nhiêu năm, họ vẫn luôn giữ được trái tim tận tâm với những gì họ thầm thương quý.

Lưu Hường

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/tan-tam-la-boi-thuong-tham-day-thoi-261285.htm