Tận tâm vì quê hương
Trong đề cương chi tiết về các nhân vật của tập ký mà tôi cố công chuẩn bị từ nhiều năm trước mang tựa đề: 'Những người sống quanh tôi' dự tính xuất bản ít lâu nữa có phác thảo chân dung của những người anh, người bạn mà tôi gần gũi, tâm đắc. Mới đây, khi nhận được thông tin tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Quảng Trị lần thứ V, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hồ Đại Nam vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và là đại biểu tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020 của tỉnh Quảng Trị đi dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, tôi mừng cho anh, cho nhân vật ký chân dung mà tôi đã chắt góp, chuẩn bị tư liệu từ hơn 20 năm trước. Đây còn là phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực lao động sáng tạo của anh Hồ Đại Nam trong suốt 30 năm từ ngày lập lại tỉnh Quảng Trị đến nay.
Khi rảnh rỗi, tôi lục lại những tư liệu mà tôi có về anh Hồ Đại Nam từ rất nhiều năm trước. Những dòng chữ cựa quậy trên trang giấy đã ngả sang màu thời gian làm tôi nhớ lại những ngày làm báo vụng về thuở mới ra trường và vui mừng cảm nhận được rằng, cho đến tận bây giờ, những người anh, người bạn của tôi như anh Nam chẳng hạn vậy, họ đã vượt qua rất nhiều gian nan, trung trinh một con đường đã chọn, những công việc đã làm và luôn làm việc với tâm thế, trách nhiệm trĩu nặng vì sự đổi mới của quê hương, đất nước.
1. Hơn 20 năm trước, anh Hồ Đại Nam là chủ tịch đầu tiên của Hội Doanh nhân trẻ Quảng Trị, một doanh nhân đã có tiếng tăm. Tôi hồi đó là phóng viên kinh tế, thường gặp anh để nhờ anh tư vấn trong cách thức viết một bài báo về lĩnh vực kinh tế sao cho đơn giản, dễ hiểu, súc tích, hay mà đúng, đúng mà hay. Trong những lần gặp gỡ đó, lần hồi tôi có thêm nhiều thông tin thú vị về anh. Có thể kể ra như là kế toán trưởng một doanh nghiệp lớn của tỉnh Bình Trị Thiên (cũ), tháng 7/1989 chia tỉnh, về Quảng Trị, anh Hồ Đại Nam được phân công phụ trách công tác tài chính, kế toán của Sở Thương nghiệp Quảng Trị. Sở Thương nghiệp lúc bấy giờ được tỉnh giao nhiệm vụ chủ đầu tư xây dựng chợ Đông Hà nhưng ngân sách bố trí chỉ đủ cho việc thi thiết kế mô hình chợ. Anh Nam đã cùng với ban lãnh đạo Sở Thương nghiệp lặn lội gõ cửa khắp nơi và thuyết phục được Tổng Công ty Sông Đà bỏ vốn ra xây dựng chợ rồi thanh toán sau. Nói theo cách nói hiện nay là đầu tư theo hình thức BT (xây dựng- chuyển giao) nhưng hồi đó thì đây là sáng kiến mang tầm cấp tỉnh, vì sau khi chợ Đông Hà xây dựng xong giai đoạn 1, đưa vào hoạt động, số tiền đấu giá cho thuê lô quầy đã đủ để trả nợ. Cũng với hình thức BT này, năm 1993, anh ra Hà Nội thuyết phục Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam Trương Đình Tuyển (sau này là Bộ trưởng Bộ Thương mại) bỏ vốn đầu tư xây dựng cho Quảng Trị cửa hàng xăng dầu tại đường Lê Duẩn được coi là lớn nhất khu vực Bình Trị Thiên lúc bấy giờ, sau đó Công ty Thương mại trả nợ dần không tính lãi…
Năm 1995, trên cương vị Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công ty Thương mại Quảng Trị, anh Hồ Đại Nam được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Đông Hà và là đại biểu trẻ nhất trong đoàn đại biểu Đảng bộ thị xã Đông Hà dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XII. Trong thời gian làm Giám đốc Công ty Thương mại Quảng Trị (2002-2009), vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, anh đã đưa công ty trở thành điểm sáng của ngành Công thương cả nước. Giá trị tài sản cố định của công ty tăng gấp 20 lần, tạo nền tảng vững chắc cho Công ty cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị có doanh thu đạt gần ngàn tỉ đồng, nộp ngân sách địa phương trên 50 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho trên 500 lao động như hiện nay. Trong chuyển hướng sản xuất, kinh doanh, công ty đã đầu tư nhiều dự án đến nay vẫn phát huy hiệu quả, tiêu biểu như Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa. Tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Quảng Trị lần thứ III năm 2010, Công ty Thương mại Quảng Trị được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, anh Hồ Đại Nam được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì…
2. Còn nhớ trong chuyến đi thực tế vào cuối tháng 10/2019 của các phóng viên Chi hội Nhà báo Văn phòng thường trú tỉnh Quảng Trị tại Hải Lăng, khi đến vùng trồng cam K4, xã Hải Phú, mọi người không khỏi ngỡ ngàng trước những vườn cam trĩu quả đang vào mùa chín rộ. Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hồ Đại Nam, nguyên Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cùng đi thực tế chân tình cho biết, dịp này anh đi theo đoàn với tư cách là một “hướng dẫn viên” cho các nhà báo về mảnh đất và con người vốn rất gắn bó trong những năm anh được phân công về nhận công tác ở đây.
Tham gia đoàn đi thực tế, nhưng tôi lại chọn một gốc cam già và một người quen cũ trồng cam nổi tiếng nơi đây là ông Trần Ngọc Nhơn để chuyện trò. Tôi biết tường tận là trong thời gian đảm nhận trọng trách Chủ tịch UBND huyện, Bí thư Huyện ủy Hải Lăng, anh Hồ Đại Nam đã cùng tập thể lãnh đạo huyện tạo ra nhiều nét mới trong phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng. Dấu ấn lớn nhất là đã chỉ đạo phát triển vùng gò đồi K4 phía Tây huyện Hải Lăng thành vùng chuyên canh cây ăn quả có múi. Thuở mới vỡ vạc những vườn cam trên nhộn nhạo đất sỏi cơm và nguy cơ bom mìn, vừa thu những quả bói đầu tiên, anh Nam vẫn hay rủ rê tôi đến đây vào những ngày cuối tuần. Theo anh Nam, để có được vùng trồng cam cho nhiều quả ngọt, ngon và sạch như ở Hải Phú, lãnh đạo huyện và người nông dân lúc bấy giờ đã phải trăn trở, tìm tòi rất nhiều, từ khâu chọn giống, chế độ chăm sóc, bón phân, tạo tán, phòng trừ sâu bệnh… sao cho cây cam có thể phát triển tốt, cho năng suất cao, phù hợp với đất đai, khí hậu khắc nghiệt ở Quảng Trị. Huyện cũng đã hỗ trợ người dân bằng cách huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng đường giao thông, điện thắp sáng lên tận vùng chuyên canh trồng cam, tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Biết bao mồ hôi, công sức đổ xuống mới biến vùng đất hoang hóa này cho những mùa quả ngọt như hôm nay. Cùng trò chuyện với người trồng cam, ăn thử một múi cam ngọt lừ, mùi vỏ cam nồng lên nơi mắt, tôi bâng khuâng nhớ lại những ngày đã xa có dịp cùng anh Nam rong ruổi khắp 19 tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan chỉ vì một câu hỏi canh cánh, thao thức trong lòng: Trồng cây gì, nuôi con gì trên vùng đất thuần lúa Hải Lăng?.
Đã có lần, tôi cùng anh Nam và đoàn công tác huyện Hải Lăng đã đến tận trang trại ông Nguyễn Trọng Tấn, một Việt kiều nổi tiếng làm ăn giỏi ở tỉnh Udonthani, Thái Lan để xem mô hình trồng cây cao su tiểu điền, trồng cỏ nuôi bò. Từng đàn bò cao to, lừng lững, tai dài phủ xuống tận yếm cổ, đang nhẩn nha gặm cỏ. Cỏ dưới chân bò mà mượt, săn quánh, tươi tốt như ứa mật thu hút sự quan tâm của chúng tôi. Trang trại tổng hợp của ông Tấn có quy mô trên 100 ha, bao gồm nuôi bò Brahman gắn với trồng cỏ nuôi bò.
Ông Tấn cho biết, bò ông nuôi bán làm bò đực giống có nhiều con bán giá 6 triệu bath Thái, tương đương 450 triệu đồng Việt Nam, có con giá cao hơn. Bên cạnh nuôi bò, nuôi cá, trồng cỏ, trồng cao su, ông Tấn còn thử nghiệm trồng cây lúa thảo dược cho ra hạt gạo đen. Trên đường trở ra, đoàn công tác của huyện Hải Lăng chia làm hai nhóm. Một nhóm tìm hiểu thực tế trang trại SK Pataya tại tỉnh Chonburi chuyên nuôi bò đực giống; một nhóm nhằm hướng Prachin Buri, đến “vương quốc mít” của Thái tham quan quy trình trồng mít nơi đây. Trang trại SK Pataya là một trong những trang trại nuôi bò lấy tinh và lai tạo các giống bò có chất lượng cao tại Thái Lan hình thành cách đây hơn 25 năm.
Anh Hồ Đại Nam khẳng định: “Qua tìm hiểu, bước đầu nhận thấy các loại giống cây, con mà đoàn đã khảo sát trong chuyến công tác tại Thái Lan có khả năng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Huyện Hải Lăng đã thống nhất với các đối tác Thái Lan trong việc hợp tác chuyển giao giống, kỹ thuật để thử nghiệm các giống cây, con tại địa bàn huyện. Nếu thử nghiệm thành công sẽ góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác có hiệu quả tiềm năng sản xuất nông nghiệp của huyện”.
Sau chuyến công tác trở về, tôi vẫn dõi theo và thấy phấn chấn trong lòng khi biết Hải Lăng là huyện đầu tiên của tỉnh xác định được các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực và ban hành chính sách hỗ trợ phát triển. Thử nghiệm thành công việc thụ tinh bò Brahman trên nền cái lai sind cho con lai tăng trọng nhanh, thích nghi với điều kiện tự nhiên của Quảng Trị, mở ra hướng đi mới cho chăn nuôi nông hộ, góp phần đưa đàn bò lai của huyện Hải Lăng đạt tỉ lệ trên 75% như hiện nay. Anh còn chỉ đạo thử nghiệm nhiều giống lúa mới, trong đó có giống lúa thảo dược (nguồn gốc từ Thái Lan) hiện duy trì trên 20 ha tại HTX Kim Long, xã Hải Quế để phục vụ nấu rượu (rượu nấu từ gạo thảo dược có giá bán cao gấp 1,5 lần rượu nấu từ nếp và cao gấp 3 lần rượu nấu từ gạo thông thường).
Mới đây có một doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh đã ký hợp đồng dài hạn (5 năm) bao tiêu loại gạo quý này. Anh cũng đã chỉ đạo Hội KHKT huyện xây dựng thành công 5 đề tài khoa học, phần lớn các đề tài đã được ứng dụng và phát huy trong thực tiễn. Nổi bật là đề tài xã hội hóa trong đầu tư xây dựng, khai thác chợ với các giải pháp sáng tạo trong huy động nguồn lực xã hội hóa đã giúp cho Hải Lăng đầu tư khai thác hiệu quả hàng loạt công trình mang ý nghĩa kinh tế - xã hội quan trọng như các chợ: Thị trấn Diên Sanh, Phương Lang, Hải An, Mỹ Chánh, Hải Dương, Bến Đá…
3. Trong thời gian anh Hồ Đại Nam làm Giám đốc Sở Công thương (2010 - 2012), ngành Công thương đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh định hướng phát triển ngành công nghiệp địa phương dựa trên 4 trụ cột chính là công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng, công nghiệp siliccat và công nghiệp dệt may (Anh Nam đã có bài phát biểu tại hội nghị Tỉnh ủy ngày 30/11/2011 tổng kết thực hiện Nghị quyết 13- NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XIII) về phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp). Từ đó, Sở Công thương đã tích cực tham mưu UBND tỉnh làm việc với Bộ Công thương và các bộ, ngành Trung ương, Chính phủ đưa nội dung: Xây dựng đường ống dẫn khí từ mỏ Báo Vàng (lô 113) về tỉnh Quảng Trị vào quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam, giai đoạn 2010 - 2015, định hướng đến năm 2025. Tích cực làm việc với Liên doanh VIETGAZPROM để đẩy nhanh tiến độ khoan thăm dò và thẩm lượng (xác định trữ lượng và chất lượng khí) tại các lô 111/4, 112, 113. Đưa dự án nhiệt điện Quảng Trị (600MW x 2) và Tua bin khí hỗn hợp Miền Trung (Quảng Trị) 450MW vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2010 - 2020 có xét đến năm 2030. Tham mưu UBND tỉnh tích cực làm việc với Tập đoàn Dệt may Việt Nam quy hoạch Quảng Trị là 1 trong 10 trung tâm dệt may lớn của cả nước, làm tiền đề để thu hút đầu tư. Sở Công thương đã vận động Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng và kinh doanh đô thị (Hà Nội), Công ty Cổ phần SVA đầu tư 8 cột đo gió tại các xã Hướng Linh, Hướng Phùng… trên cơ sở đó để có số liệu đề nghị Bộ Công thương phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió trên địa bàn Quảng Trị và kêu gọi đầu tư. Tham mưu UBND tỉnh làm việc với Tập đoàn Cao su Việt Nam đầu tư thêm Nhà máy MDF công suất 120.000 m3 /năm tại Khu Công nghiệp Quán Ngang, phát triển các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh…
Trên cơ sở khảo sát, xác định tiềm năng về nguồn cát thạch anh trong tỉnh, Sở Công thương đã phối hợp Tập đoàn Sibeco (Bỉ) khoan thăm dò 60 điểm tại các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, kết quả phân tích mẫu cát xác định thành phần SiO2 phần lớn trên 99%, mở ra tiềm năng phát triển ngành công nghiệp siliccat của tỉnh với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như pha lê, bông thủy tinh, sứ thủy tinh cách điện, men Frit, sợi thủy tinh, vật liệu composit, sản xuất tấm panen pin mặt trời…
Quả thực, khi tiếp cận thông tin triển khai Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị mà Mỹ Thủy, Hải Lăng được xác định là nơi xây dựng cảng nước sâu, thoạt đầu ngay bản thân tôi cũng chưa hình dung ra hình hài của nó. Nhưng khi có dịp cùng anh Nam sang Thái Lan, tận mắt nhìn thấy cảng biển Maptaphut và Laem Chabang nước bạn, tôi đã vững tin hơn nhiều. Ở Thái Lan, những vùng được chọn xây dựng cảng và khu phức hợp trước đây đều là những làng chài nghèo, bây giờ rất giàu có, sầm uất. Tôi ao ước quê mình cũng được như thế, trong tương lai gần...
4. Trong thời gian làm Chánh Văn phòng Tỉnh ủy rồi giữ cương vị Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, anh Hồ Đại Nam cùng tập thể lãnh đạo Ban đã có nhiều đổi mới về phương thức, phương pháp công tác, nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác tuyên giáo, đưa ngành Tuyên giáo Quảng Trị trở thành một trong những điểm sáng của ngành Tuyên giáo toàn quốc. Tuy nhiên, như một cơ duyên, trọng trách anh đang giữ không làm cho anh và tôi có xa ra khoảng cách. Những lúc gặp gỡ, anh vẫn thường nhắc nhớ về những năm tháng thuở trước, luôn chan hòa và thương mến nhau. Anh luôn nhận mình là cộng tác viên tin cậy của Báo Quảng Trị. Tôi vẫn còn nhớ, sau chuyến tháp tùng lãnh đạo tỉnh thăm và làm việc tại Belarut và Cộng hòa Liên bang Nga năm 2008 trở về, anh gửi đăng bài báo “Khơi dòng chảy đầu tư từ vùng đất thấm đẫm nghĩa tình” viết rất chắc tay. Năm 2017, nhân dịp nhận huy hiệu 30 năm tuổi Đảng, anh có tùy bút “Đảng trong tôi” cảm động, chân thành. Cũng năm này, sau khi cùng Bí thư Tỉnh ủy khảo sát mô hình nông nghiệp canh tác tự nhiên tại huyện Triệu Phong, anh có bài “Canh tác tự nhiên trong nông nghiệp - mô hình sản xuất cần được nhân rộng” gợi mở nhiều ý tưởng và hướng đi trong phát triển, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp mới mẻ và nhiều tiềm năng này. Năm 2018, sau chuyến đi nghiên cứu, học tập theo chương trình 165 tại Mỹ trở về, anh có phóng sự “Tản mạn đôi điều về nước Mỹ” với nhiều thông tin mới, phát hiện thú vị…
Các bài báo anh Nam gửi bao giờ cũng kèm theo lời nhắn: “Biên tập lại cho anh”. Tuy nhiên, đọc những bài báo có sức nặng của anh, từ thực tiễn công tác sôi động anh đã trải qua, tôi đã rút ra được những điều bổ ích cho mình. Đó chung quy vẫn là như anh và những người đi trước, luôn trăn trở, ấp ủ, nuôi dưỡng những ý tưởng tốt đẹp có tính tiên phong, sáng tạo và triển khai cho được trong thực tế cuộc sống, đem lại lợi ích thiết thực; tận tâm với công việc và cương vị được giao, lặng thầm đóng góp một phần công sức của mình vì sự phát triển vững bền cho quê hương, đất nước…
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=153879